Thực hiện tốt hơn nữa chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực trẻ em
Lược ghi phát biểu của ỦY VIÊN BỘ CHÍNH TRỊ, PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI TRẦN THANH MẪN khai mạc Phiên giải trình về phòng, chống bạo lực trẻ em
Ảnh: Thanh Chi
Tôi rất hoan nghênh Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã kịp thời, chủ động phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Tư pháp, Ủy ban Xã hội, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, các ban, bộ, ngành, tổ chức quốc tế có liên quan để chuẩn bị nội dung, chương trình phiên giải trình hôm nay. Đây là hoạt động thể hiện trách nhiệm của Quốc hội đối với những vấn đề cử tri, Nhân dân và dư luận xã hội quan tâm; cũng là tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 20 ngày 5.11.2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới; giám sát việc thực hiện các quy định về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em trong Luật Trẻ em năm 2016 và Nghị quyết 121 của Quốc hội năm 2020 về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.
Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước. Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em là sự nghiệp có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, bảo đảm cho sự phát triển của đất nước. Công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các ngành, các địa phương và nhân dân mà trực tiếp là mỗi gia đình, nhà trường, cộng đồng dân cư. Điều đó đượcthể hiện nhất quán trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, trong các văn bản của Nhà nước đã thể chế hóa, tạo cơ sở chính trị, pháp lý cho công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ và phòng, chống bạo lực trẻ em.
Trong những năm qua, việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực trẻ em đã đạt được những kết quả tích cực, đã kịp thời triển khai Quyết định số 23 ngày 7.1.2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021 - 2030 và Nghị định số 20 ngày 15.3.2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng phòng, chống bạo lực trẻ em được quan tâm hơn. Việc xử lý tin báo, tố giác về các hành vi vi phạm pháp luật và các biện pháp hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em có nguy cơ bị bạo lực và bị bạo lực được chú trọng hơn. Các vụ việc, vụ án xâm hại trẻ em cơ bản được xử lý kịp thời, nghiêm minh. Lãnh đạo Quốc hội đánh giá cao sự vào cuộc quyết liệt, tinh thần trách nhiệm cao của các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan tư pháp và mạng lưới cán bộ, cộng tác viên làm công tác trẻ em từ trung ương đến địa phương, cơ sở.
Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 trong 2 năm qua đã gây tổn thất nặng nề trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam; việc hạn chế đi lại, cách ly xã hội và những biện pháp ngăn chặn dịch bệnh, đi kèm với áp lực kinh tế và đời sống khó khăn tăng lên đối với các gia đình, dẫn đến bạo lực gia tăng với phụ nữ và trẻ em, đặc biệt là bạo lực đối với trẻ em “những chủ nhân tương lai của đất nước”. Trẻ em non nớt cả về thể chất và tinh thần, rất cần được chăm sóc, yêu thương, nhưng điều khiến chúng ta xót xa, đau buồn, dư luận phẫn nộ là nhiều vụ bạo hành dã man trẻ em lại do chính những người làm cha, làm mẹ, người thân, người ruột thịt trong gia đình gây ra.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực trẻ em, trước hết là do nhận thức của gia đình, cộng đồng dân cư về vấn đề bảo vệ trẻ em chưa đầy đủ; nhiều thói quen, phong tục, tập quán như văn hóa “thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” khiến có người coi chuyện đánh con là quyền của cha mẹ. Bên cạnh đó, hiểu biết về pháp luật nói chung và pháp luật về quyền trẻ em nói riêng chưa được các cấp, các ngành quan tâm thỏa đáng. Nhận thức về sự nguy hại nhiều mặt và hậu quả lâu dài, nghiêm trọng của các hành vi bạo lực đối với trẻ em chưa được cảnh báo đúng mức. Cộng đồng xã hội chưa chủ động phát hiện sớm và chưa kịp thời báo cho các cơ quan chức năng để xử lý, can thiệp; kiến thức và kỹ năng bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em của cha mẹ, người chăm sóc trẻ và của chính bản thân trẻ chưa đầy đủ. Tình trạng nhiều gia đình hoàn cảnh kinh tế khó khăn; cha mẹ mâu thuẫn, ly hôn, ly thân; cha mẹ mắc các tệ nạn xã hội, nghiện hút, cờ bạc, rượu chè, lối sống ích kỷ, thiếu trách nhiệm với con cái, vi phạm pháp luật… là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ em bị bạo lực. Bên cạnh đó, pháp luật chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe những người có hành vi bạo lực; bất bình đẳng giới cũng là nguyên nhân sâu xa dẫn đến bạo lực với trẻ em.
Thời gian qua, dư luận xã hội rất bức xúc và đau lòng khi các phương tiện truyền thông liên tục đưa tin về các vụ việc bạo hành trẻ em gây hậu quả rất nghiêm trọng. Báo cáo của các cơ quan gửi tới Quốc hội cho thấy các vụ việc xâm hại, bạo lực trẻ em tuy đã giảm nhiều so với trước đây nhưng vẫn còn ở mức cao. Điều đó cho thấy, những việc chúng ta đã và đang thực hiện chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em vẫn là chưa đủ. Để phiên giải trình đạt kết quả, đáp ứng được sự mong đợi của cử tri và nhân dân cả nước, tôi đề nghị các đại biểu tập trung làm rõ những nội dung sau:
Thứ nhất, tiếp tục làm rõ, phân tích cặn kẽ những nguyên nhân xảy ra tình trạng bạo lực trẻ em, trách nhiệm của các cơ quan liên quan từ trung ương đến địa phương, cơ sở; sự phối hợp giữa các Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục, Tư pháp trong việc cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em.
Thứ hai, đề xuất các giải pháp, nhất là về hoàn thiện thể chế; về tổ chức triển khai, thực hiện; về tổ chức bộ máy và bố trí các nguồn lực thỏa đáng cho công tác trẻ em. Đặc biệt là tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em.
Thứ ba, giải pháp để xây dựng, phổ biến các chuẩn mực giá trị đạo đức, văn hóa con người Việt Nam trong thời kỳ mới, ý thức pháp luật, ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức trong gia đình và xã hội, phòng ngừa các nguy cơ về bạo lực trẻ em trong gia đình, nhà trường và xã hội, hướng đến mục tiêu vì sự phát triển toàn diện của trẻ em Việt Nam.
Thứ tư, nghiên cứu, xem xét, thảo luận để có thể thống nhất đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan tiến hành tổng rà soát toàn diện trẻ em có nguy cơ bị bạo hành hiện nay trên phạm vi cả nước, làm cơ sở, dữ liệu giúp cho việc thường xuyên theo dõi, nắm chắc tình hình để chủ động phòng ngừa, xử lý các tình huống phát sinh từ địa phương, cơ sở.
Tại phiên giải trình hôm nay, trên tinh thần dân chủ, xây dựng, thẳng thắn, trách nhiệm cao, tôi đề nghị các cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan tư pháp tập trung trả lời ngắn gọn, trọng tâm, cụ thể, sát thực vào các câu hỏi của đại biểu, những vấn đề cử tri và Nhân dân quan tâm; đưa ra giải pháp khắc phục những hạn chế trong tổ chức thực hiện pháp luật về phòng, chống bạo lực trẻ em; có các đề xuất, kiến nghị đối với Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức, địa phương nhằm tiếp tục hoàn thiện và thực hiện tốt hơn nữa chính sách pháp luật về công tác phòng, chống bạo lực trẻ em; tạo môi trường lành mạnh, an toàn, thân thiện, bình đẳng, công bằng, không để bất cứ trẻ em nào bị bỏ lại phía sau; đó cũng là thể hiện quan điểm nhất quán, trách nhiệm thường xuyên, liên tục của Việt Nam trong thực hiện các cam kết quốc tế về quyền trẻ em.
_______
* Đầu đề do Báo ĐBND đặt