Thực hiện Nghị quyết 98/2023/QH15: TP. Hồ Chí Minh với bước đi 'thần tốc', vượt mốc thời gian

Nhìn lại gần một năm qua kể từ khi Quốc hội thông qua Nghị quyết 98/2023/QH15 cho TP. Hồ Chí Minh, kết quả triển khai thực hiện nghị quyết này đã có những thành công quan trọng, được cho là 'thần tốc', vượt mốc thời gian; là động lực để các cấp, các ngành của thành phố tự tin, nỗ lực bứt phá.

Ngã ba sông Sài Gòn và rạch Bến Nghé – TP. Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu.

Ngã ba sông Sài Gòn và rạch Bến Nghé – TP. Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu.

Tháo gỡ khó khăn, khơi thông nguồn lực

Nghị quyết 98/2023/QH15 (Nghị quyết 98) “Về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh (TP.HCM)” được xem là nghị quyết mới nhất và đầy đủ, toàn diện nhất cho thành phố, với 44 cơ chế, chính sách trên 7 lĩnh vực khác nhau. Nghị quyết dựa trên 3 nguyên tắc chính là “khơi thông tối đa các nguồn lực”, “phân cấp phân quyền tối đa” và “cho phép thực hiện một số chức năng nhiệm vụ với quy trình, thủ tục rút gọn, ngoài hệ thống pháp luật chung”.

Tăng tốc thực hiện Nghị quyết 98

Quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 98, bên cạnh kết quả tích cực thì cũng còn không ít khó khăn vướng mắc. Do vậy, thời gian tới, TP.HCM sẽ bám sát chỉ đạo của Chính phủ và các bộ, ngành trung ương để sớm ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện nghị quyết này. Ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh

Ngay sau khi Nghị quyết 98 có hiệu lực, TP.HCM đã kịp thời có các nghị quyết để triển khai thực hiện và chọn chủ đề năm 2024 là “Quyết tâm thực hiện hiệu quả chuyển đổi số và Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội”. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, với cách làm hay, đổi mới, sáng tạo, đột phá, TP. HCM đã triển khai thực hiện Nghị quyết 98 với tốc độ "thần tốc", một số phần việc vượt mốc thời gian dự kiến. Theo đó, thành phố đã thông qua khoảng 30 nghị quyết, cụ thể hóa 18/27 cơ chế chính sách, trong đó có nhiều chính sách đã phát huy hiệu quả ngay. Trong các cơ chế của Nghị quyết 98, nổi bật là quản lý đầu tư, đất đai, tài chính ngân sách, ngành nghề ưu tiên, bộ máy chính quyền… Hiệu quả của Nghị quyết 98 thể hiện rõ nhất ở sự phát triển của TP. Thủ Đức, mô hình “thành phố trong thành phố” đầu tiên của cả nước.

Theo PGS.TS Nguyễn Tấn Phát - Giám đốc Học viện Cán bộ TP.HCM, đến nay có thể khẳng định rằng, TP.HCM sau gần 1 năm thực thi Nghị quyết số 98 đã đạt kết quả khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, UBND thành phố đã có văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị về việc lập dự toán, bố trí kinh phí và thủ tục thanh, quyết toán, chi thu nhập tăng thêm với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc phạm vi quản lý của thành phố.

Ngoài ra, chính quyền thành phố đã có những văn bản hướng dẫn cụ thể, sát hợp, bước đầu có những tín hiệu khởi sắc trong từng vấn đề cụ thể. Đó là về quy định tiêu chí, điều kiện, mức, nội dung, hình thức và thời gian hỗ trợ để hỗ trợ giảm nghèo, giải quyết việc làm; về quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư trong lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo, thể thao và văn hóa; về tiêu chí, tiêu chuẩn, định mức quy định đối với số lượng cán bộ, công chức tại xã, phường, thị trấn; về thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; về thành lập, tổ chức lại, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND thành phố...

Phát triển trọng tâm, trọng điểm, chiều sâu

Nhìn nhận sau gần một năm triển khai thực hiện Nghị quyết 98, Chủ tịch UBND TP. HCM Phan Văn Mãi đánh giá, về cơ bản thành phố đã có sự chuẩn bị rất kỹ, triển khai rất tập trung và đạt được những kết quả bước đầu khá tốt. Khối lượng công việc, kết quả đã làm từ việc triển khai Nghị quyết 98 lớn hơn thời kỳ thực hiện Nghị quyết 54. Về phân cấp, phân quyền, thời gian qua UBND thành phố đã ủy quyền cho cấp quận được phê duyệt các dự án đầu tư nhóm 3. Việc điều chỉnh quy hoạch cục bộ cho các dự án đầu tư công đã giúp tiến độ giải ngân đầu tư công của các quận, huyện rất nhanh.

Theo ông Phan Văn Mãi, quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 98, bên cạnh kết quả tích cực thì cũng còn không ít khó khăn vướng mắc. Do vậy, thời gian tới, TP.HCM sẽ bám sát chỉ đạo của Chính phủ và các bộ, ngành trung ương để sớm ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện nghị quyết này. Cũng theo Chủ tịch UBND TP. HCM, với tinh thần khẩn trương và nỗ lực để tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong thẩm quyền, thành phố tiếp tục củng cố bộ máy, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, phân công công việc cụ thể…

Thành phố đã có hướng đi cụ thể về các dự án BOT, BT,… với điều kiện quy trình, thủ tục hồ sơ cũng phải nhanh chóng hoàn thiện để triển khai. Hiện thành phố cũng đã có các nghị quyết khung ban đầu về thu hút phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhưng đi vào thực hiện phải có các quy trình, hồ sơ mẫu và đặc biệt là phải rút ngắn thời gian. Đặc biệt là TP.HCM sẽ tiếp tục phân cấp, phân quyền cho các địa phương để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các đầu việc, đi liền với hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, giải quyết kịp thời những phát sinh.

Ngoài ra, thành phố cũng sẽ kiên trì các giải pháp để khơi thông nguồn lực tín dụng xã hội, cùng với đó là các chương trình kích cầu để thu hút được các nguồn lực từ ngân hàng, doanh nghiệp; tiếp tục cụ thể hóa hơn và có các hình thức xúc tiến đầu tư, thu hút đầu tư cho chiến lược phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo…

Kinh tế TP. Hồ Chí Minh tiếp đà tăng trưởng

Theo thông tin từ Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh, 5 tháng đầu năm 2024, chỉ số toàn ngành sản xuất công nghiệp của thành phố tăng đều ở nhiều lĩnh vực. Trong đó, ngành khai khoáng tăng 42,7%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,9%; sản xuất và phân phối điện tăng 11,2%; cung cấp nước và xử lý rác thải tăng 1,1%. Chỉ số sản xuất 4 ngành công nghiệp trọng điểm tính chung 5 tháng đầu năm 2024 tăng 4,5% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành hóa dược tăng 18,9%; ngành cơ khí tăng 1,2%; ngành chế biến lương thực, thực phẩm tăng 0,8%.

Cùng với đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của thành phố tính chung 5 tháng đầu năm 2024 ước đạt 458.049 tỷ đồng, tăng 10,2% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 219.344 tỷ đồng, tăng 9,3%; một số nhóm có mức tăng cao so với cùng kỳ như nhóm đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình tăng 19,1%; gỗ và vật liệu xây dựng tăng 11,3%; đá quý, kim loại quý và sản phẩm tăng 31,4%. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 51.110 tỷ đồng, tăng 8,7%, trong đó, ngành lưu trú tăng 49,9% và ngành dịch vụ ăn uống tăng 3,8%...

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, các chỉ số trên là chỉ dấu rõ nét về khả năng phục hồi kinh tế nhanh, tiếp đà tăng trưởng của thành phố kể từ sau đại dịch Covid - 19 đến nay.

Gia Cư

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/thuc-hien-nghi-quyet-982023qh15-tp-ho-chi-minh-voi-buoc-di-than-toc-vuot-moc-thoi-gian-153277.html