Thực hiện hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng

Qua 10 năm triển khai thực hiện, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh đã góp phần quan trọng trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; giúp ổn định diện tích rừng hiện có cả về số lượng, chất lượng, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định đời sống của người dân và cộng đồng dân cư tham gia bảo vệ rừng.

Chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho người dân. Ảnh: liệu

Ngày 30/12/2011, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3719 thành lập Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh. Đến nay, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng trở thành tổ chức tài chính nhà nước, quản lý, sử dụng các nguồn lực tài chính cho hoạt động bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh.

Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng được thành lập nhằm huy động các nguồn lực của xã hội để bảo vệ và phát triển rừng, góp phần thực hiện chủ trương xã hội hóa nghề rừng; tăng cường công tác quản lý, bảo vệ diện tích rừng hiện có và phát triển rừng mới; tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm đối với công tác bảo vệ và phát triển rừng của những người được hưởng lợi từ rừng hoặc có các hoạt động ảnh hưởng trực tiếp đến rừng; nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý, sử dụng và bảo vệ rừng cho các chủ rừng, góp phần thực hiện chiến lược phát triển lâm nghiệp.

Giai đoạn 2016 - 2018, quỹ chủ động tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch, tổ chức nghiên cứu, thí điểm thu tiền dịch vụ môi trường rừng đối với các cơ sở nuôi cá nước lạnh và các cơ sở sản xuất công nghiệp có sử dụng nước phục vụ sản xuất. Kết quả thí điểm tại tỉnh Lào Cai là cơ sở khoa học và thực tiễn để Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đưa 2 loại dịch vụ trên trình Quốc hội thông qua tại Luật Lâm nghiệp, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Nghị định số 156/2018/NĐ-CP về quy định hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp và tạo hành lang cơ sở pháp lý áp dụng thực hiện thống nhất trên toàn quốc.

Quỹ phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng tại các địa phương. Đặc biệt, quỹ đã tổ chức các cuộc làm việc trực tiếp với lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, các thành viên Chi hội Thủy điện Lào Cai, Cục Điều tiết Điện lực để đưa ra các giải pháp, thống nhất giải quyết một số vướng mắc trong triển khai chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đối với các đơn vị sản xuất thủy điện.

Để phổ biến chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng cho người dân trên địa bàn có rừng, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, hằng năm, quỹ phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức hội nghị tuyên truyền, triển khai Luật Lâm nghiệp, Nghị định số 99/2010/NĐ-CP, Nghị định số 156/2018/NĐ-CP của Chính phủ; mở các khóa đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, tuyên truyền chính sách đến bên cung ứng và bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng. Phối hợp với các cơ quan báo chí của tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, phát gần 100 nghìn tờ rơi, tờ gấp, pano, biển hiệu về dịch vụ môi trường rừng.

Việc chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng được thực hiện công khai, minh bạch theo đúng các quy định của Nhà nước và có sự tham gia, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước như Chi cục Kiểm lâm tỉnh, các hạt kiểm lâm, UBND các huyện, xã và người dân. Việc sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng cũng được các chủ rừng thực hiện đúng quy định. Đối với việc sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng của các cộng đồng dân cư thôn đã được các thôn họp, thống nhất ý kiến của toàn thể người dân. Nội dung tập trung vào chi trả công cho tổ tuần tra, bảo vệ rừng; chi cho việc chung của cộng đồng; dành một phần số tiền này để hình thành quỹ phát triển sinh kế trong các cộng đồng dân cư, giúp các hộ trong cộng đồng có nhu cầu, mong muốn phát triển sản xuất vay vốn, góp phần xóa đói, giảm nghèo.

Việc tiếp nhận và quản lý tiền trồng rừng thay thế đạt nhiều kết quả. Giai đoạn từ năm 2013 trở về trước, toàn bộ số tiền trồng rừng thay thế trên được nộp về ngân sách tỉnh tại các địa phương. Giai đoạn từ năm 2014 đến năm 2021, số tiền trồng rừng thay thế được các đơn vị chuyển về Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh hơn 84 tỷ đồng, diện tích gần 1.662 ha (139 dự án). Quỹ đã giải ngân cho 82 dự án trồng và chăm sóc rừng (trồng mới 939 ha), với 31,6 tỷ đồng.

Công tác kiểm tra, giám sát việc chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng được quan tâm. Quỹ tổ chức hơn 210 cuộc kiểm tra, giám sát theo kế hoạch và bất thường việc chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng tại các chủ rừng là tổ chức, UBND cấp xã, các cơ sở sử dụng dịch vụ môi trường rừng và đơn vị hỗ trợ chi trả trên địa bàn toàn tỉnh. Qua đó, kịp thời giải đáp và tháo gỡ khó khăn trong thực hiện; hướng dẫn các chủ rừng quản lý và sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng theo quy định.

Qua 10 năm hoạt động, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã không ngừng phấn đấu, phát huy tinh thần sáng tạo, có nhiều sáng kiến hay và hiệu quả phục vụ công tác chuyên môn, nghiệp vụ của đơn vị và hằng năm đều được cơ quan cấp trên đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; đơn vị đã vinh dự nhận được Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh. Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh được Tổng cục Lâm nghiệp, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đánh giá là một trong những đơn vị, địa phương đi đầu trong thực hiện nhiệm vụ.

Phát huy những kết quả đạt được, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh phấn đấu trong giai đoạn 2021 - 2025, thu 700 tỷ đồng từ dịch vụ môi trường rừng, tiếp tục hỗ trợ hiệu quả ngành lâm nghiệp Lào Cai trong công tác bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu, cải thiện sinh kế, nâng cao thu nhập, làm giàu từ rừng cho cộng đồng dân cư thôn, hộ gia đình, người dân sống ở gần rừng.

Nguyễn Thanh Lĩnh:

Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/351227-thuc-hien-hieu-qua-chinh-sach-chi-tra-dich-vu-moi-truong-rung