Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2024 trên địa bàn tỉnh

UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 415/KH-UBND thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia (CTMTQG) giảm nghèo bền vững năm 2024 trên địa bàn tỉnh.

Mô hình Hợp tác xã sản xuất miến dong Án Lại, xã Nguyễn Huệ (Hòa An) nâng cao thu nhập, góp phần giảm nghèo cho người dân tại địa phương.

Mô hình Hợp tác xã sản xuất miến dong Án Lại, xã Nguyễn Huệ (Hòa An) nâng cao thu nhập, góp phần giảm nghèo cho người dân tại địa phương.

Nhằm tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống; tích cực hỗ trợ các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn.

Cụ thể, năm 2024, phấn đấu toàn tỉnh giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 4% trở lên (riêng tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 5% trở lên), tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm từ 4% trở lên.

100% các huyện nghèo được hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội liên kết vùng, phục vụ dân sinh, sản xuất, thương mại, lưu thông hàng hóa và cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản; ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, gồm: đường giao thông, trường học, cơ sở y tế, công trình thủy lợi.

Hỗ trợ xây dựng, nhân rộng mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh dịch vụ, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo sinh kế, việc làm, thu nhập bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người dân sinh sống trên địa bàn các huyện nghèo.

Phấn đấu 80% người có khả năng lao động, có nhu cầu phát triển sản xuất thuộc hộ nghèo, hộ trên địa bàn huyện nghèo, được hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp nhằm đổi mới phương thức, kỹ thuật sản xuất, bảo đảm an ninh lương thực, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng, tăng thu nhập.

100% cán bộ làm công tác giảm nghèo được bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng cơ bản về quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình, chính sách, dự án giảm nghèo; lập kế hoạch có sự tham gia, xây dựng kế hoạch phát triển cộng đồng và nghiệp vụ giảm nghèo.

CTMTQG giảm nghèo bền vững thực hiện trên phạm vi toàn tỉnh, trọng tâm là các huyện nghèo.

Đối tượng: Hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo (trong vòng 36 tháng, kể từ thời điểm hộ được cấp có thẩm quyền công nhận thoát nghèo) trên phạm vi toàn tỉnh. Ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo dân tộc thiểu số, hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng; trẻ em, người khuyết tật, phụ nữ thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người dân sinh sống trên địa bàn các huyện nghèo.

Các dự án thành phần của chương trình: gồm 7 dự án, 11 tiểu dự án

Với các nhiệm vụ, giải pháp: Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo; đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền; nâng cao hiệu quả trong triển khai thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững gắn với các chính sách giảm nghèo; huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư cho giảm nghèo; nâng cao năng lực, kiểm tra, giám sát, đánh giá công tác giảm nghèo.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan chủ trì quản lý Chương trình; phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, Thành phố tổ chức triển khai, thực hiện các nội dung Kế hoạch theo quy định.

Các sở, ngành liên quan hướng dẫn, tổng hợp và đề xuất các chỉ tiêu, nhiệm vụ, nguồn vốn và phương án phân bổ kế hoạch vốn ngân sách trung ương hàng năm giao cho các cơ quan và UBND các huyện, Thành phố thực hiện đối với dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần thuộc lĩnh vực quản lý; gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp vào kế hoạch chung theo quy định.

UBND các huyện, Thành phố xây dựng kế hoạch thực hiện công tác giảm nghèo trên địa bàn; chỉ đạo, hướng dẫn các xã, phường, thị trấn tổ chức rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, xác định hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình theo định kỳ và thường xuyên đảm bảo chính xác, kịp thời, công khai; nắm chắc nguyên nhân nghèo để có giải pháp hỗ trợ, phân công giúp đỡ các hộ thoát nghèo phù hợp, hiệu quả; kết quả giảm nghèo hàng năm phải phản ánh được mức độ cải thiện các chiều thiếu hụt, tiêu chí dịch vụ xã hội cơ bản, chất lượng cuộc sống của người dân. Theo dõi, quản lý cơ sở dữ liệu, hồ sơ về hộ nghèo, hộ cận nghèo đầy đủ, đúng quy định...

Ủy ban MTTQ tỉnh và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh chỉ đạo, vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia thực hiện chương trình năm 2024; thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, các mô hình hỗ trợ giúp đỡ người nghèo, hộ nghèo về hỗ trợ làm nhà ở, phát triển sản xuất và đẩy mạnh các hoạt động chăm lo cho người nghèo.

P.V

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/thuc-hien-chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia-giam-ngheo-ben-vung-nam-2024-tren-dia-ban-tinh-3167958.html