Thừa Thiên Huế đẩy nhanh tiến độ cho vay các chương trình tín dụng chính sách
Thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Thừa Thiên Huế đang tập trung đẩy nhanh việc giải ngân, đưa nguồn vốn chính sách tín dụng ưu đãi đến với người nghèo và các đối tượng chính sách.
Thời gian qua, dịch bệnh COVID-19 bùng phát, lan rộng và kéo dài đã ảnh hưởng nặng nề đến đời sống của người dân, tác động tiêu cực đến các lĩnh vực kinh tế, du lịch, văn hóa, xã hội... Vì vậy, để phục hồi nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh; đảm bảo an sinh xã hội, đời sống người dân, nhất là người lao động, người nghèo, người yếu thế... Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình.
Tại Thừa Thiên Huế, ngay khi có chỉ đạo của Tổng Giám đốc NHCSXH về việc thực hiện giải ngân các chương trình cho vay ưu đãi theo Nghị quyết số 11/NQ-CP, Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã tham mưu Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh ban hành các chủ trương; đồng thời, chỉ đạo các Phòng giao dịch NHCSXH các huyện, thị xã triển khai nhiều giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân, đưa nguồn vốn vay đến tay người dân.
Là một trong những trường hợp được vay vốn theo Nghị quyết số 11/NQ-CP, chị Nguyễn Thị Trà My (Tổ 9, phường Thủy Dương, thị xã Hương Thủy) chia sẻ: chồng chị là lao động tự do còn chị là giáo viên mầm non và với đồng lương ít ỏi nên bao lâu nay giấc mơ về một ngôi nhà để an cư lạc nghiệp vẫn còn đang dang dở đối với gia đình chị. “Khi có thông tin về gói vay theo chương trình nhà ở xã hội, vợ chồng tôi đã làm thủ tục vay. Sau khi xem xét các điều kiện, vợ chồng tôi được vay số tiền 500 triệu đồng. Thời hạn vay là 250 tháng (hơn 20 năm). Và trong ngày 29/4/2022, ngân hàng đã giải ngân lần 1 với số tiền 250 triệu đồng. Chúng tôi rất vui và cảm ơn Chính phủ đã có chính sách vay vốn ưu đãi về nhà ở xã hội cho những đối tượng có thu nhập thấp như chúng tôi; đặc biệt trong thời điểm dịch COVID-19 ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế và cuộc sống của gia đình.”- chị My cho biết.
Ngoài chương trình cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo chính sách về nhà ở xã hội thì các chương trình vay khác theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ cũng đang được đẩy nhanh triển khai các thủ tục để giải ngân kịp thời hạn.
Bà Lê Thanh Bình - Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Phú Lộc - cho biết, ngay khi có thông báo vốn của Trung ương, chúng tôi đã khẩn trương báo cáo lãnh đạo địa phương, Trưởng Ban đại diện để thực hiện công tác tuyên truyền và phân công cán bộ tiếp nhận, hướng dẫn cho người dân thủ tục vay vốn, tạo mọi điều kiện tốt nhất để người dân sớm được tiền giải ngân. Trong 03 ngày 27, 28, 29 (ngay khi có hướng dẫn giải ngân của trung ương) chúng tôi đã giải ngân hơn 2,7 tỷ đồng/63 món vay, trong đó 62 món vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm và 01 món vay cho vay học sinh sinh viên mua máy tính và thiết bị phục vụ học tập trực tuyến.
Đối với chương trình tín dụng cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến theo Quyết định số 09/QĐ-TTG của Thủ tướng chính phủ, theo bà Lê Thanh Bình: "chúng tôi bám sát sự chỉ của cấp trên, quyết tâm “không để các em thiếu thiết bị học tập”. Trước đó, chúng tôi đã phối hợp với chính quyền địa phương, phòng giáo dục huyện, các tổ chức chính trị - xã hội rà soát nhu cầu vay vốn và nỗ lực triển khai thực hiện chương trình này góp phần giảm bớt khó khăn cho những bậc phụ huynh eo hẹp về kinh tế không thể trang bị được phương tiện học tập cho các em".
Ông Đỗ Văn Tây (trú thôn Miêu Nha, xã Lộc Điền, huyện Phú Lộc), một trong những trường hợp được vay vốn thuộc chương trình cho vay học sinh sinh viên mua máy tính và thiết bị phục vụ học tập trực tuyến xúc động cho chia sẻ, gia đình ông thuộc diện hộ cận nghèo của xã. Do hoàn cảnh kinh tế gia đình quá khó khăn không thể đủ điều kiện mua máy tính cho con học, nay nhờ ngân hàng chính sách xã hội hỗ trợ nguồn vốn vay nên gia đình đã mua được máy tính cho con để yên tâm học tập.
Theo ông Nguyễn Hoàng Anh Tuấn- Phó Giám đốc Chi nhánh NHCSXH Thừa Thiên Huế, kể từ ngày 27/4/2022, NHCSXH đã triển khai cho vay Nghị quyết 11/NQ-CP về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài nguồn vốn đã được phân bổ cho các chương trình tín dụng, NHCSXH Việt Nam cũng đã bổ sung 170 tỷ đồng cho Chi nhánh để triển khai thực hiện các chương trình tín dụng năm 2022 theo Nghị quyết 11/NQ-CP.
Các chương trình triển khai trong đợt này bao gồm cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm với nguồn vốn bổ sung 40 tỷ đồng; cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo chính sách về nhà ở xã hội với nguồn vốn bổ sung 114,5 tỷ; và 15,5 tỷ đồng để cho vay đối với học sinh, sinh viên mua máy vi tính, thiết bị học tập trực tuyến và trang trải chi phí học tập.
“Chính sách cho vay các chương trình ưu đãi theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ sẽ tạo nên một bước đột phá trong thúc đẩy phát triển kinh tế, HSSV có hoàn cảnh gia đình khó khăn có điều kiện để mua máy vi tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến. Chúng tôi tạo mọi điều kiện tốt nhất để hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận với các chương trình cho vay này một cách nhanh nhất nhằm tháo gỡ những khó khăn về tài chính do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 trong tình hình hiện nay. Sau khi giải ngân, chúng tôi sẽ phối hợp với các tổ chức đoàn thể, chính quyền địa phương kiểm tra, giám sát để các hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn lực của Nhà nước, tránh trục lợi chính sách”- ông Tuấn nhấn mạnh.