Thủ tướng yêu cầu hoàn thành cầu Tứ Liên trong 24 tháng
Tại lễ khởi công xây dựng cầu Tứ Liên sáng 19/5, Thủ tướng đề nghị các nhà thầu nỗ lực rút ngắn thời gian thi công xuống còn 24 tháng, đảm bảo an toàn, vệ sinh môi trường.
Sáng 19/5, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khởi công dự án đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên và đường hai đầu cầu (từ nút giao với đường Nghi Tàm đến nút giao với đường Trường Sa) với tổng mức đầu tư gần 20.000 tỷ đồng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu thực hiện nghi thức khởi công dự án đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên và đường hai đầu cầu - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Theo Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh, sau khi có chỉ đạo từ lãnh đạo Đảng và Nhà nước, thành phố đã khẩn trương triển khai nhiều giải pháp cụ thể, như ban hành kế hoạch thực hiện dự án với mốc thời gian chi tiết, tổ chức họp giao ban hàng tuần, áp dụng cơ chế “làn xanh” xử lý văn bản trong vòng 24 giờ kể từ khi tiếp nhận hồ sơ. Đồng thời, Hà Nội cũng đã quyết định áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt theo Nghị định 17/2025/NĐ-CP, nhằm đảm bảo tiến độ và chất lượng công tác tư vấn.
Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, sau 5 tháng kể từ khi có định hướng từ Trung ương, dự án cầu Tứ Liên đã hoàn tất công tác chuẩn bị và đủ điều kiện để khởi công, rút ngắn đáng kể thời gian so với các dự án tương tự trước đây vốn thường kéo dài nhiều năm.
Phát biểu tại lễ khởi công, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao nỗ lực của Hà Nội, nhất là trong bối cảnh cả nước đang sôi nổi thi đua lập thành tích kỷ niệm các ngày lễ lớn như 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 80 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, cũng như chuỗi sự kiện chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Thủ tướng nhấn mạnh, cầu Tứ Liên không chỉ có vai trò chiến lược trong việc cải thiện hạ tầng giao thông, mà còn tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của khu vực phía Bắc sông Hồng. Dự án sẽ góp phần kết nối giữa các khu vực nội và ngoại thành Hà Nội, tăng khả năng liên kết vùng, đồng thời tăng cường giao thông quốc tế thông qua hai sân bay Nội Bài và Gia Bình.
Ngoài ra, dự án được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Hà Nội đạt mục tiêu 8% trong năm nay, mở rộng không gian đô thị, gia tăng giá trị đất đai, phát triển các ngành dịch vụ, du lịch, văn hóa, giải trí – những thế mạnh của khu vực phía Bắc sông Hồng.
Người đứng đầu Chính phủ cũng ghi nhận sự nỗ lực "làm ngày làm đêm" của các cơ quan chức năng Hà Nội trong việc hoàn thiện hàng loạt đầu việc quan trọng như phê duyệt chủ trương đầu tư, thiết kế kỹ thuật, lựa chọn nhà thầu và chuẩn bị mặt bằng.
Thủ tướng đề nghị thành phố tiếp tục phát huy tinh thần chủ động và sáng tạo trong quá trình triển khai, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để sớm hoàn tất giải phóng mặt bằng, đồng thời quan tâm đến đời sống người dân bị ảnh hưởng, đảm bảo nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ.
Đối với các đơn vị thực hiện dự án, Thủ tướng yêu cầu phát huy trách nhiệm cao nhất, rút ngắn thời gian thi công còn 24 tháng nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật, an toàn và không để phát sinh tiêu cực, lãng phí. Ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại vào thi công cũng là yêu cầu then chốt.
Đặc biệt, công trình này cần trở thành một điểm nhấn kiến trúc, tạo cảnh quan hài hòa và xứng tầm với vị thế Hà Nội – Thủ đô ngàn năm văn hiến, Thành phố vì hòa bình.
Thủ tướng đề nghị các nhà thầu tăng cường sử dụng nhân lực và vật liệu tại chỗ, đồng thời đẩy mạnh chuyển giao công nghệ hiện đại. Các đơn vị tư vấn cần theo sát thực tế công trình để bảo đảm tiến độ và chất lượng theo yêu cầu.
Các bộ, ngành Trung ương cũng được yêu cầu phối hợp với Hà Nội để xử lý kịp thời các vướng mắc phát sinh. Trong trường hợp cần thiết, báo cáo trực tiếp Thủ tướng Chính phủ để tháo gỡ khó khăn.
Thủ tướng bày tỏ sự trân trọng đối với người dân trong khu vực ảnh hưởng bởi dự án, những người đã sẵn sàng nhường đất, chuyển nhà để dự án được triển khai đúng tiến độ. Ông kêu gọi người dân tiếp tục ủng hộ các công trình phát triển của Thủ đô trên tinh thần hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng, góp phần xây dựng Hà Nội ngày càng văn minh, hiện đại và đáng sống.
Dự án cầu Tứ Liên là dự án quan trọng được lãnh đạo Đảng, Chính phủ đặc biệt quan tâm, yêu cầu cần sớm triển khai, theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ngày 27/11/2025 và Nghị quyết số 77/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2025 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương.
Dự án đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên và đường hai đầu cầu gồm 4 dự án thành phần, với tổng mức đầu tư khoảng 19.830 tỷ đồng. Trong đó, 3 dự án thành phần giải phóng mặt bằng có tổng mức đầu tư khoảng 4.332 tỷ đồng, tổng diện tích thu hồi khoảng 62,53 ha, khoảng 701 trường hợp thu hồi đất.
Dự án đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên và đường dẫn hai đầu cầu do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP. Hà Nội là chủ đầu tư, tổng mức đầu tư khoảng 15.498 tỷ đồng. Nhà thầu thi công là liên danh Tập đoàn xây dựng Thái Bình Dương (Trung Quốc), Tập đoàn VinGroup và một số đối tác khác.