Thủ tướng: Tăng lương cơ sở nhưng lạm phát tăng không đáng kể

Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, điều đáng mừng là trong bối cảnh tăng lương vẫn kiểm soát được tình hình, lạm phát tăng không đáng kể.

 Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2024 với chương trình thảo luận gồm nhiều nội dung quan trọng - Ảnh: VGP

Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2024 với chương trình thảo luận gồm nhiều nội dung quan trọng - Ảnh: VGP

Sáng 5/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2024 với chương trình thảo luận gồm nhiều nội dung quan trọng.

Phát biểu mở đầu phiên họp Thủ tướng Phạm Minh Chính xúc động chia sẻ, Việt Nam đã đi qua tháng 7 trong niềm tiếc thương vô hạn của đồng bào, đồng chí cả nước trước sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhà lãnh đạo đặc biệt xuất sắc, kiên trung, có uy tín lớn, trọn đời bền bỉ cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta. Các thành viên Chính phủ đã dành một phút tưởng niệm cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Thủ tướng cho biết, ngày 3/8, Trung ương đã thống nhất bầu đồng chí Tô Lâm làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam với tỷ lệ tuyệt đối 100%.

Đánh giá tình hình và yêu cầu thảo luận các nội dung phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định, nhìn chung tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Theo đó, biến động chính trị, cạnh tranh gay gắt giữa các nước lớn, xung đột leo thang ở Ukraine, Biển Đỏ, Dải Gaza. Kinh tế toàn cầu còn rủi ro, có tín hiệu phục hồi nhưng thiếu vững chắc, thiếu đồng đều với giá USD, giá vàng tăng cao, giá dầu thô, hàng hóa cơ bản, dịch vụ vận tải biến động mạnh, lạm phát chưa về mức mục tiêu tại nhiều quốc gia, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chưa cắt giảm lãi suất. Già hóa dân số, thiếu hụt lao động, cạn kiệt tài nguyên, biến đổi khí hậu, thiên tai tác động nặng nề, tiếp tục là những khó khăn, thách thức mang tính toàn cầu, toàn dân.

Ở trong nước, thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Trong bối cảnh đó, tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 tiếp tục xu hướng tích cực, đạt kết quả tốt hơn tháng 6, tính chung 7 tháng tốt hơn cùng kỳ trên hầu hết các lĩnh vực.

Tăng trưởng được thúc đẩy ở cả 3 khu vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm và có thặng dư. 60/63 tỉnh, thành phố có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng, đây là điểm sáng.

An sinh xã hội được bảo đảm, đời sống nhân dân được cải thiện. Các lĩnh vực văn hóa, thể thao, y tế, giáo dục, đào tạo được quan tâm phát triển và có nhiều kết quả tích cực. Chủ quyền quốc gia được giữ vững, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; đối ngoại và hội nhập được đẩy mạnh; uy tín, vị thế đất nước tiếp tục được nâng lên.

"Đáng chú ý, cũng trong tháng 7, Việt Nam đã thực hiện tăng lương cơ sở nhưng lạm phát tăng không đáng kể. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 tăng 0,48% so với tháng 6. So với tháng 12/2023, CPI tháng 7 tăng 1,89% và so với cùng kỳ 2023 tăng 4,36%. Bình quân 7 tháng năm 2024, CPI tăng 4,12% so với cùng kỳ 2023," Thủ tướng ghi nhận.

Bên cạnh kết quả đạt được là cơ bản, người đứng đầu Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận vẫn còn những hạn chế, bất cập và khó khăn, thách thức, như sức ép lạm phát còn cao, tình hình sản xuất kinh doanh một số lĩnh vực gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường còn cao.

Kỷ luật, kỷ cương có lúc có nơi còn chưa nghiêm, tình trạng cán bộ, công chức sợ sai, né tránh trách nhiệm. Đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo,...

Tập trung giải pháp để thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm đạt khoảng 7%

Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung đánh giá tình hình triển khai các nhiệm vụ trong tháng 7 và 7 tháng, những mặt được, chưa được, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm, những cách làm hay, sáng tạo, đột phá, hiệu quả trong thực tiễn.

Song song, nhận định về tình hình tháng 8 và thời gian tới, đề xuất những cơ chế, chính sách giải pháp, các lĩnh vực trọng tâm, tạo đột phá trong tháng 8, quý 3/2024 và những tháng cuối năm, đặc biệt là các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm đạt khoảng 7%.

Cùng với đó là việc chuẩn bị các nội dung cụ thể, các đề án trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, công tác chuẩn bị phục vụ Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII, Kỳ họp thứ 8 Quốc hội XV.

"Phải chăng là phải quyết liệt tháo gỡ các vướng mắc liên quan thể chế, tập trung thi hành tốt các luật mới được ban hành và đã có hiệu lực như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các Tổ chức tín dụng? Phải chăng là các bộ, ngành phải hướng dẫn cụ thể hơn nữa, các địa phương phải chủ động, tích cực hơn nữa tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, làm mới 3 động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới?," Thủ tướng đặt vấn đề.

Tinh thần là phải phân công "rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời hạn, rõ sản phẩm, rõ hiệu quả", tăng cường giám sát, kiểm tra, thi đua khen thưởng, xử lý vi phạm kịp thời, Thủ tướng nhấn mạnh.

Kiều Chinh

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/thu-tuong-tang-luong-co-so-nhung-lam-phat-tang-khong-dang-ke-32030.html