Thủ tướng: Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu

Theo người đứng đầu Chính phủ, Nhật Bản hiện là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, đứng đầu về vốn ODA, thứ hai về đầu tư, thứ ba về du lịch và thứ tư về thương mại.

Trả lời báo chí Nhật Bản nhân chuyến thăm chính thức tới quốc gia này, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu nhiều kỳ vọng về mối quan hệ hợp tác giữa hai bên trong tương lai.

Nhắc tới quãng thời gian từng làm Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản và nhiều lần đến thăm, làm việc tại đất nước này, ông Chính chia sẻ vinh dự khi trên cương vị Thủ tướng, ông là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên được chính quyền mới của Nhật Bản mời thăm chính thức.

Mối quan hệ hai nước đang ở giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất

Theo người đứng đầu Chính phủ, mối quan hệ giao lưu Việt Nam - Nhật Bản đã bắt đầu từ nhiều thế kỷ trước, trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử và những duyên nợ với nhau. Ngày nay, Việt Nam và Nhật Bản là những người bạn, đối tác thân thiết, tin cậy của nhau trên nhiều lĩnh vực.

“Có thể nói quan hệ Việt Nam - Nhật Bản đang ở giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất. Ngay cả trong đại dịch Covid-19, hai bên duy trì tiếp xúc cấp cao và các cấp, đặc biệt là chuyến thăm Việt Nam của nguyên Thủ tướng Nhật Bản Suga vào tháng 10/2020”, Thủ tướng nhấn mạnh.

 Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, nhiều công trình sử dụng vốn ODA cùng các dự án đầu tư của Nhật Bản đã và đang góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam. Ảnh: Nguyên Phúc.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, nhiều công trình sử dụng vốn ODA cùng các dự án đầu tư của Nhật Bản đã và đang góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam. Ảnh: Nguyên Phúc.

Ông khẳng định Nhật Bản hiện là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Nhiều công trình sử dụng vốn ODA cùng các dự án đầu tư của Nhật Bản đã và đang góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam.

Trong khó khăn và thách thức, đặc biệt khi đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến kinh tế - xã hội toàn cầu, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam khẳng định mối quan hệ hai nước càng được thể hiện sâu sắc thông qua sự chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau.

“Việt Nam đã nhận được sự giúp đỡ hiệu quả, kịp thời của Nhật Bản trong phòng chống dịch bệnh với các khoản viện trợ trên 4 triệu liều vaccine và nhiều trang thiết bị, vật tư y tế. Về phía Việt Nam, chúng tôi tạo điều kiện thuận lợi cho công dân và doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam duy trì, phát triển các hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo đảm chuỗi sản xuất và cung ứng”, Thủ tướng cho biết.

Tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực

Để kế thừa và khai thác có hiệu quả hơn nữa truyền thống hợp tác, tiềm năng, thế mạnh của nhau, Thủ tướng chia sẻ Việt Nam mong muốn cùng Nhật Bản thực hiện hiệu quả hơn nữa cơ chế hợp tác hiện nay, đồng thời xây dựng cơ chế hợp tác mới để cùng nhau mở ra giai đoạn phát triển mới của quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản.

Trong đó, người đứng đầu Chính phủ đề nghị hai bên tập trung vào trụ cột hợp tác kinh tế trong đại dịch Covid-19. Ông cam kết tạo điều kiện thuận lợi nhất để thu hút từ Nhật Bản nguồn vốn tài chính, vốn đầu tư, vốn ODA với gói đủ lớn, ưu đãi, linh hoạt, thủ tục đơn giản nhất để nhanh chóng phục hồi kinh tế xã hội sau đại dịch.

 Tiếp Thống đốc tỉnh Tochigi, Thủ tướng Phạm Minh Chính mong các sản vật của địa phương này sẽ sớm có mặt tại Việt Nam. Ảnh: Nguyên Phúc.

Tiếp Thống đốc tỉnh Tochigi, Thủ tướng Phạm Minh Chính mong các sản vật của địa phương này sẽ sớm có mặt tại Việt Nam. Ảnh: Nguyên Phúc.

Về tăng cường hợp tác y tế, Thủ tướng đề cập việc hợp tác chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc, vaccine phòng chống Covid-19; phát triển công nghiệp dược; tăng cường năng lực y tế cho các bệnh viện tuyến cuối…

Cùng với đó là đẩy mạnh hợp tác về giáo dục đào tạo, lao động, phát triển nguồn nhân lực, khoa học công nghệ, hợp tác về văn hóa - du lịch, quốc phòng, an ninh…

Đề cập đến vấn đề thời sự trên toàn cầu là đại dịch Covid-19, Thủ tướng chia sẻ bối cảnh biến thể Delta lây lan nhanh, nguy hiểm, diễn biến phức tạp buộc Việt Nam phải sử dụng mọi biện pháp để phòng chống dịch, trong đó có các biện pháp hành chính để bảo vệ tính mạng và sức khỏe người dân.

Đến nay, ông khẳng định Việt Nam cơ bản vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất, chủ động chuyển chiến lược từ “không Covid-19” sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội”.

Khẳng định Chính phủ Việt Nam luôn thấu hiểu và chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp, Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam sẽ điều hành kinh tế tạo môi trường vĩ mô ổn định để nhà đầu tư nước ngoài yên tâm đầu tư.

Cùng với xem xét, giải quyết khó khăn của doanh nghiệp, Việt Nam sẽ hoàn thiện thể chế theo hướng tăng cường phân cấp, phân quyền, giảm thiểu thủ tục đầu tư - kinh doanh của doanh nghiệp, giảm thời gian, chi phí thực hiện thủ tục hành chính…

Đặc biệt, Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ hỗ trợ doanh nghiệp, người dân thúc đẩy sản xuất kinh doanh và ổn định đời sống bằng cách thực hiện miễn, giảm nhiều loại thuế, phí, lệ phí, giảm giá điện, cước phí viễn thông; thúc đẩy việc mở lại đường bay quốc tế, hoàn thiện quy trình nhập cảnh mới…

"Tôi tin tưởng rằng với sự nỗ lực, đồng lòng, sự tin cậy cao của cả hai bên, Việt Nam và Nhật Bản sẽ tiếp tục đà phát triển tốt đẹp của mối quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á, đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Hoài Thu

Từ Tokyo, Nhật Bản

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/thu-tuong-nhat-ban-la-doi-tac-kinh-te-quan-trong-hang-dau-post1279168.html