Thủ tướng chủ trì phiên họp thứ 6 Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ

(ABO) Chiều ngày 14-11, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ chủ trì phiên họp thứ 6 của Ban Chỉ đạo, đánh giá kết quả CCHC 10 tháng năm 2023 và xác định phương hướng, nhiệm vụ CCHC 2 tháng cuối năm 2023 của Ban Chỉ đạo.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp.

Cùng tham dự phiên họp tại các điểm cầu có các đồng chí: Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương. Tại điểm cầu Tiền Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Vĩnh chủ trì, cùng lãnh đạo các sở, ngành, địa phương tham dự.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: CCHC là vấn đề rất quan trọng, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy Nhà nước, khơi thông nguồn lực, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm, sinh kế cho người dân, bảo đảm đời sống cho người lao động, được Đảng, Nhà nước, Quốc hội và đồng bào, cử tri cả nước đặc biệt quan tâm, nhất là tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV đang diễn ra.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà báo báo kết quả CCHC.

Công tác CCHC đã có những chuyển biến tích cực, đạt được kết quả khá toàn diện trên cả 6 nội dung: Cải cách thể chế; Cải cách thủ tục hành chính (TTHC); Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; Cải cách chế độ công vụ; Cải cách tài chính công; Xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số.

Tuy nhiên, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, TTHC vẫn còn rườm rà, môi trường kinh doanh chưa thực sự thông thoáng; người dân, doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn khi giải quyết hồ sơ TTHC ở một số lĩnh vực; kỷ luật, kỷ cương hành chính nhiều nơi còn chưa nghiêm, tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm chưa được giải quyết triệt để… Những tồn tại, hạn chế đó cần sớm khắc phục để mau chóng khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phục hồi, phát triển đất nước trong bối cảnh hiện nay. Thủ tướng đề nghị các đại biểu đi thẳng vào vấn đề, phát biểu ngắn gọn, tập trung vào phân tích những khó khăn, rào cản và đề xuất các phương hướng, giải pháp cụ thể, thiết thực để đạt được mục tiêu CCHC năm 2023.

Tại điểm cầu Tiền Giang.

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thanh Trà cho rằng: Trong 10 tháng năm 2023, công tác CCHC đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo yêu cầu các bộ, ngành địa phương tiếp tục có những đổi mới, quyết liệt, sát sao, cụ thể trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để đẩy mạnh CCHC. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, công điện để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn đối với CCHC nói chung, cải cách TTHC, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách tổ chức bộ máy hành chính, cải cách TTHC, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan hành chính nhà nước các cấp, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Theo thống kê của Văn phòng Chính phủ, trong tháng 10 năm 2023, tỷ lệ hồ sơ được cấp kết quả giải quyết TTHC điện tử của các bộ, ngành đạt 26,93% (tăng 16,15% so với cùng kỳ năm 2022), các địa phương đạt 40,91% (tăng 27,77% so với cùng kỳ năm 2022); việc chuyển từ hồ sơ giấy sang hồ sơ điện tử của cấp bộ đạt 82,42% (tăng 30,73% so với cùng kỳ năm 2022), địa phương đạt 70,15% (tăng 31,31% so với cùng kỳ năm 2022). Từ năm 2021 đến nay, các bộ, ngành đã ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành 201 văn bản quy phạm pháp luật để cắt giảm, đơn giản hóa 2.483 quy định kinh doanh.

Theo thống kê từ Bộ Công an, đến 10-10-2023 đã cấp trên 83,76 triệu thẻ căn cước công dân gắn chíp; thu nhận trên 64,3 triệu hồ sơ định danh điện tử; trong đó, đã kích hoạt trên 379,3 triệu tài khoản (chiếm 69,4% tổng tài khoản phê duyệt, tăng 17,2 triệu tài khoản so với thời điểm sơ kết 6 tháng). Có 24 địa phương đã hoàn thành cấp tài khoản định danh điện tử và có tỷ lệ kích hoạt tài khoản định danh điện tử cao.

Toàn quốc có 12.597 cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) triển khai KCB bảo hiểm y tế (BHYT) bằng căn cước công dân gắn chíp (đạt 98.2% tổng số cơ sở KCB BHYT trên toàn quốc, tăng 142 cơ sở so với thời điểm sơ kết 6 tháng); 91,2 triệu thông tin nhân khẩu được làm sạch giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm và dân cư.

Tại phiên họp, có ý kiến, phát biểu tham luận của các bộ, ngành, địa phương đóng góp, chia sẻ những thuận lợi, khó khăn trong công tác CCHC và kiến nghị, đề xuất các giải pháp khắc phục những hạn chế, tăng cường công tác CCHC nhằm phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Đề nghị các cấp, các ngành nâng cao tinh thần, nhận thức, tầm quan trọng của CCHC đối sự phát triển đất nước; đẩy mạnh đồng bộ, toàn diện 6 nội dung CCHC tạo đột phá cho sự phát triển. Các thành viên Ban Chỉ đạo, các bộ, ngành, địa phương phát huy vai trò, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao; thực hiện hiệu quả việc phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm, nêu cao vai trò của người đứng đầu, đồng thời tăng cường kiểm tra, hậu kiểm.

Tại điểm cầu Tiền Giang.

Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương trong việc nâng cao hiệu quả CCHC và đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo, các bộ, ngành, địa phương chủ động phối hợp chặt chẽ trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ được phân công nhằm đẩy mạnh CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện tốt nhất, thông thoáng nhất cho người dân, doanh nghiệp, khẳng định sự chủ động, sáng tạo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…

LÊ PHƯƠNG

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/chinh-tri/202311/thu-tuong-chu-tri-phien-hop-thu-6-ban-chi-dao-cai-cach-hanh-chinh-cua-chinh-phu-995738/