Thổn thức bánh tráng nhúng đường xứ Quảng

Thứ quà ấy có lẽ là đặc trưng riêng có ở xứ này, khi những lò nấu đường hiếm hoi còn sót lại vẫn cặm cụi đỏ lửa, cũng là lúc những chiếc bánh tráng nhúng đường lại dậy lên hương thơm đồng quê dân dã.

Bánh tráng nhúng đường là đặc sản ở xứ Quảng. Ảnh: Tiêu Dao

Mùa đỏ lửa lò đường sơn thôn

Tháng 2, tháng 3, khi hơi Xuân vẫn còn phảng phất ở đất trời, khi những việc đồng áng đã tạm ổn, người dân bước vào lúc nông nhàn cũng là mùa thu hoạch mía và đỏ lửa lò đường. Một thời những lò nấu đường thủ công vẫn rực lửa ở miền Trung du xứ Quảng, nhưng sự mai một của nghề đã khiến những lò đường này dần lụi tàn, chỉ còn một số rất ít người tâm huyết vẫn đến mùa là đỏ lửa nấu đường bán cho xóm giềng. Trên những vùng quê xứ Quảng ngày trước mùa này đang tấp nập nấu đường phèn, bây giờ chỉ còn hiếm hoi vài lò đường đỏ lửa ở sơn thôn.

Các vùng Nông Sơn, Quế Sơn (Quảng Nam) xưa nay vẫn được mệnh danh là xứ sở của nghề trồng mía và nấu đường. Khi đến mùa thu hoạch mía thì không khí rộn ràng khắp thôn làng. Những lò nấu đường thủ công hoạt động hết công suất từ sáng sớm tinh mơ đến tối, mùi đường non thơm đến mức khó cưỡng.

Ông Trần Đình Hai (65 tuổi, thôn Quế Trung, xã Quế Lâm, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam) nheo mắt nhìn vào nồi đường đang bốc khói nghi ngút, hơi đường bốc lên như ngọt lịm cả không gian và đặc quánh lại trong khói lẫn hơi người. Ông Hai cùng một số người khác vừa luôn tay đảo nồi đường đang keo lại sau nhiều giờ đỏ lửa, vừa nhanh nhẹn nhúng những xâu bánh tráng xuống nồi đường và truyền ra phía ngoài. Ông Hai bảo, năm nào cũng vậy, khi vào vụ mía và lò đường đỏ lửa cũng là lúc hàng chục người mang bánh tráng đến nhúng vào đường, gọi là bánh tráng nhúng đường. Món này có lẽ chỉ có ở những địa phương nấu đường thủ công và nơi có sẵn những lò bánh tráng. Cả hai thứ ấy, xứ Quảng này đều sẵn.

Những nồi đường không chỉ là thành quả của cả vụ mùa trồng mía, mà còn là tâm huyết người người nấu đường thủ công miền trung du này. Cây mía được người dân cho vào máy ép lấy nước, sau đó lọc bỏ cặn bã để nấu. Độ chừng hơn 20 năm về trước, khi ấy không có máy ép, toàn làm thủ công. Nay đỡ vất vả hơn khi có máy móc, nhưng nhiều loại đường cát, đường tinh luyện với giá rẻ đã tràn ngập thị trường, trong khi công việc ép mía nấu đường đầy nặng nhọc mà đồng lời ít ỏi nên nhiều người đã không giữ được nghề.

Bánh tráng sẽ được phơi khô, sau đó cất kỹ để giữ độ giòn. Khi mang đi nhúng, đường sẽ được nướng trên than củi. Sau đó dùng sợi lạt tre xâu lại rồi mới nhúng bánh. Mùa nấu đường cũng là mùa mà đám trẻ con trong làng háo hức nhất. Bởi vì lúc đó, những chiếc bánh tráng nướng lại được ướp đều lớp đường non vàng nâu óng ánh, là món đặc sản của quê nhà.

Dân dã quà quê

Nhiều người phải tấm tắc, bởi món bánh tráng nhúng đường không phải nơi nào cũng có, mà đặc biệt khi nhúng và ăn nóng tại chỗ mới cảm nhận được vị ngon đúng điệu. Nhưng kỹ thuật nhúng bánh không phải ai cũng làm được, phải có sự điêu luyện nhất định khi thả bánh, ngâm bánh trong nồi nước đường đang sánh lại để bánh không vỡ, cũng không nhúng quá lâu sẽ khiến bánh mất độ giòn. Thao tác của người nhúng bánh phải thật nhanh và dứt khoát. Thế nên sớm hay chậm tay một chút là bánh sẽ mất ngon.

Người nấu đường sẽ nhúng bánh vào chảo rồi nhanh chóng xách lên, sau đó để cho bánh nguội, lúc ấy đường non sánh đặc lại trên mặt bánh tạo thành màu vàng óng long lanh bắt mắt. Nhiều người trước thức quà ngon ấy đã không thể chần chừ được nhanh tay bẻ từng miếng bánh, nhẹ nhàng đưa vào miệng rồi xuýt xoa vị ngọt ngon dân dã ấy. Cái ngọt thơm từ đường mía tan đều vào miệng rồi quyện cùng độ giòn bùi của miếng bánh tráng, từng chút từng chút chiếm lấy vị giác.

Chị Nguyễn Thị Lan (xã Quế Lâm, huyện Nông Sơn) cho hay, bánh tráng nhúng đường là món ăn truyền thống của người Quảng Nam, khi ăn có vị ngọt thanh. Bánh nhúng xong mang về để cả gia đình cùng ăn hoặc chia cho xóm giềng làm quà biếu. Những lúc nông nhàn, những buổi xế chiều, ăn bánh tráng ngào, uống nước chè xanh, nói chuyện xóm làng, đồng áng là một nét văn hóa ẩm thực quen thuộc ở xứ Quảng một thời.

Bánh tráng nhúng đường có nhiều loại như nhúng non, đường non bỏ đậu phộng, đường non trải bẹ chuối... đều là những món quà vặt mà trẻ con xứ này yêu thích. Hơn 20-30 năm trước, khi đời sống kinh tế còn khó khăn, ở những vùng thôn quê, nhiều trẻ con không có điều kiện mua kẹo bánh, thì bánh tráng nhúng đường là mỹ vị nhân gian. Khác với mạch nha và những loại bánh hiện nay, bánh tráng đường lại có hương vị riêng đậm tình quê nhà, cắn một miếng sẽ khiến ta không thể cưỡng lại được. Bánh tráng nhúng đường với vị ngọt không giống bất kỳ loại bánh kẹo nào của ngày nay là điều khiến món quà chân quê này.

Nhiều người có tuổi, hay những người rời quê ra phố sống nhiều năm khi bắt gặp thức quà này lại cảm thấy thổn thức, thấy cả một trời tuổi thơ khốn khó ùa về. Khi thưởng thức lại món quà dân dã ấy, lại thấy tiếng của gió của lá vi vu, lại như ngửi thấy mùi đồng đất quê nhà đã lâu thưa vắng, lại thấy tiếng cười tiếng nói của xóm giềng mùa thu hoạch, thấy cả những vất vả gian truân của người nông dân hai sương một nắng mỗi mùa. Ai khi xa quê khi nhớ lại cũng đều ngậm ngùi. Những điều mộc mạc khó phai không dễ gì tìm kiếm được. Nhiều người, khi cắn nhẹ một miếng bánh tráng thơm ngọt vị đường đã không khỏi rơm rớm nước mắt, thức quà ấy là quê nhà chứ đâu!

Bánh tráng nhúng đường non là thức quà vặt đặc sản một thời tuổi thơ nghèo khó, là nỗi mong chờ của nhiều thế hệ trẻ em và đặc biệt in sâu trong trí nhớ người xứ Quảng một thời. Bây giờ, đời sống đã khá hơn, nhiều người đã có thể mua được những loại bánh kẹo sang trọng và đắt tiền. Những đám mía ngút ngàn xanh, những lò đường thơm mùi mật mía đã hiếm dần.

Nhưng món bánh tráng nhúng đường đã trở thành đặc sản của xứ Quảng, bởi đơn giản nó rất rẻ nhưng hương vị cũng chả kém cạnh những món ngon khác, dễ dàng mua làm quà biếu khách. Để có món quà quê dân dã này chỉ phải trả thêm một chút phí, khoảng 5.000-10.000 đồng cho mỗi xách bánh. Mỗi khi buồn miệng thì có thể lấy ra ăn để cảm nhận cái ngọt ngào ấy. Và hơn hết, nó gợi lại những ký ức thẳm sâu trong tâm hồn mỗi người về một thời xưa cũ không dễ gì nguôi quên.

Tiêu Dao

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/thon-thuc-banh-trang-nhung-duong-xu-quang-post460243.html