Thời tiết chuyển lạnh sâu, cách để phụ huynh phát hiện sớm bệnh đường hô hấp cho trẻ

Khoảng một tháng qua, tại các cơ sở y tế chuyên khoa nhi các tỉnh miền Bắc đã ghi nhận sự gia tăng số lượng trẻ đến khám và điều trị các bệnh hô hấp. Nguyên nhân chủ yếu là do các loại virus Adeno, cúm mùa, hợp bào hô hấp (RSV)...

 Hình ảnh bệnh nhi mắc virus RSV được điều trị tại các phòng cách ly của Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: Lê Hiếu

Hình ảnh bệnh nhi mắc virus RSV được điều trị tại các phòng cách ly của Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: Lê Hiếu

Trong giai đoạn thời tiết chuyển lạnh sâu, ô nhiễm không khí mức cảnh báo như hiện nay, là môi trường thuận lợi phát triển các bệnh hô hấp, truyền nhiễm, khiến tình trạng trẻ khám và nhập viện gia tăng tại nhiều cơ sở y tế như Bệnh viện E, Bệnh viện Xanh Pôn, Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Nhi Hà Nội,...

Bệnh viện Nhi Trung ương, là bệnh tuyến đầu về nhi khoa, thời gian gần đây trung bình tiếp nhận khoảng 100-200 lượt khám/ngày liên quan đến các bệnh đường hô hấp như ho, ho có đờm, viêm phổi, viêm phế quản…

Chị Nguyễn Thị Linh, ở huyện Thạch Thất (Hà Nội) cho biết, con trai chị 5 tuổi, bị sổ mũi, ho có đờm cả tháng nay vẫn chưa khỏi: "Bắt đầu trở lạnh sâu là con bị ho. Đi khám ở gần nhà bác sĩ nói bị cúm mùa, cho thuốc uống nhưng mãi không khỏi. Tôi đưa con lên Bệnh viện Nhi trung ương khám thì các bác sĩ chẩn đoán con bị viêm phế quản, có dấu hiệu suy hô hấp nên phải ở lại viện điều trị".

Con gái của chị Đặng Thị Mai (TP Hải Phòng), mới 8 tháng tuổi, cũng đang phải nằm viện điều trị vì bị viêm phổi. Cháu bé nhập viện cách đây 5 hôm trong tình trạng người tím tái, thở khó.

"Trước đó, con tôi có sốt, ho, cứ nghĩ con bị cảm cúm bình thường nên chỉ cho uống hạ sốt. Tuy nhiên đến hôm sau, đột nhiên người con tự nhiên cứ tím tái lại, gia đình đưa vào bệnh viện dưới Hải Phòng, sau đó con được chuyển lên thẳng Bệnh viện Nhi trung ương cấp cứu trong đêm. Bác sĩ chẩn đoán con bị viêm phổi nặng, mở nội khí quản và cho con thở máy" - chị Mai cho biết.

Bác sĩ đang thăm khám bệnh nhi suy hô hấp tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: Lê Hiếu

Bác sĩ đang thăm khám bệnh nhi suy hô hấp tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: Lê Hiếu

TS.BS. Đỗ Thiện Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết, thời điểm giao mùa, chênh lệch nhiệt độ rất thuận lợi cho các loại virus liên quan đến bệnh hô hấp phát triển. Một số trẻ nhập viện trong tình trạng suy hô hấp, sốt cao và có trường hợp nặng phải thở ôxy hoặc thở máy.

Biểu hiện chung của bệnh nhân nhiễm virus liên quan đến hô hấp là sốt cao, có thể sốt cao liên tục 39-40 độ C và không đáp ứng với thuốc hạ sốt, viêm long đường hô hấp trên như chảy nước mũi, ho, trẻ lớn đau rát họng, đặc biệt khi khám thấy họng viêm đỏ rất rõ, một số trẻ có viêm phế quản. Theo bác sĩ Hải, thông thường nếu trẻ chỉ mắc cúm sẽ tự khỏi sau 3-5 ngày, không cần phải nhập viện điều trị.

"Chủ yếu là dùng thuốc hạ sốt tại nhà như paracetamol. Nếu trẻ được chăm sóc tốt, không có bội nhiễm thì tuyệt đối không tự ý dùng kháng sinh cho trẻ, tránh tình trạng kháng thuốc kháng sinh. Khi trẻ có các biểu hiện như suy hô hấp, thở nhanh, khó thở, mệt, ho, khò khè, sốt cao, uống hạ sốt không đáp ứng, quấy khóc, bỏ ăn, bỏ bú, nôn trớ, hoặc cơ địa mắc bệnh lý mạn tính nào đó thì cần đưa trẻ đến cơ sở y tế sớm để được điều trị kịp thời" - BS Hải cho biết.

Theo TS.BS. Lê Thị Hồng Hanh, Giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương, ngoài những tác động của thời tiết, sai lầm trong cách chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho trẻ là một trong những nguyên nhân khiến cho trẻ mắc các bệnh về đường hô hấp. Để phòng tránh bệnh về đường hô hấp cho trẻ, gia đình nên vệ sinh mũi, họng hàng ngày cho con, giữ ấm nhưng không để cho trẻ nóng quá, nếu trẻ bị ra mồ hôi sẽ nhiễm lạnh ngược trở lại, rất nguy hiểm.

"Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc phòng, chống các bệnh hô hấp, ngoài việc cho trẻ ăn đủ thịt, cá, trứng, sữa, cha mẹ cũng cần bổ sung các loại vitamin hoặc những chất khoáng, ăn rau và hoa quả, uống đủ nước có tác dụng tăng sức đề kháng cho trẻ. Trẻ nhỏ dưới 6 tháng nên cho bú sữa mẹ hoàn toàn nếu có thể. Đặc biệt nên cho trẻ đi tiêm phòng đầy đủ để phòng, tránh bệnh hô hấp hiệu quả" - BS Hanh nhấn mạnh.

Trẻ bị bệnh đường hô hấp cần được bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng, đặc biệt là nhóm vitamin A, vitamin C. Ảnh minh họa

Trẻ bị bệnh đường hô hấp cần được bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng, đặc biệt là nhóm vitamin A, vitamin C. Ảnh minh họa

Một điều rất quan trọng mà cha mẹ cũng cần chú ý, để trẻ sống trong môi trường thông thoáng, cửa cần kín,tránh gió lùa, phòng ngủ sạch sẽ. Nếu ở trong môi trường không khí bẩn, ô nhiễm, ẩm thấp sẽ làm cho trẻ có nguy cơ cao mắc các bệnh về đường hô hấp.

"Khi trẻ bị ốm, có nhiều cha mẹ có suy nghĩ kiêng tắm cho con vì sợ tắm trẻ nhiễm lạnh. Điều này là sai lầm, bởi cơ thể trẻ là cơ thể đang phát triển, nếu trẻ chơi đùa nhiều sẽ ra mồ hôi. Vì vậy, dù trẻ có bị sốt hay ho, viêm mũi, họng cha mẹ vẫn nên lau người, thay quần áo sạch sẽ hàng ngày cho con. Hoặc cha mẹ có thể tắm cho trẻ ở trong phòng ấm, kín gió, tắm nhanh, lau người khô, mặc quần áo ấm, như thế sẽ an toàn cho trẻ" - TS.BS Lê Thị Hồng Hanh chia sẻ.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, bệnh hô hấp là bệnh lây qua đường không khí, trẻ nhỏ nên hạn chế đến nơi công cộng đề phòng lây nhiễm chéo. Các bậc phụ huynh cần tăng cường theo dõi sức khỏe con trẻ, phát hiện sớm các triệu chứng sớm của bệnh để đến cơ sở y tế thăm khám và điều trị. Bên cạnh đó, cần đảm bảo vệ sinh sạch sẽ môi trường sinh sống, trường học của trẻ. Cùng với đó, để phòng bệnh, phụ huynh nên đưa trẻ đi tiêm vaccine đầy đủ, đúng lịch theo hướng dẫn của ngành y tế.

Bệnh hô hấp gia tăng mạnh tại các tỉnh phía Nam

Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh, từ khoảng tháng 10 đến tháng 12 hằng năm, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành khu vực phía Nam bước vào mùa bệnh hô hấp.

Riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh, trung bình mỗi tuần có khoảng 17.000 ca viêm hô hấp cấp tính được ghi nhận, có khi số ca bệnh tăng lên hơn 20.000 ca, trong đó, trẻ em chiếm khoảng 60%.

Chỉ trong tuần cuối tháng 12, tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh và Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7, TP.HCM đã tiếp nhận hơn 1.500 trường hợp viêm đường hô hấp trên (viêm họng, viêm mũi xoang, viêm thanh quản, viêm amidan…), tăng 30% so với tuần trước đó.

Theo lãnh đạo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, tại một số bệnh viện chuyên khoa nhiễm và khoa nhi trên địa bàn thành phố đã ghi nhận các trường hợp viêm phổi nhập viện. Trước tình hình và diễn biến bệnh qua đường hô hấp có chiều hướng khó lường, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đề nghị các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố tập trung triển khai một số biện pháp phòng, chống dịch.

Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cũng đã giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố chủ trì, phối hợp với các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện giám sát các trường hợp nghi ngờ viêm phổi nặng do virus trên địa bàn thành phố đúng theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Đồng thời định kỳ báo cáo kết quả giám sát và đề xuất các nội dung nhắc nhở, chấn chỉnh các đơn vị không thực hiện hoặc thực hiện chưa nghiêm.

Anh Đào

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/thoi-tiet-chuyen-lanh-sau-phu-huynh-can-phat-hien-som-benh-duong-ho-hap-cho-tre-20241229211935918.htm