Thiếu chỉ tiêu xét tuyển bổ sung đại học tại nhiều trường đại học TP.HCM
Sự hấp dẫn vào các trường đại học tại TP. HCM dường như 'giảm nhiệt' khi mà có hàng ngàn chỉ tiêu tuyển bổ sung nhưng ở hầu hết các cơ sở đều không đủ số lượng sinh viên đăng ký vào.
Sau khi kết thúc đợt xét tuyển và nhập học, nhiều trường đại học tại TP.HCM đã thông báo xét tuyển bổ sung với hàng nghìn chỉ tiêu. Song, hầu hết các ngành ở đợt xét tuyển bổ sung đều không hấp dẫn thí sinh nên không đạt được kết quả như mong đợi.
Khảo sát một vài cơ sở giáo dục như Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, với việc xét tuyển bổ sung 205 chỉ tiêu cho 6 ngành (quản trị kinh doanh, kế toán, công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật cơ khí, công nghệ kỹ thuật ô tô, công nghệ kỹ thuật điện - điện tử) tại phân hiệu Quảng Ngãi. Tuy nhiên kết thúc đợt xét tuyển bổ sung, trường chỉ tuyển được vỏn vẹn 20 thí sinh, đạt chưa đến 10% chỉ tiêu đề ra.
Tương tự, tại Trường đại học Mở TP.HCM thông báo xét tuyển 150 chỉ tiêu ở 6 ngành đào tạo do trường cấp bằng. Với mức điểm nhận hồ sơ ở mức tương đối khiêm tốn là 16 điểm (đối với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT), nhà trường mới nhận được toàn bộ chưa tới 100 hồ sơ dự tuyển, còn thiếu đến 50 chỉ tiêu nữa so với số lượng thông báo.
Đó là đối với các cơ sở giáo dục công lập, còn với nhiều trường đại học tư thục cũng rơi vào tình trạng tương tự khi nguồn cung - cầu bị lệch nhau đáng kể.
Ví dụ: Trường đại học Hoa Sen xét tuyển bổ sung 1.500 chỉ tiêu cho tất cả các ngành đào tạo; Trường đại học Hùng Vương TP.HCM tuyển bổ sung 500 chỉ tiêu cho 10 ngành đào tạo; Trường đại học Quốc tế Hồng Bàng xét tuyển bổ sung vào tất cả các ngành đào tạo theo nhiều phương thức xét tuyển…
Tuy nhiên, đại diện nhiều trường đại học tư thục tại TP.HCM có xét tuyển bổ sung đều cho biết lượng thí sinh tham gia xét tuyển bổ sung thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu cần tuyển.
Tình trạng này không phải là mới nhưng ngày càng có khoảng cách lớn giữa chỉ tiêu tuyển sinh và số lượng hồ sơ ứng tuyển vào. Theo nhiều chuyên gia, nguồn tuyển thật sự không còn nhiều nữa bởi có quá nhiều sự lựa chọn cho các thí sinh.
Với lứa thí sinh may mắn chọn đúng nguyện vọng với số điểm tương ứng đã trúng tuyển hết đợt 1. Có thể chỉ một bộ phận thí sinh trúng tuyển đợt 1 nhưng không phải là ngành yêu thích thì không xác nhận nhập học trên hệ thống của Bộ GD&ĐT mà tìm cơ hội khác ở đợt xét tuyển bổ sung.
Đa số thí sinh đăng ký xét tuyển nhưng không trúng tuyển có thể đã tìm cơ hội học tập ở bậc học khác. Cũng có một bộ phận học sinh tốt nghiệp THPT chủ động tham gia các khóa học nghề, học tiếng để đi xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức…
Ngoài ra hệ thống các trường Cao đẳng nghề với mức học phí cực kỳ ưu đãi, nhiều chương trình hấp dẫn thu hút sinh viên cũng là một ngã rẽ mà nhiều em lựa chọn.
Thực tế quay trở lại với các trường đại học khi mà thực hiện tự chủ nên đẩy mức học phí cao hơn cũng là một “rào cản” giảm sự hấp dẫn đối với các thí sinh.
Anh Nguyễn Quang Đạt, phụ huynh của 1 thí sinh trượt nguyện vọng 1 vào trường ĐH Quốc gia TP.HCM cho hay:
“Khi con không đỗ nguyện vọng 1 vào trường, tôi cũng động viên cháu tiếp tục nộp hồ sơ vào các trường có chỉ tiêu tuyển bổ sung. Tuy nhiên sau khi cân đối mọi phương án đưa ra thì cháu quyết định lựa chọn học Cao đẳng nghề. Lý do học phí rất thấp và thời gian đào tạo ngắn, nhà trường liên kết với các công ty nước ngoài nên cơ hội con được đi học ở nước ngoài rất lớn”.