Thiết kế và thực thi chính sách hỗ trợ cần sát thực tế, đúng thời điểm

Các đại biểu đánh giá, hiệu quả của các chính sách thuế là một trong điểm sáng. Tuy nhiên, về hạn chế liên quan đến giải ngân vốn đầu tư, gói vay ưu đãi 2% lãi suất... vẫn còn những băn khoăn.

Sau 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các Nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023, Việt Nam đã từng bước mở cửa trở lại nền kinh tế, khôi phục các hoạt động kinh tế, xã hội.

Ngày 25/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Báo cáo của Đoàn giám sát liên quan đến thực hiện Nghị quyết 43. Các đại biểu đánh giá, hiệu quả của các chính sách thuế là một trong điểm sáng. Tuy nhiên, về hạn chế liên quan đến giải ngân vốn đầu tư, gói vay ưu đãi 2% lãi suất... vẫn còn những băn khoăn về khả năng hấp thụ chính sách, quy trình và thủ tục gây ảnh hưởng đến hiệu quả thực hiện.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng: Hiệu quả chính sách thuế là điểm sáng

Đại biểu Hà Sỹ Đồng. Ảnh: Thu Hằng/BNEWS/TTXVN

Đại biểu Hà Sỹ Đồng. Ảnh: Thu Hằng/BNEWS/TTXVN

Nghị quyết 43 vào đầu năm 2022 và dự kiến thực hiện trong năm 2022 và 2023 với mục tiêu phục hồi kinh tế sau COVID-19. Nếu chỉ có COVID- 19, các gói chính sách này là không cần thiết, do thực tế là năm 2022 nền kinh tế thời điểm đó thừa vốn và lãi suất rất thấp. Các gói hỗ trợ cũng không có tác dụng kích thích cho tăng trưởng, nhưng ngoài COVID-19 thì kinh tế giai đoạn 2022 và 2023 có những vấn đề khác như chiến tranh, kinh tế toàn cầu biến động… nên cuối cùng gói hỗ trợ này lại phần nào phát huy được hiệu quả.

Thêm vào đó, chính việc chậm triển khai Nghị quyết 43 cũng không hoàn toàn là hạn chế. Vì nếu triển khai mạnh vào đầu năm 2022 khi mới ban hành thì Nghị quyết 43 sẽ bơm thêm vào "bong bóng tài sản" lúc đó đang phình to. Nhưng vì triển khai chậm, lúc "bong bóng" đã qua đỉnh và bắt đầu quá trình "hạ cánh" nên Nghị quyết 43 có tác dụng giúp Việt Nam "hạ cánh mềm" thay vì "hạ cánh cứng" như nhiều nước khác. Gói hạ lãi suất 2% chỉ giải ngân được hơn 3% nhưng nhìn ở khía cạnh nào đó cũng chưa hẳn là thất bại. Nếu gói này hoạt động tốt thì chắc chắn việc đối phó với lạm phát năm 2022 khó khăn hơn rất nhiều. Như giai đoạn gói kích cầu năm 2009 đã gây lạm phát cho năm 2011. Trong bối cảnh siết chặt kỷ luật, kỷ cương bộ máy thực thi các chính sách nên ưu tiên tính khả thi. Và gói hỗ trợ lãi suất 2% không thực hiện được do không khả thi. Trong khi đó, gói giảm thuế VAT phát huy hiệu quả cao do biện pháp này dựa trên các thủ tục thuế sẵn có. Việc giảm VAT cũng gặp vấn đề khi phân loại lĩnh vực nào là mức 8% và đâu là 10%. Nếu được làm lại thì có lẽ nên giảm đồng loạt xuống 8% sẽ tốt hơn. Điều hành của Chính phủ đã rất linh hoạt. Gia hạn nộp thuế đến cuối năm là giải pháp rất thiết thực vì doanh nghiệp như được vay một khoản ngắn hạn lãi suất 0% và có tác dụng rất lớn, nhất là khi lạm phát tăng cao, thủ tục vay ngân hàng khó khăn. Trong các chính sách tài khóa thì miễn giảm, giãn thuế phát huy hiệu quả cao do dễ làm. Còn chính sách ở mảng chi tiền từ ngân sách ra như đầu tư công, hỗ trợ lãi suất tác dụng lại kém hơn. Các nước khác sử dụng chính sách đầu tư công để phục hồi kinh tế rất hiệu quả nhưng Việt Nam lại gặp nút thắt về pháp luật và siết chặt kỷ cương bộ máy nên đầu tư công không phát huy được hết tác dụng. Đặc biệt, cần tập trung vào tính khả thi và chọn thời điểm bởi điều này rất quan trọng với chính sách kinh tế vĩ mô. Một chính sách có thể đúng vào tháng 1 nhưng chưa chắc đã đúng vào tháng 3 khi diễn biến lạm phát tăng trưởng đã khác. Do đó, nếu trong tương lai lại có các chương trình, gói hỗ trợ kinh tế vĩ mô thì phải cân nhắc rất kỹ về yếu tố thời điểm để đưa chính sách vào cuộc sống. Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn: Chính sách cần đảm bảo hấp thụ nhanh, đúng mục tiêu

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn: Ảnh: Thu Hằng/BNEWS/TTXVN

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn: Ảnh: Thu Hằng/BNEWS/TTXVN

Báo cáo giám sát của Quốc hội đã thể hiện rất đầy đủ những kết quả đạt được, cả tồn tại và hạn chế trong quá trình thực hiện Nghị quyết 43 và các Nghị quyết về dự án trọng điểm quốc gia. Có 2 chính sách đặc biệt ấn tượng là giảm thuế và hỗ trợ lãi suất qua Ngân hàng Chính sách Xã hội. Những chính sách này đã giúp nhiều đối tượng thụ hưởng vượt qua khó khăn, trở ngại để hoạt động bình thường.

Tuy nhiên, với 7 chính sách mà có định lượng được thể hiện trong Nghị quyết 43 thì có những chính sách chưa thực sự phát huy được hiệu quả. Minh chứng như chính sách liên quan đến hỗ trợ lãi suất ngân hàng thương mại, sử dụng quỹ viễn thông công ích cũng chưa phát huy được hiệu quả. Thêm một chính sách nữa là giải ngân cho các dự án đầu tư phát triển cũng chưa đạt được như kỳ vọng, với con số chỉ đạt được 56%. Tôi cho rằng, sau lần này, Quốc hội sẽ thông qua một Nghị quyết để làm cơ sở cho Chính phủ tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện. Như vậy, sẽ có cách nhìn tổng thể hơn. Khi áp dụng các cơ chế đặc thù đối với các dự án trọng điểm Quốc gia trong 8 dự án mà Quốc hội giám sát có nhiều cơ chế đã phát huy được tác dụng và giúp tiến độ các dự án được đẩy nhanh. Tuy nhiên, kết quả giám sát cũng đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong việc tổ chức triển khai các dự án này. Đơn cử nhất là việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư chưa được thực hiện đầy đủ. Hiện nay việc khai thác vật liệu đang bị thiếu, đặc biệt là khi đã có và cho áp dụng cơ chế đặc thù rồi nhưng lại vẫn chưa được như kỳ vọng. Về bài học kinh nghiệm trong việc thiết kế và thực thi chính sách trong khi có tình huống cấp bách cần chú trọng tính chất phù hợp với thực tiễn và nguồn lực phải được hấp thu trong giai đoạn áp dụng chính sách đặc thù này. Nên coi rằng, khi áp dụng chính sách đặc thù không phải làm một việc để thay thế hệ thống pháp luật đã ổn định mà chỉ giúp cho chính sách pháp luật được thực hiện ngay thời điểm mà mong muốn. Ví dụ như Nghị quyết 43 thì chỉ trong vòng 2 năm áp dụng cơ chế đó. Sau đó, lại trở lại hệ thống pháp luập bình thường. Nếu trong trường hợp cơ chế đặc thù thấy có hiệu quả thì cần tổng kết đánh giá để sửa luật trong hệ thống sau này. Tránh trường hợp áp dụng cơ chế đặc thù ở một thời điểm mang tính chất thúc đẩy như Nghị quyết 43 mà lại kéo dài tiếp thêm 2-3 năm nữa thì tôi cho là không phù hợp. Khi xây dựng chính sách cần đảm bảo được tính hấp thụ nhanh, đúng mục tiêu mà Nghị quyết và chính sách đó đưa ra. Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga: Chậm, muộn ban hành hướng dẫn khiến giải ngân thấp, chưa đạt mục tiêu

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga: Ảnh: Thu Hằng/BNEWS/TTXVN

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga: Ảnh: Thu Hằng/BNEWS/TTXVN

Qua nghiên cứu báo cáo kết hợp với thực tiễn triển khai tổ chức giám sát nội dung này tại các địa phương cho thấy, việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn cụ thể thực hiện Nghị quyết 43 vẫn còn chậm. Thống kê của Quốc hội cũng cho thấy, không phải chỉ một số văn bản hướng dẫn chính sách còn chậm mà hầu hết các văn bản đều ban hành chậm.

Trong số 21 văn bản được thống kê trong phụ lục chỉ có duy nhất 1 văn bản được ban hành đúng thời hạn, còn lại 20 văn bản đều chậm và muộn. Trong số 20 văn bản chậm đó, tuy có 4 văn bản không có quy định thời hạn cụ thể nhưng cũng đều ban hành rất muộn. Nghị quyết 43 có thời hạn 2 năm thì mất đúng 1 năm cho công tác ban hành văn bản. Nhiều văn bản chậm từ 2 tháng đến 7 tháng. Nghị quyết 43 của Quốc hội ra đời trong tình trạng cấp bách để thực hiện những nhiệm vụ cấp bách, trong sức nén thời gian là 2 năm nhưng việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật vẫn bị chậm, muộn như thời gian trước. Việc chậm, muộn ban hành văn bản quy phạm pháp luật này là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tỷ lệ giải ngân thấp, một số chính sách chưa đạt được mục tiêu đề ra, ảnh hưởng đến kết quả chung. Do đó, Quốc hội tiếp tục giám sát việc kiểm điểm trách nhiệm các tổ chức, cá nhân trong những tồn tại, hạn chế đã nêu. Chỉ khi nào nghiêm túc kiểm điểm thì những hạn chế, tồn tại mới không lặp lại, nhất là việc chậm, muộn ban hành văn bản. Đại biểu Nguyễn Quang Huân: Quy trình ảnh hưởng đến tiến độ

ĐBQH Nguyễn Quang Huân: Ảnh: Văn Giáp/BNEWS/TTXVN

ĐBQH Nguyễn Quang Huân: Ảnh: Văn Giáp/BNEWS/TTXVN

Theo giám sát của Quốc hội, ngoài kết quả tích cực thì vẫn tồn tại một số hạn chế; trong đó có việc tiến độ giải ngân chậm. Điều này cần phân tích thêm nguyên nhân bởi hầu như kỳ họp nào cũng đều nêu vấn đề tiến độ giải ngân chậm nhưng hơi mang tính định tính.

Khi đưa ra lý do đúng, có số lượng đầu mục nhưng vẫn cần chỉ rõ kết quả nhanh, chậm bao nhiêu phần trăm để có giải pháp cụ thể hơn. Ví dụ như việc phân tích giải ngân chậm thì trong đó chậm là do nền kinh tế không thể hấp thụ được hay là do thời gian quá ngắn khiến nền kinh tế không hấp thụ được. Có những nơi có thể thụ được nên xem xét để điều chuyển. Hàng loạt câu hỏi cần được giải đáp cặn kẽ. Hay như quy trình có ảnh hưởng gì đến chậm tiến độ. Có tới 5 lần Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho danh mục dự án. Nếu đưa ra tình trạng khẩn cấp, Quốc hội chỉ bố trí nguồn ngân sách còn quyết định chọn dự án hay cách làm… là việc của Chính phủ. Quốc hội chỉ có giám sát và kiểm tra nguồn vốn được đưa vào dự án thực hiện đúng mục đích. Thêm vào đó là vấn đề thủ tục. Hiện nay, thủ tục hành chính một số nơi đề nghị cơ chế đặc thù để giải quyết nhanh. Như vậy chứng tỏ nếu không cơ chế đặc thù thì các thủ tục rất lâu. Do đó, nên nghiên cứu cải cách thủ tục để tiến độ giải ngân nhanh.

Thu Hằng – Phạm Giáp/BNEWS/TTXVN (thực hiện)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/thiet-ke-va-thuc-thi-chinh-sach-ho-tro-can-sat-thuc-te-dung-thoi-diem/334341.html