Thiền phái Lâm Tế và đặc trưng tư tưởng thiền học của Thiền phái Lâm Tế Nam Hà

Thiền phái Lâm Tế ở Việt Nam vào thế kỷ XVII-XVIII. có 4 Thiền phái là Chuyết Công, Nguyên Thiều, Chúc Thánh và Liễu Quán đồng thời truyền bá tông phái của mình. Trong số đó ba Thiền phái Nguyên Thiều, Chúc Thánh và Liễu Quán lần lượt sáng lập Thiền phái Lâm Tế ở vùng Nam Hà của Việt Nam và có ảnh hưởng sâu sắc đến Phật giáo Nam Hà.

Mục lục bài viết

Lời dẫn
1. Thiền phái Lâm Tế kế thừa và phát triển “Nông Thiền tịnh dụng” của Thiền tông Trung Quốc
2. Thiền phái Lâm Tế chú trọng tinh thần “Khán thoại Thiền”
3. Đặc điểm của truyền pháp kệ của Thiền phái Lâm Tế
Kết luận

Thiền phái Lâm Tế ở Việt Nam vào thế kỷ XVII-XVIII. có 4 Thiền phái là Chuyết Công, Nguyên Thiều, Chúc Thánh và Liễu Quán đồng thời truyền bá tông phái của mình. Trong số đó ba Thiền phái Nguyên Thiều, Chúc Thánh và Liễu Quán lần lượt sáng lập Thiền phái Lâm Tế ở vùng Nam Hà của Việt Nam và có ảnh hưởng sâu sắc đến Phật giáo Nam Hà.

Đoàn Thị Thanh Dung, NCS TS – Đại học Sư phạm Bắc Kinh – Trung Quốc
Trương Thị Việt Trinh, NCS TSc- – Đại học Sư phạm Bắc Kinh – Trung Quốc

Tóm tắt nội dung: Vào những năm giữa thế kỷ XVII – XVIII, Việt Nam đang trong thời kỳ chia cắt Bắc Nam Trịnh – Nguyễn phân tranh. Lúc này ở Trung Quốc cũng diễn ra sự thay đổi giữa các triều đại. Việc này đã khiến các nhóm quan đại thần và người dân phản Thanh phục Minh lần lượt rời bỏ Trung Quốc và di dân sang Việt Nam định cư.

Cũng chính vì vậy trong thời kỳ này có rất nhiều tăng sĩ Trung Quốc nhân cơ hội này truyền bá tông phái của mình vào Việt Nam, điều đó đã làm cho Phật giáo Việt Nam vào thời kỳ này không ngừng phát triển và hoạt động mạnh trở lại. Giai đoạn này Phật giáo Việt Nam trên đà bước vào một thời kỳ phát triển mới và Phật giáo Việt Nam cũng từ đó mà dần dần được phục hưng trở lại.

Thiền phái Lâm Tế cũng như Thiền phái Tào Động của Trung Quốc cũng được các Thiền sư Trung Quốc truyền bá rộng rãi khắp miền Nam và miền Bắc Việt Nam. Với sự phát triển của Thiền tông, Thiền phái Nam Hà Lâm Tế sau này được phân chia thành các hệ phái Nguyên Thiều, Liễu Quán và Chúc Thánh, đồng thời cả 3 hệ phái này không nhứng phát triển rất mạnh mà còn lưu truyền và ảnh hưởng cho đến ngày nay.

Hầu hết Thiền phái Lâm Tế ở Việt Nam đều tiếp thu truyền thống y bát của Thiền hệ Lĩnh Nam ở Trung Quốc, bất luận là về phương pháp tu tập, tông chỉ Thiền môn hay tư tưởng Phật giáo đều chịu ảnh hưởng sâu sắc của Thiền phái Lâm Tế của Lĩnh Nam Trung Quốc.

Từ khóa: Nam Hà; Thiền phái Lâm Tế; Thiền hệ Lĩnh Nam; Tư tưởng thiền học

Lời dẫn

Phật giáo Nam Hà ở Việt Nam từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XVIII được gọi là thời kỳ phục hưng của Phật giáo, cũng có thể nói đây là thời kỳ phát triển hoàng kim nhất của vùng Nam Hà. Trước đó Phật giáo chủ yếu lấy việc thờ cúng cầu nguyện cũng như các lễ nghi mang tính hình thức tôn giáo để làm chủ thể. Cho đến thời kỳ Trịnh – Nguyễn phân tranh, Phật giáo Việt Nam ở Nam Hà dần dần tập trung chủ yếu vào việc tu hành và giác ngộ.

Thiền phái Lâm Tế được truyền vàoViệt Nam từ Thiền hệ Lĩnh Nam ở Trung Quốc được lan truyền rộng rãi tại Việt Nam và có vai trò to lớn trong sự phát triển Phật giáo ở Nam Hà, được người dân vùng Nam Hà đón nhận và được chúa Nguyễn cũng như các quan lại triều đình ủng hộ.

Với xu thế phát triển của Phật giáo Nam Hà, Thiền hệ Lĩnh Nam của Thiền phái Lâm Tế Trung Quốc đã có ảnh hưởng rất lớn ở Việt Nam, điều này thể hiện qua việc Thiền hệ Lĩnh Nam của Thiền phái Lâm Tế được sáng lập tại Việt Nam đều mang các nét đặc trưng của Thiền phái Lâm Tế Trung Quốc và tư tưởng Thiền tông Phật giáo.

1. Thiền phái Lâm Tế kế thừa và phát triển “Nông Thiền tịnh dụng” của Thiền tông Trung Quốc

Thời kỳ Phật giáo nguyên thủy, cuộc sống của đức Phật và Tăng đoàn rất đơn giản, chủ yếu là đi khất thực. Trong kinh “Tứ thập nhị chương” có nói: “Cạo bỏ râu tóc làm bậc Sa-môn, lãnh thọ giới Pháp, xả bỏ tài vật thế gian, đi khất thực chỉ nhận đủ dùng, ngày ăn một bữa đúng ngọ, ngủ dưới gốc cây không quá ba đêm, cẩn trọng nghiêm mật không được tái phạm” [1]. Ngoài ra, Tăng đoàn dựa vào “Tứ Y” để duy trì sự sống cho người tu hành. “Tứ Y” bao gồm “ y phẩn tảo, y khất thực, y thọ hạ tọa, y tàn khí dược” [2].

Bốn hình thức này là cách duy nhất để Tăng đoàn duy trì những nhu cầu cơ bản nhất của cuộc sống thời bấy giờ. Do vì quan niệm của Phật giáo nguyên thủy cho rằng của cải chỉ là điều kiện để duy trì sự sinh tồn cơ bản nhất, không cần thiết phải quá cầu kỳ, chuyên tâm tu hành mới là cốt lõi của một bậc Sa-môn.

Tóm lại trong xã hội Ấn Độ cổ đại, phần lớn nhu cầu sinh hoạt của Tăng đoàn nguyên thủy đều nhờ vào sự bố thí của các hàng bạch y mà có được. Đây cũng là một quy định và phong tục phổ biến trong giới Sa môn ở Ấn Độ cổ đại. Trong giới luật nguyên thủy của Phật giáo có quy định rằng những người tu khổ hạnh kiếm sống bằng cách khất thực không được phép cày xới đất trồng trọt, bởi vì để tránh sát hại các chúng sinh dưới lòng đất.

Nói cách khác, là để tránh nảy sinh ra các phiền não và cản trở việc tu hành, vì vậy các tỷ kheo không được phép tự mình cày cấy trồng trọt, thậm chí việc đào đất trồng rau trồng cây cối và làm ruộng đều bị cấm. Tuy nhiên sau khi Phật giáo được truyền bá từ Ấn Độ sang Trung Quốc, Phật giáo cũng dần thay đổi để phù hợp với những đặc điểm của văn hóa Trung Quốc.

Xã hội Trung Quốc cổ đại rất coi trọng việc lao động sản xuất, Phật giáo Hán truyền Trung Quốc cũng không thể tách rời khỏi cuộc sống hàng ngày ở thế gian và hàng ngày không thể cứ xin ăn từ người khác, các tu sĩ lấy nông Thiền làm gốc để có cái tự cung tự cấp cho đời sống tu học hàng Ngài của họ.

Vì vậy, các nhà sư Trung Quốc đã bỏ đi hình thức đi khất thực và không còn bài xích các hoạt động sản xuất nông nghiệp và công nghiệp nhỏ nữa. Trong các chùa chiền ở Trung Quốc, các nhà sư được phép trồng rau, cây cối, làm ruộng hoặc tham gia vào các hoạt động công nghiệp và thương mại nhỏ.

Từ đó “Nông Thiền tịnh dụng” dần dần hình thành trong Phật giáo Hán truyền Trung Quốc. Ý nghĩa ban đầu của “Nông Thiền tịnh dụng” là chỉ người tu hành tham gia vào hoạt động nông nghiệp, tự trồng trọt canh tác, tự cung tự cấp và xem đó như là một phương thức tu hành.

Người khởi xướng cho “Nông Thiền tịnh dụng” là Tứ tổ Đạo Tín, Ngài đã khuyến khích các đệ tử tham gia vào hoạt động lao động sản xuất, chặt củi đun nước, khai hoang trồng trọt, giải quyết các vấn đề nhu cầu thiết yếu của cuộc sống, tránh phụ thuộc vào việc cúng dường của tín đồ.

Thiền sư cho rằng những việc này cũng là một phần quan trọng không thể thiếu trên con đường tu học Thiền, đồng thời Ngài cũng đưa ra triết lý “Tọa tác tịnh trọng” [3] của “Nông Thiền tịnh dụng”. Từ đó Tứ tổ Đạo Tín đã chính thức kết hợp lao động sản xuất với hành Thiền và điều này trở thành việc đầu tiên mà các nhà sư cần làm trong vấn đề tu hành.

Cho đến đời Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn, Ngũ Tổ không những kế thừa và phát triển Thiền pháp của Tứ Tổ mà tiếp tục phát huy tư tưởng của Tứ Tổ về sự kết hợp giữa nông nghiệp và Thiền sâu rộng hơn.

Khi số lượng nhà sư tăng lên, những ngôi chùa lại được xây dựng xa xôi trong núi, chỉ dựa vào khất thực và nhận cúng dường của các tín đồ thì quả thật rất khó khăn, vậy nên Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn đề xướng “Dịch lực dĩ thân cúng dường, pháp lữ tư kỳ túc yên” [4]. “Đạo tràng” theo quan điểm của Ngũ Tổ không chỉ đề cập đến nơi chốn cửa Thiền, ngoài ra “Phật sự” cũng không chỉ giới hạn ở các nghi lễ cúng bái của các nhà sư, mà tất cả những nhu cầu thiết yếu hằng ngày của người tu Thiền đều ở trong “Đạo tràng” làm phật sự.

Nói cách khác mọi việc trong đời sống hằng ngày dưới sự hướng dẫn của các nguyên lý Thiền thì đều là tu tập Thiền. Bằng cách này Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn đã dần dần nâng cao và truyền ba rộng rãi về việc kết hợp tu tập Thiền với công việc lao động hàng ngày.

Cho đến đời Thiền sư Mã Tổ Đạo Nhất, Ngài đã tiếp thu nhận định của Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn và cho rằng mọi nơi đều là “Đạo tràng” và mọi công việc lao động trong cuộc sống hàng ngày đều là “phật sự” và Ngài đã tiếp tục phát triển rộng rãi hơn. Tư tưởng này đã ảnh hưởng rất lớn đến Thiền sư Bách Trượng Hoài Hải, nên Ngài hoàn toàn chuyển hướng sang lĩnh vực lao động sản xuất và công việc lao động đã trở thành một phần của việc tu học.

Điều này có nghĩa rằng vừa tham gia vào việc trồng trọt vừa tham Thiền, lấy nông dưỡng tự, lấy Thiền thúc đẩy nông làm cốt lõi. Thiền sư Bách Trượng Hoài Hải đã chế ra những quy tắc rõ ràng phù hợp cho sự phát triển của Thiền tông và được gọi là “Bách Trượng Thanh Quy”, đồng thời đưa phương pháp Nông Thiền trở thành quy tắc phổ biến áp dụng rộng rãi trong các tự viện và được gọi là “Phổ Thỉnh Pháp”. Quy định người tu hành phải tự lực cánh sinh, không phân biệt lớn nhỏ và đều phải tham gia lao động sản xuất.

Thiền sư Bách Trượng Hoài Hải từng nói: “Là bậc thầy, trong công việc và lao động, phải đi đầu” [5]. Bách Trượng Hoài Hải cho rằng các hoạt động nông nghiệp như khai sơn, khai hoang, cày cấy, trồng rau, trồng lúa nước, gánh nước v.v. là để thực hiện toàn diện quy định của “Nông Thiền tịnh dụng” theo tinh thần “Một ngày không làm, một ngày không ăn/nhất nhật bất tác, nhất nhật bất thực”.

Như vậy phạm vi của “Nông” trong “Nông Thiền tịnh dụng” được mở rộng ra bao gồm cả một số công việc lao động chân tay cơ bản. Nói cách khác ý nghĩa của “Nông Thiền tịnh dụng” là sự kết hợp của tham Thiền với tất cả những công việc lao động trong đời sống hàng ngày.

Một trong những đặc điểm của Thiền phái Lâm Tế ở Trung Quốc là khả năng tự cung tự cấp về mặt kinh tế. Thiền hệ Lĩnh Nam khi du nhập vào Việt Nam cũng tương tự như vậy. Mặc dù không có ghi chép rõ ràng trong các tài liệu nhưng qua khảo sát thực tế tại các tổ đình tự viện ở miền Trung Việt Nam, tác giả nhận định ràng các Thiền môn ở Việt Nam cũng dựa trên tinh thần “Một ngày không làm, một ngày không ăn” và đấy chính là tinh thần của “Nông Thiền tịnh dụng”.

Trong thời kỳ Trịnh – Nguyễn phân tranh, tuy Phật giáo rất phổ biến trong quần chúng nhân dân Nam Hà, nhưng đời sống nhân dân thời bấy giờ vô cùng khó khăn nên tín đồ không cung cấp vật thực cũng như nhưng nhu cầu sinh hoạt cần thiết cho chư tăng, ni được.

Vì vậy hầu hết các tổ đình tự viện ở vùng Nam Hà lúc bấy giờ đều phải tập trung vào sản xuất nông nghiệp, các nhà sư tham gia trồng rau, trồng lúa để tự cung cấp lương thực cho mình. Cụ thể tại các tổ đình tự viện ở Huế: chùa Diệu Đế, chùa Thiên Mụ, chùa Túy Vân, chùa Báo Quốc, v.v. cũng như chùa Quốc Ân, chùa Hà Trung và chùa Thập Tháp của Thiền sư Viên Thiều, tất cả đều được nhà Nguyễn cung cấp ruộng để làm ruộng Tam Bảo.

Ngoài việc dành thời gian cho việc tu tập, người tu hành còn tham gia vào việc trồng trọt để thể hiện tinh thần tự cung tự cấp, đây chính là đặc điểm của “Nông Thiền tịnh dụng” và cũng là một nét đặc trưng của Thiền tông Trung Quốc.

Chùa Diệu Đế – Ảnh: Nhật An

2. Thiền phái Lâm Tế chú trọng tinh thần “Khán thoại Thiền”

Người sáng lập ra môn phái Lâm Tế là Thiền sư Nghĩa Huyền, nhìn vào phong cách Thiền của Ngài, cho dù là “Toàn cơ đại dụng, bổng hạt tề thi” [6], nhưng về cơ bản nó là sự tiếp nối của gia phong “Quyển thư tung cầm, sát hoạt tự tại” [7]. Sau đó, với sự phát triển về chính bản thân của Thiền tông và sự biến đổi của thời đại xã hội, phương pháp tiếp nhận Thiền Lâm Tế vẫn còn có nhiều sự thay đổi và khác nhau.

Có thể chia thành 3 giai đoạn phát triển là “Lâm Tế Hát” của Nghĩa Huyền, “Văn Tự Thiền” của Viên Ngộ Khắc Cần và Phần Dương Thiện Chiếu, “Khán Thoại Thiền” của Đại Huệ Tông Cảo. Trong số ba phương pháp Thiền của phái Lâm Tế, “Khán Thoại Thiền” là có ảnh hưởng lớn nhất ở Nam Hà Việt Nam, đây cũng là phương pháp thiền mà Thiền sư Minh Hoằng Tử Dung truyền lại cho Thiền sư Liễu Quán.

“Khán Thoại Thiền” còn được gọi là “Khán Thoại Đầu”, là một phương pháp Thiền được khởi xướng bởi Đại Huệ Tông Cảo (1089-1163) của phái Lâm Tế, dần dần trở thành một phương pháp tham Thiền phổ biến và có ảnh hưởng sâu rộng trong phái Lâm Tế. “Khán Thoại Thiền” này là Thiền chuyên tâm tập trung vào công án, nghĩa là dành hết thời gian công phu để tập trung vào một công án Thiền.

Điểm mấu chốt trong việc tu trì này là phải đáp ứng bốn điểm: “Bất dụng thức kế”, “Hào vô chấp trước”, “Biệt cầu phương tiện”, “Liễu giải ngũ âm ma cảnh”. Và bốn yếu tố cần thiết: “Khởi đại nghi tình”, “Thường hằng tinh tấn”, “Tín tâm kiên cố”, “Dụng tâm miên mật”. Trong quá trình tu tập thực tế, người tu phải chọn thoại đầu, sau đó phát khởi nghi tình (khởi thoại đầu) và tiếp tục vận tâm tiến hành (chiếu cố thoại đầu). Nghi ngờ thoại đầu, đem vạn pháp đặt vào thoại, thoại đầu làm tiêu dung chúng chảy, ngay cả thoại đầu cũng không thấy, cuối cùng diện mạo hiện tiền.

Bên cạnh đó vấn đề “Bất lập văn tự” trong Thiền tông, trước hết chúng ta phải hiểu rằng “Bất lập văn tự” và “Bất dụng văn tự” có hàm nghĩa khác nhau. Bất “lập” có nghĩa là không chấp chặt bám víu vào văn tự.

Trong “Trấn Châu Lâm Tế Tuệ Chiếu Thiền Sư Ngữ Lục” có chỉ ra: “Người xuất gia trẻ, thì cần thiết phải học đạo, Như Sơn Tăng tôi ngày xưa đã từng quan tâm đến giới luật, cũng đã từng nghiên cứu kinh luận.

Sau này tôi mới biết đó là những phương thuốc cứu đời được diễn bày qua lời nói mà thôi. Cho nên Sơn Tăng tôi đã nhất thời vứt bỏ được tất cả để đi tìm thầy học đạo tham Thiền. Sau đó gặp được đại thiện tri thức, mắt đạo sáng ra, mới thấy được rõ ràng, nhận ra được rằng ai là vị tôn túc trong thiên hạ, ai là tà ai là chính.

Cái thấy biết như vậy không phải từ khi được cha mẹ mới sinh ra đã có, mà do sự trinh chuyên tu tập mài dũa và thể nghiệm rồi một ngày kia tự mình chứng ngộ được” [8].

Văn tự bát nhã là thiện tri thức, thiện tri thức cũng chính là văn tự bát nhã, nếu cả hai đều bị lược bỏ thì người tu hành không biết phải bắt đầu từ đâu.

Vì thế, trong “Bộ luận Nhập Bồ Tát Hạnh”, Bồ Tát Tịch Thiên có nói rằng: “Thường thời y chỉ thiện tri thức, đại thừa pháp nghĩa thiện xảo giả” [9]. Khán thoại Thiền pháp cũng như vậy, mặc dù không lập văn tự nhưng bắt buộc phải ngộ được những đạo lý trong kinh điển chỉ có như vậy mới dẫn dắt được người mới bắt đầu tu tập đạt được con đường tu hành như tâm nguyện.

Đại Huệ Tông Cảo cũng chủ trương rằng “Khán thoại Thiền”, quán chiếu một thoại đầu thì phải thời thời bất vọng, niệm niệm bất đoạn, đốn ngộ Phật tổ chi cơ, tâm trí vô ngại, kiến tánh thành Phật. Ngài nhấn mạnh vận mệnh của Thiền tông nằm ở sự “Ngộ” và mục đích của Thiền không chỉ thể hiện bằng ngôn ngữ chữ viết, mà cần phải quán triệt thực tiễn trong đời sống của con người.

Khán Thoại Thiền của Đại Huệ Tông Cảo không chỉ độc đáo vào thời điểm thời bấy giờ mà dần dần trở thành dòng Thiền chính thức của Thiền tông và được lưu truyền cho đến ngày nay. Vì vậy khi đến thời của Thiền sư Tử Dung, Ngài cũng đã truyền bá và lưu hành pháp tu Thiền “Khán Thoại Thiền” rộng rãi khắp nơi ở Nam Hà Việt Nam.

Theo lịch sử Phật giáo Việt Nam, khi Thiền sư Liễu Quán mới xuất gia, Ngài đã đi khắp nơi tìm thầy để học giáo nghĩa của Phật giáo. Cuối cùng khi Ngài gặp được Thiền sư Minh Hoằng Tử Dung thì Ngài mới dừng chân lại và tập trung vào Thiền “Khán thoại đầu”. Minh Hoằng Tử Dung tuy giỏi về dạy người niệm Phật tham Thiền, nhưng không dạy niệm Phật mà chỉ chuyên dạy Thiền “Khán thoại đầu” cho Liễu Quán.

Ngài trao thoại đầu rằng: “Vạn pháp quy nhất, nhất quy hà xứ”. Thiền sư Liễu Quán ngày đêm nghiên cứu thoại đầu này suốt bảy tám năm liền mà vẫn không hiểu được. Liễu Quán cũng bắt đầu nghi ngờ về năng lực của chính mình. Sau đó có một hôm lúc Ngài đang đọc “Truyền đăng lục”, đến câu “Chỉ vật truyền tâm, nhân bất hội xứ” Ngài liền hoát nhiên tự ngộ.

Về vấn đề giác ngộ của Liễu Quán, tác giả đã giải thích một cách chi tiết từ cuộc đối thoại của Ngài với Minh Hoằng như sau: Sau khi Liễu Quán hiểu được thoại đầu “Vạn pháp quy nhất, nhất quy hà xứ” [10], Ngài trở ra Long Sơn cầu Hòa thượng ấn chứng. Ngài trình bày rõ ràng cụ thể từng thể nghiệm về tham cứu thoại đầu và khi nói đến câu “Chỉ vật truyền tâm, nhân bất hội xứ”, Tử Dung hỏi: “Huyền nhai tán thủ, tự khẳng thừa đương; tuyệt hậu tái tô, khi quân bất đắc, tác ma sinh đạo khán?” , Liễu Quán không nói gì chỉ nhìn Tử Dung vỗ tay cười lớn ha hả. Tử dung dạy rằng: “Vị tại”. Liễu Quán thưa: “Bình chùy nguyên thị thiết”. Tử Dung lại dạy: “Vị tại”.

Hôm sau, Tử Dung lại dạy: “Công án hôm qua chưa xong, nói lại xem”. Liễu Quán thưa: “Tảo tri đăng thị hỏa, phạn thục dĩ đa thời (biết sớm đèn là lửa thì cơm đã chính từ lâu rồi)”. Tử Dung lúc này mới khen ngợi Liễu Quán. Sau đó có một lần Tử Dung lại hỏi Liễu Quán thoại đầu khác. Tử Dung hỏi: “Tổ Tổ tương truyền, Phật Phật thọ thọ, vị thẩm truyền thọ là cái gì?”. Liễu Quán trả lời: “Thạch quẩn trừu điều trường nhất trượng, Quy mao phất tử trọng tam cân”, Tử Dung hỏi tiếp: “Cao cao sơn thượng hành thuyền, Thâm thâm hải để tẩu mã ” là thế nào?. Liễu Quán trả lời: “Chiết giác nê ngưu triệt dạ hống, Một huyền cầm tử tận nhật đàn”.

Từ đó thấy được qua cách quán chiếu thoại đầu như thế này, Tử Dung đã mang chân lý của Phật pháp truyền dạy cho Liễu Quán. Cách truyền dạy này rất giống với Thiền hệ Lĩnh Nam của Thiền phái Lâm Tế.

3. Đặc điểm của truyền pháp kệ của Thiền phái Lâm Tế

Các Thiền sư Trung Quốc vẫn duy trì sự truyền thừa Thiền hệ Lĩnh Nam của Thiền phái Lâm Tế khi truyền bá Phật giáo ở Việt Nam và luôn kế thừa truyền tông kệ, truyền pháp kệ và phó pháp kệ của các vị tổ sư.

Trong quá trình tìm hiểu Thiền phái Lâm Tế ở Việt Nam, tác giả đã từng thực hiện chuyến đi thực tế đến chùa Thiền Lâm và chùa Chúc Thánh ở Huệ An. Cả hai ngôi chùa đều có thờ phụng long vị của Thiền sư Nguyên Thiều Siêu Bạch ở những vị trí cao nhất.

Như thế có thể khẳng định rằng Thiền sư Minh Hải Pháp Bảo là đệ tử của Thiền sư Nguyên Thiều Hoán Bích. Long vị trong bàn thờ tổ chùa nơi đệ tử của Thiền sư Minh Hải Pháp Bảo trụ trì có viết: “Di Đà Đường Tự Lâm Tế Chánh Tông Tam Thập Tam Thế Húy Nguyên Thiều Hiệu Hoán Bích Thọ Tôn Đại Lão Hòa Thượng” [11].

Đương nhiên, trong bàn thờ tổ chùa Thiền Lâm, thì long vị của Thiền sư Minh Hải Pháp Bảo được đặt thấp hơn so với long vị của Thiền sư Nguyên Thiều Hoán Bích một bậc. Ngoài ra, Minh Hải Pháp Bảo cũng ứng chữ “Minh” trong bài kệ truyền thừa của Thiền sư Tổ Định Tuyết Phong.

Kể cả sau này trong bài kệ truyền của Thiền sư Minh Hải Pháp Bảo, thì những đệ tử của Thiền sư Minh Hải cũng ứng vào hàng chữ “Thiệt” như bài kệ của Thiền sư Tổ Định Tuyết Phong. Bên cạnh đó Thiền sư Thực Diệu Liễu Quán là đệ tử của Minh Hoằng Tử Dung phát triển Thiền phái Liễu Quán ở Thuận Hóa cũng theo bài kệ này.

Bài kệ của Thiền sư Tổ Định Tuyết Phong còn được gọi là Thiên Đồng tự pháp kệ. Và Thiền sư Huyễn Hữu Chính Truyền đã dùng bài kệ này để đặt pháp danh cho các đệ tử của mình.

Theo thứ tự pháp danh của Nguyên Thiều là Siêu Bạch, là chữ thứ hai trong câu thứ ba. Nguyên Thiều lúc sang Việt Nam lập chùa dựng tháp, tiếp tăng độ chúng, Thiền sư đã lấy chữ “Minh” để đặt pháp danh cho đệ tử, như: Minh Lượng Nguyệt Ân, Minh Dung Pháp Thông, Minh Giác Kỳ Phương, Minh Trí Thiền An, Minh Hằng Định Nhiên, Minh Vật Nhất Tri,…

Trong số đó chỉ có ba vị là Minh Lượng Nguyệt Ân, Minh Giác Kỳ Phương, Minh Vật Nhất Tri kế thừa pháp kệ. Chùa Thập Tháp có thể là nguồn gốc của Thiền phái này, vì vậy nhắc đến Thiền phái Thập Tháp hoặc Thiền phái của Thiền sư Siêu Bạch Hoán Bích, các ngôi chùa thuộc Thiền phái này hầu như đều đã truyền tới chữ cuối cùng trong bài pháp kệ.

Chùa Thập Tháp, Bình Định. Ảnh: St

Từ bài kệ của Tổ Định Tuyết Phong có thể xác định được về việc truyền thừa vào cuối thế kỉ XVI đến thế kỉ XVII, XVIII ở Nam Trung Quốc sang Việt Nam như sau:

Thứ hai, Minh Hoằng Tử Dung là người gốc Trung Quốc đến xứ Thuận Hóa xây dựng chùa Ấn Tông (tức chùa Từ Đàm ngày nay) và truyền pháp cho Thiền sư Thiệt Diệu Liễu Quán, sau đó Thiệt Diệu Liễu Quán thành lập phái Thiền Liễu Quán và đã truyền thừa bài pháp kệ rất đặc biệt. Toàn bộ pháp kệ có bốn mươi tám chữ, tổng có mười hai câu av theo thể bốn chữ một câu:

寔际大道,性海清澄

心源廣潤,德本慈风

戒定福慧,體用圆通

永超智果,密契成功

傳持妙理,演畅正宗

行解相應,達悟真空

Thiệt tế đại đạo, tánh hải thanh trừng

Tâm nguyên quảng nhuận, đức bổn từ phong

Giới định phúc huệ, thể dụng viên thông

Vĩnh siêu trí quả, mật khiết thành công

Chuyên trì diệu lý, diễn xướng chánh tông

Hạnh giải tương ưng, đặt ngộ chân không [12]

Hai chữ đầu của bài kệ Thật và Tế được nối tiếp với câu “… hạnh siêu minh thật tế” [13] của Thiền sư Minh Hoằng Tử Dung, điều này cho thấy Thiền phái Liễu Quán của Việt Nam là sự truyền thừa liên tục của Thiền phái Lâm Tế ở Trung Quốc.

Theo bài kệ truyền thừa của Thiền sư Liễu Quán, thì từ thế kỷ XVII cho đến ngày nay, tất cả các Thiền sư đều theo tuần tự của bài kệ này để lấy pháp danh đặt cho đệ tử xuất gia hoặc tại gia. Pháp danh của mỗi người có hai chữ, chữ đầu tiên chỉ thứ tự thế hệ của tông phái, chính là dựa trên bài pháp kệ này, chữ thứ hai được sư phụ đặt cho đệ tử.

Ví dụ: Pháp danh của Thiền sư Liễu Quan là “Thiệt Diệu”, được lấy từ “Thiệt” trong bài Thiền kệ. Các đệ tử của Ngài hiển nhiên cũng sẽ được lấy pháp danh từ chữ “Thiệt”. Tế Hợp Hải Điện, Tế Mẫn Tổ Huấn, Tế Nhân Hữu Bồi, Tế Ân Lưu Quang và các đệ tử khác (thuộc đời 36 của Thiền phái Lâm Tế, đời thứ 2 của Thiền phái Liễu Quán). Cứ tiếp tục vậy đến chữ Đại, Đạo, Tánh,…

Mỗi chữ tượng trưng cho một thế hệ, cho đến nay tên các nhà sư ở chùa Nam Hà ở Việt Nam lần lượt đã đến các chữ Tâm, Quảng, Nhuận, Đức. Ngày nay các vị hòa thượng thường không có truyền tông kệ mà chỉ truyền đắc pháp kệ hoặc phó pháp kệ cho các đệ tử. Điều này đã trở thành điểm độc đáo của Thiền phái Liễu Quán.

Một Thiền phái khác được sáng lập bởi Minh Hải Pháp Bảo người gốc Trung Quốc. Thiền sư này vốn là đệ tử của Thiền sư Nguyên Thiều, sau đó đến tỉnh Quảng Nam để sáng lập Thiền phái Chúc Thánh và có truyền thừa pháp kệ. Toàn bộ bài kệ có mười bốn chữ và tổng cộng có tám câu, thể bốn chữ:

明寔法全彰,印真如是同

祝圣壽天久,祈国祚地長

得正律為宗,祖道解行通

覺花菩提树,充满人天中

Minh Thiệt Pháp Toàn Chương, Ấn Chơn Như Thị Đồng

Chúc Thánh Thọ Thiên Cửu, Kỳ Quốc Tộ Địa Trường

Đắc Chánh Luật Vi Tông, Tổ Đạo Giải Hạnh Thông

Giác Hoa Bồ Đề Thọ, Sung Mãn Nhơn Thiên Trung [14]

Nói tóm lại vào thế kỷ XVII-XVIII, Thiền phái Lâm Tế Việt Nam chịu ảnh hưởng Thiền hệ Lĩnh Nam của Thiền phái Lâm Tế. Điều này được thể hiện qua việc ấn chứng đắc kệ cho đệ tử thông qua việc dùng hình thức phó pháp kệ, tức truyền thừa kệ. Hầu hết các tài liệu lịch sử Việt Nam đều ghi lại điều này, chẳng hạn như trong cuốn “Hàm Long Sơn Chí” :

Nhất Chân hòa thượng truyền: Hòa thượng tánh Nguyễn, quán Bình Định Quy Nhơn, sơ đầu Báo Quốc Tự, đắc pháp ư Phổ Tịnh Hòa thượng, pháp danh Tính Huệ, kệ viết:

(Kệ viết rằng: Hòa thượng họ nguyễn, người gốc Quy Nhơn Bình Định, từ nhỏ xuất gia ở chùa Báo Quốc, đắc pháp với hòa thượng Phổ Tịnh, pháp danh là Tánh Huệ)

一真受法傳

內外本如然

扶持諸佛祖

繼世永綿綿

Nhất Chân thụ pháp truyền

Nội ngoại bản như nhiên

Phù trì chư Phật tổ

Kế thế vĩnh miên miên.

Huệ Cảnh hòa thượng truyền: Hòa thượng tánh Lê, Hương Trà La Chử nhân, dĩ Mậu Ngọ tuế sinh, đồng niên xuất gia, thế độ ư Báo Quốc tự Phổ Tịnh hòa thượng, pháp danh Tánh Khoát tự Đức Giai, Gia Long thập ngũ niên bổn sư viên tịch. Minh mệnh thập tam niên, cầu pháp Linh Mụ tự Bổn Giác hòa thượng thượng tế hạ chính phó, kệ viết:

(Kệ viết rằng: Hòa thượng Tuệ Cảnh truyền: hòa thượng họ Lê, người làng La Chữ thuộc huyện Hương Trà, sinh năm Mậu Ngọ, xuất gia từ bé, cạo đầu tu ở chùa Báo Quốc với hòa thượng Phổ Tịnh, pháp danh là Tánh Khoát, pháp tự là Đức Giai, Sư phụ viên tịch vào năm Gia Long thứ 15. Năm Minh Mạng thứ 13 cầu đạo với hòa thượng thượng Tế hạ Chánh Bổn giác ở chùa Linh Mụ)

是法本來如是法

無名展轉彊安名

如今了性無言說

始覺如斯慧鏡明

Thị pháp bản lai như thị pháp

Vô danh triển chuyển cưỡng an danh

Như kim Liễu Tánh vô ngôn thuyết

Thủy giác như tư Huệ Cảnh minh

Tóm lại sự truyền thừa của phái Lâm Tế ở Việt Nam thế kỷ XVII-XVII có nhiều đặc điểm khác nhau. Thông qua việc phân tích cũng như xác lập phả hệ và phó kệ, Thiền hệ Lĩnh Nam của Thiền phái Lâm Tế phát triển rất thịnh vượng ở Việt Nam và có ảnh hưởng rất lớn đến Phật giáo Việt Nam ngày nay cũng như đời sống của tu sĩ Phật giáo Việt Nam.

Nói cách khác khi Thiền phái Lâm Tế Trung Quốc du nhập vào Việt Nam mặc dù kế thừa đặc trưng Thiền của Thiền phái Lâm Tế nhưng cũng có những biến đổi riêng. Trong đó ảnh hưởng lớn nhất là sự phát triển không ngừng của phương pháp tu hành Nông Thiền.

Với sự phát triển của Phật giáo Việt Nam vào thế kỷ XVII và XVIII, phương pháp “Khán Thoại Thiền” của Thiền hệ Lĩnh Nam thuộc Thiền phái Lâm Tế được truyền lại cho Thiền phái Liễu Quán ở Việt Nam và trở thành phương pháp tu tập phù hợp nhất cho các Thiền sư Việt Nam.

Ngoài ra nghi thức “Truyền pháp kệ” còn được truyền bá đến Nam Hà Việt Nam và được truyền thừa ở các Thiền phái Nguyên Thiều, Liễu Quán và Chúc Thánh. Văn tự của pháp kệ tuy đơn giản nhưng nội dung sâu sắc, khó lỉnh ngộ và phải tự mình chiêm nghiệm quán chiếu mới có thể lỉnh ngộ được. Đây cũng là những giá trị của Thiền phái Lâm Tế ở Việt Nam từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XVIII được bảo tồn cho đến ngày nay.

Kết luận

Thiền phái Lâm Tế ở Việt Nam vào thế kỷ XVII-XVIII. có 4 Thiền phái là Chuyết Công, Nguyên Thiều, Chúc Thánh và Liễu Quán đồng thời truyền bá tông phái của mình. Trong số đó ba Thiền phái Nguyên Thiều, Chúc Thánh và Liễu Quán lần lượt sáng lập Thiền phái Lâm Tế ở vùng Nam Hà của Việt Nam và có ảnh hưởng sâu sắc đến Phật giáo Nam Hà.

Phạm vi ảnh hưởng rất rộng, bao gồm gần như toàn bộ khu vực Nam Hà vì Thiền phái Lâm Tế được truyền thừa rất sâu rộng. Kể từ đó Thiền phái Lâm Tế được truyền từ đời này sang đời khác cho tới ngày nay và có những cống hiến to lớn cho sự phát triển của Phật giáo Việt Nam.

Trên nền tảng của Thiền hệ Lĩnh Nam của Thiền phái Lâm Tế Trung Quốc, Thiền phái Lâm Tế Việt Nam đã kế thừa giáo lý cũng như tinh thần đó, đồng thời cũng có rất nhiều thay đổi cần thiết để Thiền phái Lâm Tế ngày càng được bản địa hóa và được tín đồ Việt Nam đón nhận.

Đoàn Thị Thanh Dung, NCS TS – Đại học Sư phạm Bắc Kinh – Trung Quốc
Trương Thị Việt Trinh, NCS TSc- – Đại học Sư phạm Bắc Kinh – Trung Quốc

***

Tài liệu tham khảo:
1. (Hậu Hán) Ca-diếp Ma-đằng & Pháp Lan dịch: Tứ thập nhị chương kinh, Đại tạng kinh (tập 17), Đài Loan: xuất bản và phát hành bởi quỹ giáo dục Phật Đà, năm 2011.

2. (Đường) Thích Tịnh Giác: Lăng-già Sư Tư Ký, Đại tạng kinh (Tập 85), Đài Loan: xuất bản và phát hành bởi quỹ giáo dục Phật Đà, năm 2011.

3. (Đường) Huệ Nhiên biên tập: Trấn Châu Lâm Tế Tuệ Chiếu Thiền Sư Ngữ Lục (quyển 1), Đại tạng kinh (tập 47).

4. (Tấn) Tá Thông biên: Ngũ Gia Tôn Chỉ Soán Yếu (quyển thượng), Tục tạng kinh (tập 65), bản năm 2011.

5. (Tống) Phật Đà Thập & Lan Đạo Sinh dịch: Ngũ Phần luật (quyển 69), Đại tạng kinh (tập 22), Đài Loan: xuất bản và phát hành bởi quỹ giáo dục Phật Đà, năm 2011.

6. Bách Trượng Hoài Hải Thiền sư Ngữ Lục, Tục tạng kinh (tập 69), Đài Loan: xuất bản và phát hành bởi quỹ giáo dục Phật Đà, năm 2011.

7. Bồ tát Tịch Thiên tạo tụng & Kiệt Thao đại sư chú: Nhập Bồ Tát Hạnh luận quảng giải (quyển 5), Tạng Ngoại Phật Giáo Văn Hiến (tập 4).

8. Chúa Nguyễn Phúc Chú: Sắc tứ Hà Trung tự Hoán Bích Thiền sư tháp ký minh, Huế: Chùa Quốc Ân, năm 1729.

9. Nguyễn triều Quốc sử quán biên soạn: Đại Nam Liệt truyện Tiền biên, Huế: Thư viện Huế tái bản, năm 1884.

10. Nguyễn triều Quốc sử quán biên soạn: Đại Nam thực lục tiền biên, Huế: Thư viện Huế tái bản, năm 1884.

11. (Việt) Nguyễn Lang: Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, Hà Nội: Nhà xuất bản Văn học, năm 2000.

12. (Việt) Thích Mật Thể: Việt Nam Phật Giáo Sử Lược, Hà Nội: Nhà xuất bản Tôn Giáo, năm 2004.

13. (Việt) Thích Hải Ấn & Hà Xuân Liêm: Lịch sử Phật giáo xứ Huế, TP Hồ Chí Minh: Nhà xuất bản Văn hóa Sài Gòn, năm 2006.

14. Đàm Chí Từ: Chuyết Công hòa thượng – kiều tăng Việt Nam gốc Mân – và sự giao lưu Phật giáo Trung Việt thế kỉ XVII-XVIII, viện lịch sử Đại học Tế Nam, Luận văn Tiến sĩ, năm 2005.

Chú thích:
[1] (Hậu Hán) Ca-diếp Ma-đằng & Pháp Lan dịch: Tứ thập nhị chương kinh, Đại tạng kinh (tập 17), Đài Loan: xuất bản và phát hành bởi quỹ giáo dục Phật Đà, năm 2011, trang 722.

[2](Tống) Phật Đà Thập & Lan Đạo Sinh dịch: Ngũ Phần luật (quyển 69), Đại tạng kinh(tập 22), Đài Loan: xuất bản và phát hành bởi quỹ giáo dục Phật Đà, năm 2011, trang 112.

[3] “Tọa” ở đây là ngồi Thiền, “Tác” ở đây là công việc. Ngồi Thiền và lao động đều quan trọng đối với người tu hành

[4] (Đường) Thích Tịnh Giác: Lăng-già Sư Tư Ký, Đại tạng kinh (Tập 85), Đài Loan: xuất bản và phát hành bởi quỹ giáo dục Phật Đà, năm 2011, trang 1289.

[5]Bách Trượng Hoài Hải Thiền sư Ngữ Lục, Tục tạng kinh (tập 69), Đài Loan: xuất bản và phát hành bởi quỹ giáo dục Phật Đà, năm 2011, trang 7.

[6] (Tấn) Tá Thông biên: Ngũ Gia Tôn Chỉ Soán Yếu (quyển thượng), Tục tạng kinh (tập 65), bản năm 2011, trang 255b

[7] Như trên.

[8] (Đường) Huệ Nhiên biên tập: Trấn Châu Lâm Tế Tuệ Chiếu Thiền Sư Ngữ Lục(quyển 1), Đại tạng kinh(tập 47), trang 500.

[9]Bồ tát Tịch Thiên tạo tụng & Kiệt Thao đại sư chú: Nhập Bồ Tát Hạnh luận quảng giải (quyển 5), Tạng Ngoại Phật Giáo Văn Hiến (tập 4), trang 119.

[10] (Việt) Thích Hải Ấn & Hà Xuân Liêm: Lịch sử Phật giáo xứ Huế, TP Hồ Chí Minh: Nhà xuất bản Văn hóa Sài Gòn, năm 2006, trang 107.

[11] Điều tra thực tế tại chùa Chúc Thánh, tỉnh Quảng Nam, Việt Nam.

[12] (Việt) Thích Hải Ấn & Hà Xuân Liêm: Lịch sử Phật giáo xứ Huế, TP Hồ Chí Minh: Nhà xuất bản Văn hóa Sài Gòn, năm 2006, trang 204.

[13] 12 chữ trong bài kệ được viết ra từ đời thứ 22 của Thiền phái Lâm Tế là của Thiền sư Tuyết Phong Tổ Định.

[14] (Việt) Thích Mật Thể: Việt Nam Phật Giáo Sử Lược, Hà Nội: Nhà xuất bản Tôn Giáo, năm 2004, trang 237.

PDF PRINT

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/thien-phai-lam-te-va-dac-trung-tu-tuong-thien-hoc-cua-thien-phai-lam-te-nam-ha.html