Thị trường phân hóa, bluechip giúp VN-Index tăng điểm

Mặc dù thị trường khá phân hóa và dòng tiền tham gia vẫn thận trọng, nhưng diễn biến hồi phục của nhóm cổ phiếu bluechip đã giúp VN-Index lấy lại đà tăng điểm sau 2 phiên điều chỉnh giảm.

Sau 2 phiên điều chỉnh giảm liên tiếp thị trường đã có những nhịp hồi phục nhẹ trong phiên sáng 6/9, tuy nhiên, các trụ đỡ khá yếu trong khi áp lực bán thường trực trên diện rộng đã khiến VN-Index tạm dừng trong sắc đỏ.

Bước sang phiên giao dịch chiều, thị trường vẫn khá ảm đạm. Sau khoảng hơn 30 phút nỗ lực, sự hồi phục của các cổ phiếu bluechip đã giúp thị trường tìm lại sắc xanh. Đà tăng nới nhẹ biên độ về cuối phiên nhờ diễn biến tích cực hơn ở các cổ phiếu nhóm VN30. Tuy nhiên, trạng thái thị trường không quá tích cực khi thanh khoản vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện và trên bảng điện tử, số cổ phiếu giảm vẫn nhiều hơn số mã tăng.

Về mặt kỹ thuật, diễn biến phiên hôm nay được coi là tích cực khi VN-Index đã bật tăng trở lại khi chạm đường trung bình 20 ngày của chỉ số (MA20), điểm trừ chính là thanh khoản duy trì ở mức thấp cho thấy tâm lý thận trọng vẫn còn.

Đóng cửa, sàn HOSE có 192 mã tăng và 212 mã giảm, VN-Index tăng 5,75 điểm (+0,45%) lên 1.273,96 1.268,21 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 637 triệu đơn vị, giá trị 15.481,7 tỷ đồng, giảm 4,3% về khối lượng và 6,65% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 122,2 triệu đơn vị, giá trị 3.264,9 tỷ đồng.

Nhóm VN30 tích cực hơn khi đóng cửa tăng gần 6,5 điểm với 22 mã tăng và chỉ còn 6 mã giảm. Trong đó, các mã tăng tốt nhất là MSN tăng 2,6%, PLX và VRE cùng tăng 2%, GVR tăng 1,8%..., nhưng đóng góp lớn nhất cho chỉ số chung là cổ phiếu bank - BID với 0,84 điểm, khi kết phiên mã này tăng 1,2%.

Ngược lại, các mã chủ yếu chỉ giảm nhẹ chưa tới 1%, ngoại trừ duy nhất SSB giảm 2,7%.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, cặp đôi nhỏ KPF cad QCG kéo trần thành công và đều kết phiên dư mua trần vài trăm nghìn đơn vị.

Xét về nhóm ngành, trong bộ 3 gồm bank – chứng – thép, nhóm cổ phiếu chứng khoán hồi phục kém tích cực nhất, trong đó VIX vẫn là mã sôi động nhất ngành khi có gần 18 triệu đơn vị khớp lệnh, kết phiên giảm nhẹ 0,8%.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu thép là tăng tốt nhất trong nhóm trụ cột trên. Đáng chú ý nhất là HPG đảo chiều thành công, kết phiên tăng 1,4% lên mức giá cao nhất trong ngày 25.400 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh sôi động nhất thị trường, đạt 22,85 triệu đơn vị. Còn lại HSG và NKG tăng nhẹ trên dưới 0,5%.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng với sắc xanh cũng chiếm chủ đạo nhưng hầu hết chỉ tăng nhẹ, với BID, CTG, STB tăng tốt nhất đều đạt hơn 1%, trong khi VIB, SSB, HDB, SHB, OCB, EIB chưa thoát khỏi trạng thái điều chỉnh giảm. Cặp đôi VPB và MBB lần lượt tăng 0,8% và 0,2%, có giao dịch lớn nhất dòng bank, đạt trên dưới 15 triệu đơn vị.

Nhóm Vingroup kém tích cực hơn phiên hôm qua nhưng vẫn giữ được xu hướng tăng. Trong đó, VRE tăng tốt, đóng cửa tại mức giá cao nhất trong ngày 20.100 đồng/CP, tăng 2%, với thanh khoản thuộc top 10 mã sôi động nhất thị trường, đạt 11,27 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, mặc dù thị trường cũng bật hồi về cuối phiên nhưng lực cầu khá yếu khiến HNX-Index chưa thể đảo chiều khởi sắc.

Đóng cửa, sàn HNX có 69 mã tăng và 74 mã giảm, HNX-Index giảm 0,31 điểm (-0,13%), xuống 234,65 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 43,75 triệu đơn vị, giá trị 825,36 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,68 triệu đơn vị, giá trị 84,5 tỷ đồng.

Cổ phiếu chứng khoán SHS sôi động nhất thị trường với gần 9,8 triệu đơn vị khớp lệnh, nhưng đóng cửa vẫn giảm 2,5% xuống mức 15.600 đồng/CP. Trong khi MBS giảm 1,5% xuống mức 27.100 đồng/CP và khớp 2,51 triệu đơn vị.

Trái lại, một số mã tích cực trong nhóm HNX30 khi đảo chiều hồi phục thành công như TNG tăng 2,7% và khớp 2,66 triệu đơn vị, PVS tăng 1,3% và khớp 2,35 triệu đơn vị…

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, đáng chú ý là DL1 đảo chiều thành công và có thời điểm tăng kịch trần. Kết phiên, cổ phiếu DL1 tăng 5,8% lên mức 7.300 đồng/CP với khối lượng khớp 2,15 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, thị trường duy trì trạng thái lình xình nhẹ dưới mốc tham chiếu.

Đóng cửa, UPCoM-Index giảm 0,1 điểm (-0,11%), xuống 93,37 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 31,52 triệu đơn vị, giá trị 417,64 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,39 triệu đơn vị, giá trị 36,85 tỷ đồng.

Cặp đôi dầu khí là BSR và OIL dẫn đầu thanh khoản thị trường, lần lượt đạt 5,17 triệu đơn vị và gần 2,9 triệu đơn vị. Kết phiên, BSR giảm nhẹ 0,4%, còn OIL giảm 2,8%.

Điểm sáng là các cổ phiếu ngân hàng, trong đó VAB kết phiên tăng 4,4% và khớp hơn 1 triệu đơn vị, BVB tăng nhẹ 0,9%, ABB tăng 1,3%.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều tăng nhẹ, với VN30F2409 tăng 1,3 điểm, tương đương +0,1% lên 1.309 điểm, khớp lệnh hơn 150.930 đơn vị, khối lượng mở gần 47.160 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, phiên này mã CHPG2404 có thanh khoản cao nhất với 4,67 triệu đơn vị khớp lệnh, đóng cửa giảm 40% xuống 30 đồng/cq. Theo sau là CMWG2314 với hơn 3,2 triệu đơn vị khớp lệnh và đóng cửa giảm 1% xuống 1.930 đồng/cq.

T.Thúy

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/thi-truong-phan-hoa-bluechip-giup-vn-index-tang-diem-post353211.html