Thị trường chứng khoán: Áp lực bán khá mạnh, nhưng VN-Index vẫn có tuần phục hồi nhẹ

Thị trường chứng khoán trong nước tuần qua (21 – 25/8) biến động khá mạnh. Áp lực bán vẫn tương đối mạnh khiến VN-Index tiếp tục có những phiên điều chỉnh, nhưng các thông tin hỗ trợ xuất hiện khiến lực cầu bắt đáy gia tăng nên chỉ số ghi nhận một tuần nỗ lực phục hồi nhẹ. Thanh khoản giảm mạnh so với tuần bùng nổ kế trước và một phần cho thấy tâm lý nhà đầu tư thận trọng hơn.

Nối tiếp đà điều chỉnh cuối tuần trước, thị trường chứng khoán trong nước tuần qua (21 – 25/8) tiếp tục chịu áp lực bán mạnh trong những phiên giao dịch đầu tuần.

Chỉ số VN-Index có thời điểm lùi về sâu nhất là sát ngưỡng 1.150 điểm. Tuy vậy, thông tin hỗ trợ liên quan tới việc Ngân hàng Nhà nước hoãn thi hành một số nội dung trong Thông tư 06/2023/TT-NHNN đã kích hoạt lực cầu bắt đáy trong phiên ngày thứ 5 và giúp các chỉ số chứng khoán phục hồi. Mặc dù, điều chỉnh nhẹ trở lại trong phiên giao dịch cuối tuần nhưng chốt tuần chỉ số VN-Index vẫn ghi nhận hồi phục nhẹ +5,4 điểm trong tuần qua, tương đương mức tăng nhẹ +0,46%, đạt ở mức 1.183,37 điểm so với cuối tuần trước.

Xu hướng phục hồi cũng được ghi nhận trên sàn Hà Nội, khi hai chỉ số chính của sàn này đều có một tuần xanh điểm. Theo đó, chỉ số HNX-Index tăng mạnh +2,94% lên mức 242,9 điểm và chỉ số UPCoM-Index tăng +2,0% lên mức 91,01 điểm.

Các cổ phiếu nhóm dịch vụ tài chính chứng khoán cũng có mức độ phục hồi mạnh, nhiều mã vượt đỉnh cũ khi thông tin theo kế hoạch hệ thống KRX sẽ tổ chức kiểm thử đợt cuối cùng trong tháng 11/2023 và dự kiến KRX hoàn thành công tác chuẩn bị hệ thống vào cuối tháng 12/2023 để sẵn sàng triển khai.

Mặc dù thị trường chung biến động mạnh trong tuần qua, nhưng vẫn có nhiều mã, nhóm mã rất tích cực khi tăng giá vượt trội trong tuần qua vượt các vùng giá đỉnh lịch sử, đỉnh cũ như nhóm công nghệ, viễn thông ELC (+13,92%), FRT (+7,20%), CTR (+14,93%)... nhóm hóa chất với DGC (+13,19%), CSV (+7,05%), dược LDP (+22,83%), DMC (+6,97%), DVN (+4,71%)...

Các cổ phiếu nhóm dịch vụ tài chính chứng khoán cũng có mức độ phục hồi mạnh, nhiều mã vượt đỉnh cũ khi thông tin theo kế hoạch hệ thống KRX sẽ tổ chức kiểm thử đợt cuối cùng trong tháng 11/2023 và dự kiến KRX hoàn thành công tác chuẩn bị hệ thống vào cuối tháng 12/2023 để sẵn sàng triển khai. Theo đó, nhóm chứng khoán nổi bật nhất với SSI (+13,78%), SHS (+11,92%), VND (+9,25%), MBS (+8,77%), VCI (+8,46%), BVS (+8,16%)... bên cạnh các mã chịu áp lực điều chỉnh như VFS (-2,61%), PSI (-1,16%), TVS (-0,45%)....

Đồng thời, nhóm cổ phiếu bất động sản được hưởng lợi từ việc Thông tư 06/2023/TT-NHNN được trì hoãn một số nội dung, giúp các doanh nghiệp bất động sản dễ tiếp cận nguồn vốn tín dụng hơn.

Các cổ phiếu nhóm ngân hàng phân hóa mạnh hơn ngoài LPB (+10,74%) nổi bật nhất thì đa số phục hồi với thanh khoản kém như NAB (+4,92%), EIB (+4,35%), TPB (+4,14%)... ngoài ra các mã vẫn chịu áp lực điều chỉnh như KLB (-5,0%), VCB (-3,69%), VPB (-1,94%)...

Các nhóm ngành khác kết thúc tuần đa số đều có diễn biến phục hồi kém tích cực với thanh khoản suy giảm sau tuần giảm điểm mạnh trước.

Thanh khoản bình quân phiên tuần này giảm đáng kể so với tuần trước do tâm lý thận trọng của nhà đầu tư. Giá trị giao dịch bình quân phiên trên 3 sàn đạt 22.835 tỷ đồng, giảm -21,3% so với tuần trước.

Trong tuần, khối ngoại bán ròng mạnh 1.802 tỷ đồng, tăng +82,7% so với tuần trước trên HOSE; trong khi đó mua ròng nhẹ trên HNX với giá trị -29 tỷ đồng và bán ròng -3 tỷ đồng trên UPCoM. Tổng cộng, khối ngoại bán ròng 1.777 tỷ đồng trên cả 3 sàn.

Dù chưa thực sự rõ ràng, nhưng thị trường chứng khoán đang cho thấy những dấu hiệu nhịp điều chỉnh đã vơi dần áp lực. Theo nhiều ý kiến, việc thị trường vận động như trong vài tuần gần đây là diễn biến tất yếu, lành mạnh và cần thiết để thị trường tích lũy thêm nội lực. VN-Index kỳ vọng sẽ có nhịp hồi phục ngắn hạn trước khi hình thành nền tích lũy mới chuẩn bị cho xu hướng tích cực tiếp theo.

Dù tình hình đã khả quan hơn, nhưng thị trường chứng khoán tuần tới (28/8 – 1/9) nhiều khả năng vẫn là sự đan xen giữa các phiên tăng và giảm. Nguyên nhân được cho là sự thận trọng có thể được duy trì khi kỳ nghỉ lễ sắp đến, đồng thời, thị trường sẽ có những vận động mang tính thăm dò để đợi chờ các thông tin vĩ mô được công bố.

Theo các chuyên gia của SHS, thị trường chứng khoán trong ngắn hạn đang có cơ hội hồi phục trước khi tìm đến khu vực cân bằng mới trước ngưỡng kháng cự 1.250 điểm. Các nhà đầu tư ngắn hạn có thể giải ngân nếu VN-Index có tín hiệu tăng trở lại (vượt vùng kháng cự 1.200 điểm với động lực mạnh). Trong trung, dài hạn thị trường đã hình thành xu hướng tăng và mục tiêu VN-Index hướng tới sẽ là khu vực 1.300 điểm.

Chỉ số VN- Index có thể tiếp tục giằng co và tích lũy trong vùng 1.160 - 1.200 điểm với thanh khoản thấp trong tuần giao dịch tới trước khi xác lập xu hướng rõ ràng hơn sau kỳ nghỉ lễ.

Trong khi đó, các chuyên gia của VNDIRECT cho rằng, sau một nhịp giảm điểm khá mạnh của thị trường, tâm lý của nhà đầu tư còn khá thận trọng. Đồng thời, với việc tuần tới là tuần giao dịch cuối cùng trước kỳ nghỉ lễ Tết Độc lập, khó có thể kỳ vọng sự cải thiện đáng kể của dòng tiền, đặc biệt là dòng tiền margin. Vì vậy, chỉ số VN- Index có thể tiếp tục giằng co và tích lũy trong vùng 1.160 - 1.200 điểm với thanh khoản thấp trong tuần giao dịch tới trước khi xác lập xu hướng rõ ràng hơn sau kỳ nghỉ lễ.

Do đó, “chúng tôi cho rằng, nhà đầu tư nên chậm lại quan sát và giữ tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục ở mức vừa phải, hạn chế sử dụng đòn bẩy trong tuần giao dịch trước kỳ nghỉ lễ với xu hướng thị trường chưa được xác lập rõ ràng. Chỉ xem xét mua mới với tỷ trọng nhỏ (hạn chế tối đa dùng đòn bẩy), nếu chỉ số VN-Index về kiểm lại vùng 1.160 điểm” – chuyên gia của VNDIRECT khuyến nghị./.

Thái Duy

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/thi-truong-chung-khoan-ap-luc-ban-kha-manh-nhung-vn-index-van-co-tuan-phuc-hoi-nhe-134723.html