Thị trường bất động sản thực sự có đang 'ngáo giá'?
Gần đây, thị trường bất động sản đang chứng kiến sự tăng giá nhà đất một cách bất thường. Một phần nguyên nhân của hiện tượng này đến từ các chiêu trò 'thổi giá' của những môi giới bất động sản. Với các thủ thuật tinh vi, một số nhóm môi giới không chỉ tạo nên cơn sốt đất ảo mà còn đánh lừa người mua về giá trị thực của tài sản.
Một ngân hàng vừa rao bán hai căn hộ Ciputra với mức giá giảm 58 tỷ đồng. Đây là tài sản đảm bảo cho khoản vay của ngân hàng, nhưng người vay không thể trả nợ. Tổng giá trị hai căn nhà tính theo giá khởi điểm là 242 tỷ đồng. Phiên đấu giá vừa được diễn ra vào ngày 25/11.
Nếu tính theo mức giá khởi điểm trong phiên đấu giá lần một vào tháng 8 vừa qua, hai căn biệt thự có mức giá lần lượt là 518 và 404 triệu đồng/m². Lần đấu giá thứ tư vào ngày 25/11, thì mức giá mỗi căn đã hạ xuống 19%. Trên thị trường, giá mỗi căn biệt thự dự án này đang dao động từ 250 đến 400 triệu đồng/m², theo thông tin rao bán trên các website.
Việc đấu giá tài sản đảm bảo nhưng mức giá đưa ra cao hơn hẳn so với giá thị trường là một quyết định khó hiểu của ngân hàng. Mục đích của bán đấu giá tài sản đảm bảo để thu hồi nợ khi người vay mất khả năng thanh toán, chứ không phải tìm kiếm lợi nhuận cho người vay.
Khi thẩm định giá tài sản đảm bảo để bán đấu giá, người mua có quyền yêu cầu ngân hàng bán theo giá thị trường, để tối ưu số tiền mình có thể thu về. Dù cầm sổ đỏ trong tay, ngân hàng vẫn không thể muốn bán với giá bao nhiêu tùy thích.
Dữ liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, trong 9 tháng của năm 2024, tín dụng bất động sản tăng trưởng 9,15%. Tín dụng bất động sản có hai mảng, mảng cho vay kinh doanh bất động sản và cho vay tiêu dùng bất động sản. Dữ liệu cho thấy, cho vay kinh doanh bất động sản tăng tới 16%, trong khi cho vay tiêu dùng bất động sản chỉ tăng 4,6%, thấp hơn mức tăng tín dụng chung.
9 tháng của năm 2024 cũng là giai đoạn sốt nhà, sốt căn hộ tại Hà Nội. Với mức tăng 4,6%, chứng tỏ giao dịch mua nhà thực sự không khởi sắc.
Với ngân hàng, việc không thể giải chấp tài sản thu hồi khoản vay, khiến họ đối mặt với những khoản nợ xấu khổng lồ, ảnh hưởng đến khả năng hoạt động cũng như đánh giá tín nhiệm của chính họ. Ngoài ra, khi giá bất động sản cao, việc thẩm định giá trị tài sản để cho vay cũng tương đối mạo hiểm. Bởi nếu một ngày giá rớt, thì một loạt khoản vay có tài sản đảm bảo là bất động sản cũng sẽ lâm nguy.
Với người dân, việc tăng giá bất động sản không ngừng nghỉ như vậy đang khiến khả năng có một căn hộ cho mỗi gia đình ngày càng trở nên xa vời.
Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/thi-truong-bat-dong-san-thuc-su-co-dang-ngao-gia-284848.htm