Thị trường bánh trung thu: Khởi động sớm và nỗi lo an toàn thực phẩm
Mặc dù còn hơn một tháng nữa mới đến Tết Trung thu 2024 nhưng thời điểm này các doanh nghiệp, siêu thị, trung tâm thương mại… đã bày bán đủ các loại bánh nướng, bánh dẻo với mẫu mã, giá cả đa dạng. Sự phong phú của bánh trung thu cũng là điều người tiêu dùng cần lưu ý, tránh mua phải sản phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, gây ngộ độc…
Giá nào cũng có
Không chỉ được bày bán tại các trung tâm thương mại, siêu thị, trên nhiều tuyến phố ở Hà Nội các doanh nghiệp chuyên làm bánh trung thu đã dựng ki-ốt để bày bán các loại bánh. Phần lớn các quầy bánh đã mở bán là của nhãn hiệu bánh trung thu quen thuộc với thị trường trong nước… Bên cạnh đó, trên các nền tảng mạng xã hội, bánh trung thu cũng bắt đầu được quảng cáo để nhắm tới các đối tượng khách hàng khác nhau. Theo đó, bên cạnh thương hiệu uy tín còn có các loại bánh trung thu handmade, hoặc bánh trung thu dành riêng cho những người ăn kiêng, ăn chay…
Theo khảo sát của phóng viên, thời điểm này, thị trường bánh trung thu chưa sôi động, dù các doanh nghiệp đã bày bán nhiều loại bánh. Đặc biệt, các doanh nghiệp sản xuất lớn đã đưa ra nhiều mẫu mã bắt mắt, vỏ hộp được làm cầu kỳ để phục vụ nhu cầu biếu, tặng. Tham gia vào phân khúc này, có sự cạnh tranh của các thương hiệu bánh trung thu của các nhà hàng, khách sạn 4 - 5 sao.
Bánh của các thương hiệu tên tuổi dù giá cao vẫn có lượng khách hàng riêng với nhu cầu lớn dành cho biếu, tặng và dòng bánh này cũng đang chạy đua kéo khách. Khách sạn Sheraton Saigon Grand Opera ra mắt bộ sưu tập bánh trung thu hạng sang, với giá từ gần 1,5 triệu đến gần 3 triệu đồng, tùy phiên bản hộp. Tại The Reverie Saigon, khách sạn này từ tháng 7 đã tung ra thị trường nhiều hộp quà tặng trung thu có giá thấp nhất gần 1,4 triệu đồng, cao nhất khoảng 2,5 triệu đồng. Nhìn chung, các thương hiệu bánh trung thu cao cấp năm nay giá tăng nhẹ so với năm ngoái.
Ngoài ra thị trường còn có sự tham gia của các thương hiệu FnB như Highlands, The Coffee House, Cộng Cafe và hệ thống khách sạn lớn… với nhiều hương vị khác nhau. Đồng thời không thể không nhắc tới những loại bánh trung thu nhập khẩu.
Ở phân khúc bình dân, xác định năm nay kinh tế vẫn khó khăn, chi tiêu của người tiêu dùng có phần dè xẻn, nên các doanh nghiệp cũng gia tăng sản xuất các loại bánh trung thu có giá cả hợp với nhu cầu tiêu dùng của đại đa số người dân.
Công ty Kinh Đô Mondelez tung ra thị trường bộ sưu tập sản phẩm hàng chục hương vị khác nhau cùng với nhiều thiết kế mẫu mã sang trọng, bắt mắt với các dòng bánh Trăng Vàng, bánh Lava, bánh ăn kiêng... Giá bánh dao động từ 60.000-80.000 đồng/chiếc. Trong khi đó, Bibica mang đến 10 sự lựa chọn về hương vị từ bánh mặn, bánh ngọt cho đến bánh dẻo với chiến lược giá bình ổn, tập trung vào phân khúc bình dân đến tầm trung, dao động từ 50.000-70.000 đồng/chiếc.
Với thương hiệu Hữu Nghị, năm nay, doanh nghiệp cho ra mắt bộ sưu tập bánh trung thu Momiji - Hương vị mùa thu độc đáo, trong diện mạo trẻ trung với bao bì được thiết kế mang màu xanh kết hợp với hình tượng chú Thỏ Ngọc đáng yêu, bộ sưu tập Momiji hứa hẹn sẽ mang đến trải nghiệm hương vị ấn tượng cùng những chiếc bánh nhân Lava tan chảy, độc đáo cùng với hương vị được giới trẻ ưa chuộng như sữa chua cranberry, phô mai sen nhuyễn, trà sữa trân châu đen, trứng muối hoa đậu biếc...
Sau những mùa Tết Trung thu vừa qua, thực tế cho thấy, đa số người tiêu dùng vẫn thích các loại bánh trung thu truyền thống. Trải nghiệm của người tiêu dùng với các loại bánh trung thu “pha trộn” nhiều loại thực phẩm đem lại cảm giác lạ, nhưng nhiều người vẫn không quen. Bà Nguyễn Thị Bích Vân - Giám đốc Truyền thông của Central Retail Việt Nam, cho biết điểm mới của các dòng bánh trung thu do các siêu thị thuộc tập đoàn này cung cấp, ngoài giá bình dân còn có việc giảm 30% lượng đường so với năm ngoái, hạn chế tối đa chất bảo quản, khuyến khích người tiêu dùng sử dụng bánh tươi được sản xuất theo ngày.
Theo ông Trần Lệ Nguyên - Tổng giám đốc Tập đoàn KIDO, trước mùa bánh trung thu 2024, doanh nghiệp đã khảo sát rất nhiều ý kiến từ khách hàng đại diện nhiều thế hệ khác nhau. Trong đó, 50% ý kiến cho rằng họ yêu thích bánh trung thu truyền thống bởi gợi nhớ đến nguồn cội, những khoảnh khắc sum vầy cùng gia đình. Riêng 50% còn lại có xu hướng yêu thích các sản phẩm trung thu hiện đại du nhập từ các doanh nghiệp ngoại. KIDO đã quyết định đưa sản phẩm rẽ theo 2 hướng đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng của mình.
Thận trọng khi mua và sử dụng bánh
Thực tế cho thấy, thị trường bánh trung thu đa dạng, bên cạnh những cơ sở sản xuất bánh uy tín, còn có rất nhiều cơ sở sản xuất thủ công, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đặc biệt, nhiều loại bánh trung thu được bán trên mạng xã hội hay sàn giao dịch điện tử không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Hiện tượng ngộ độc sau khi ăn bánh trung thu cũng không phải chuyện hiếm. Mới đây, tại TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai), một trường hợp trẻ 15 tuổi được đưa vào bệnh viện địa phương cấp cứu trong tình trạng tím tái, bất tỉnh sau khi ăn 2 chiếc bánh trung thu.
Bác sĩ Hoàng Thanh Bình - Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đại học Y Dược Shing Mark - đơn vị cấp cứu cho cháu bé trên, khuyến cáo: Người dân cần thận trọng khi mua và sử dụng thực phẩm, đặc biệt là các loại bánh kẹo không rõ nguồn gốc; Nếu có tiền sử dị ứng thực phẩm, cần thông báo cho người bán và kiểm tra kỹ thành phần của sản phẩm trước khi ăn; Khi xuất hiện các triệu chứng bất thường như: nổi mẩn, ngứa, khó thở, buồn nôn, đau bụng…, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), người tiêu dùng khi lựa chọn, sử dụng bánh trung thu cần trang bị cho mình kiến thức trong lựa chọn, sử dụng bánh để đảm bảo sử dụng bánh an toàn nhất cho bản thân, gia đình. Lựa chọn sản phẩm phải có nguồn gốc rõ ràng; không sử dụng phụ gia thực phẩm ngoài danh mục, không đúng đối tượng, liều lượng theo quy định; lựa chọn các nhà sản xuất đáp ứng được các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm.
Đồng thời, sản phẩm phải ghi ngày sản xuất, thời hạn sử dụng, còn hạn sử dụng; được bày bán ở những địa điểm kinh doanh xác định, đáp ứng các yêu cầu về điều kiện kinh doanh thực phẩm như có đủ trang thiết bị che đậy tránh bụi bẩn, mưa nắng, côn trùng xâm nhập, bảo quản đúng quy định trên nhãn sản phẩm của nhà sản xuất.
Người tiêu dùng phải sử dụng cảm quan để đánh giá bảo đảm sản phẩm không bị dập nát biến dạng, bao bì không rách, không có màu sắc khác thường, không bị thiu, ẩm mốc, hư hỏng và không có mùi khác lạ. Tuyệt đối không lựa chọn, mua sản phẩm trôi nổi, không có nguồn gốc, hàng hết hạn sử dụng, bao bì rách, sản phẩm biến dạng, hàng lậu.
Hà Nội siết quản lý an toàn thực phẩm dịp Tết Trung thu
UBND thành phố Hà Nội vừa có kế hoạch bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Trung thu trên địa bàn thành phố năm 2024. Theo đó, từ ngày 5/8 đến 20/9, các sở, ngành liên quan và UBND các cấp huyện, cấp xã tăng cường tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức và thực hành cho người sản xuất, người kinh doanh, người tiêu dùng thực phẩm trong dịp Tết Trung thu.
Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, tuyên truyền thực hiện nghiêm các quy định về điều kiện vệ sinh cơ sở, trang thiết bị dụng cụ, kiến thức, thực hành của người trực tiếp tham gia sản xuất thực phẩm, chế biến thực phẩm; quy định về nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm, quy định về sử dụng phụ gia, hương liệu, bao bì thực phẩm, ghi nhãn sản phẩm, đăng ký bản công bố sản phẩm/tự công bố sản phẩm, bảo quản sản phẩm thực phẩm; điều kiện vệ sinh nơi bày bán sản phẩm, nhập khẩu sản phẩm thực phẩm, công bố sản phẩm; tuyệt đối không bán bánh quá hạn sử dụng, bánh mốc, không đảm bảo an toàn thực phẩm.
Các quận, huyện, thị xã chủ động tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra chuyên ngành hoặc liên ngành kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Trung thu năm 2024 tại các xã, phường, thị trấn; kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh do-anh, chế biến thực phẩm đã được phân cấp trên địa bàn; truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm không bảo đảm an toàn; tổ chức ký cam kết trách nhiệm bảo đảm an toàn thực phẩm với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo quy định.
T.H