Thi học sinh giỏi cấp THCS: Thay đổi để phù hợp

Kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh năm nay sẽ có những thay đổi, để phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 được áp dụng đối với toàn bộ các khối lớp. Trong đó, môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử, Địa lý nhận được nhiều sự quan tâm về phương án thi, cách thức ra đề, chọn đội tuyển từ các trường.

Quận Gò Vấp (TPHCM) tặng giấy khen và tuyên dương học sinh đạt giải học sinh giỏi lớp 9 cấp thành phố năm học 2023-2024. Ảnh: Phan Ny.

Quận Gò Vấp (TPHCM) tặng giấy khen và tuyên dương học sinh đạt giải học sinh giỏi lớp 9 cấp thành phố năm học 2023-2024. Ảnh: Phan Ny.

Bài thi gồm 2 phần bắt buộc và tự chọn

Ngay sau khai giảng, Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) TPHCM đã ban hành hướng dẫn tổ chức thi chọn học sinh giỏi lớp 9, 12 cấp thành phố năm học 2024-2025. Theo đó, kỳ thi học sinh giỏi lớp 9 cấp thành phố bao gồm các môn: Ngữ văn, Lịch sử và Địa lý, Toán, Khoa học tự nhiên, Tin học, Tiếng Anh, Tiếng Pháp, Tiếng Trung, Tiếng Nhật, Công nghệ (định hướng công nghiệp), Công nghệ (định hướng nông nghiệp). Thời gian làm bài thi 120 phút. Ngày thi: 14/3/2025.

Môn Khoa học tự nhiên có 2 phần: Phần bắt buộc (chiếm 30% số điểm) kiến thức chung; Phần tự chọn (chiếm 70% số điểm) học sinh được lựa chọn 1 trong 3 mạch nội dung sau: Chất và sự biến đổi của chất, trái đất và bầu trời; Năng lượng và sự biến đổi, trái đất và bầu trời; Vật sống, trái đất và bầu trời. Môn Lịch sử và Địa lý học sinh được lựa chọn 1 trong 2 phân môn: Lịch sử, Địa lý. Môn Tin học thi lập trình trên máy vi tính. Các môn ngoại ngữ có phần thi kỹ năng nghe.

Riêng về tỷ lệ học sinh đạt giải, TPHCM quy định không quá 60% số học sinh dự thi (trong đó học sinh đạt giải nhất không quá 5% số học sinh đạt giải) và điều kiện xếp giải từ 10 điểm trở lên.

Đối với tỉnh Khánh Hòa, kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp THCS có 7 môn thi gồm: Toán, Khoa học tự nhiên, Ngữ văn, tiếng Anh, tiếng Pháp, Tin học, Lịch sử và Địa lý. Trong đó, đối với môn tích hợp, đề thi sẽ được thiết kế bao gồm kiến thức của từng phân môn với số lượng câu hỏi phù hợp. Sẽ có 2 phần gồm phần bắt buộc (chiếm 60% tổng số điểm) và phần tự chọn (chiếm 40% tổng số điểm)…

Thông tin sớm để chủ động

Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, ông Hà Xuân Nhâm - Trưởng phòng Giáo dục trung học (Sở GDĐT Hà Nội) thông tin, hiện Sở đang xây dựng phương án thi học sinh giỏi lớp 9, sẽ sớm công bố để các nhà trường chủ động trong việc dạy học và ôn tập. Về số lượng các môn thi sẽ căn cứ theo các môn học có trong Chương trình GDPT 2018.

Về cấu trúc đề thi môn tích hợp có bao gồm phần chung, phần tự chọn như một số Sở GDĐT đã công bố, ông Hà Xuân Nhâm cho biết, khi công bố phương án thi sẽ đồng thời công bố chi tiết về cấu trúc bài thi. Nội dung thi nằm trong Chương trình GDPT 2018 theo định hướng đánh giá năng lực tư duy và vận dụng thực tiễn của học sinh, như mục tiêu của Chương trình đặt ra. Các nhà trường căn cứ vào đó để tổ chức ôn tập và dạy học, tổ chức kiểm tra đánh giá, tuyển chọn học sinh giỏi dự thi.

Như vậy, khác với các kỳ thi chọn học sinh giỏi tỉnh, thành phố cấp THCS những năm trước chỉ thi đơn môn thì năm nay, học sinh lớp 9 đã được học theo Chương trình GDPT mới ban hành năm 2018 với môn học tích hợp nên nhiều địa phương quyết định tổ chức thi môn tích hợp. Điều này tác động đến việc ra học và ra đề thi, cách thức tổ chức chọn học sinh giỏi của các trường. Trong khi chờ Sở GDĐT hướng dẫn về cách thức tổ chức thi học sinh giỏi lớp 9, nhiều trường đã bắt đầu khởi động chọn học sinh giỏi để tiến hành bồi dưỡng.

Khó khăn đối với môn tích hợp đang đặt ra đó là nên thực hiện khảo sát để thành lập đội tuyển theo hướng nào? Học sinh sẽ làm bài thi theo hướng đơn môn hay môn tích hợp vì cách làm nào cũng có ưu và nhược điểm. Chẳng hạn, nếu thi đơn môn sẽ có căn cứ xác định thế mạnh từng em nhưng nếu bài thi chính thức cấp tỉnh, thành phố là bài thi tích hợp thì cách làm này chưa ổn. Ngược lại, nếu tổ chức bài thi tích hợp, trong đó có phần tự chọn thì cũng khó để thấy rõ thế mạnh của từng học sinh để tập trung bồi dưỡng.

Ông Huỳnh Duy Linh - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Lương Bằng (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) cho biết, sách giáo khoa môn Khoa học tự nhiên đang tổ chức theo chuyên đề tuyến tính. Do đó, nhìn vào cấu trúc chương trình học, các trường sẽ chủ động được trong xây dựng kế hoạch bồi dưỡng học sinh giỏi của Chương trình GDPT 2018. Để đảm bảo kiến thức ôn luyện, nhà trường dự kiến môn Khoa học tự nhiên có 3 giáo viên đơn môn dạy bồi dưỡng. Tương tự, môn Lịch sử và Địa lý do 2 giáo viên đảm nhận.

Đây cũng là cách làm được nhiều trường triển khai hiện nay trong bối cảnh việc dạy môn tích hợp ở các trường THCS vẫn do 2, 3 giáo viên cùng đảm nhận dù việc tập huấn, bồi dưỡng đã được thực hiện nhưng vẫn chưa thể bù lấp được khoảng trống trong đào tạo đơn môn trước đó, cần thêm thời gian để giáo viên làm quen và tự học, tự bổ sung kiến thức.

Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GDĐT), hiện Bộ GDĐT chỉ quy định thi học sinh giỏi ở cấp THPT, chưa có quy định ở cấp THCS. Việc thi môn gì, thời gian, địa điểm, coi thi, chấm thi... như thế nào theo phân cấp là thẩm quyền của các tỉnh, Bộ không can thiệp. Nếu tổ chức thi học sinh giỏi, các Sở cứ tổ chức thi theo môn học trong chương trình. Như vậy với chương trình 2018, thi học sinh giỏi các môn tích hợp có thể thấy được năng lực tổng hợp của học sinh.

Lâm An

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/thi-hoc-sinh-gioi-cap-thcs-thay-doi-de-phu-hop-10290919.html