Thêm sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số

Giảm phát thải khí nhà kính (GPTKNK) từ phá rừng và suy thoái rừng (REDD) có tiềm năng to lớn, không chỉ mang lại lợi ích trực tiếp về giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính mà còn tác động tích cực cho bảo tồn đa dạng sinh học rừng, xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy phát triển bền vững và bước đầu giúp hàng chục ngàn hộ dân đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực Bắc Trung Bộ có thêm sinh kế...

Cuối năm 2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định 107/2022/NĐ-CP về việc thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả GPTKNK vùng Bắc Trung bộ (ERPA).

Cộng đồng thôn bản ở xã Thượng Nhật (huyện Nam Đông) tuần tra bảo vệ rừng ở khu vực được giao khoán.

Theo Nghị định, chuyển nhượng kết quả GPTKNK là việc Bộ NN&PTNT chuyển quyền sở hữu lượng GPTKNK từ rừng tự nhiên cho Quỹ Đối tác carbon lâm nghiệp ủy thác qua Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế theo ERPA, bao gồm lượng giảm phát thải ký kết 10,3 triệu tấn CO2 và lượng giảm phát thải bổ sung tối đa 5 triệu tấn CO2 (nếu có). Đây là một bước ngoặt làm tiền đề cho việc khai thác tiềm năng nguồn tài nguyên mới mang tên carbon. Theo nhận định của các chuyên gia, với 14,7 triệu ha rừng, độ che phủ ở mức 42%, Việt Nam được nhận định còn nhiều tiềm năng thuận lợi và đang tiếp tục triển khai nhiều chương trình để đẩy nhanh thực hiện chuyển nhượng carbon rừng.

Theo phân tích của các chuyên gia, hàng năm, lượng khí thải từ phá rừng và suy thoái rừng ở các nước đang phát triển chiếm khoảng 20% so với tổng lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính trên toàn cầu. Trước tình hình đó, sáng kiến REDD được hình thành từ ý tưởng ban đầu là trả tiền cho các nước đang phát triển để làm giảm phát thải khí CO2 từ ngành rừng mà một phần nguyên nhân là do nạn phá rừng và suy thoái rừng...

Tại hội nghị triển khai kế hoạch chi trả GPTKNK tại tỉnh Thừa Thiên Huế vào chiều 15/12, ông Trần Quốc Cảnh, Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, việc bán 10,3 triệu tấn carbon đầu tiên của Việt Nam trong việc giảm phát thải từ rừng đã nhận được 80% tổng kinh phí (tức hơn 41 triệu USD). Đây là thỏa thuận đầu tiên về chi trả GPTKNK được triển khai thành công tại 6 tỉnh của khu vực Bắc Trung Bộ. Số tiền này, Trung ương sẽ chuyển toàn bộ về các địa phương tham gia để chi trả cho các chủ rừng và cộng đồng quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, việc chuyển nhượng sẽ được thực hiện đến ngày 31/12/2025.

Thừa Thiên Huế là một trong 6 tỉnh được tham gia thí điểm ERPA với Ngân hàng Thế giới (WB). Đây là hoạt động chi trả giảm phát thải dựa vào kết quả, tiến tới triển khai toàn diện về dịch vụ môi trường theo quy định. Qua đó, huy động thêm nguồn thu cho công tác quản lý bảo vệ rừng và phát triển rừng của tỉnh. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thừa Thiên Huế đang đẩy mạnh các hoạt động liên quan nhằm xây dựng chính sách, quy định, hợp tác phát triển thị trường carbon rừng, góp phần quản lý, bảo vệ rừng hiệu quả, thúc đẩy kinh tế lâm nghiệp phát triển… Dự kiến, nguồn thu từ kết quả giảm phát thải khí nhà kính của tỉnh thực hiện chi trả cho 100% diện tích rừng tự nhiên của tỉnh với 205 ngàn ha. Dựa trên diện tích rừng tự nhiên theo kết quả điều tra, kiểm kê rừng hàng năm và kết quả hấp thụ giảm phát thải của rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh, số tiền quỹ Trung ương điều phối cho tỉnh Thừa Thiên Huế trong 3 năm (2023 - 2025) là khoảng 5,609 triệu USD (tương đương 131 tỷ đồng). Trong đó, năm 2023 tỉnh được điều phối số tiền hơn 37 tỷ đồng để thực hiện chi trả thông qua tài khoản ngân hàng, hoặc đơn vị cung ứng dịch vụ bưu chính công ích cho 800 chủ rừng, gồm 721 chủ rừng là cộng đồng, nhóm hộ, hộ gia đình, 11 chủ rừng là tổ chức, 58 UBND xã và 10 tổ chức khác có rừng tự nhiên.

Bên cạnh đó, nhiều cộng đồng dân cư, thôn, bản tham gia thỏa thuận quản lý rừng với các chủ rừng là tổ chức sẽ được hỗ trợ kinh phí phát triển sinh kế lên đến 50 triệu đồng/cộng đồng/năm và chi phí khoán bảo vệ rừng lên đến 90% nguồn tiền được ERPA chi trả của các chủ rừng là tổ chức. Mức khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng dân cư tham gia thỏa thuận hoạt động quản lý rừng với chủ rừng là tổ chức sẽ được chi trả từ 300 - 450 nghìn đồng/ha phụ thuộc vào khu vực rừng nhận khoán nằm trong hay ngoài các lưu vực chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng trước đây.

Những ngày cuối năm 2023, hàng trăm chủ rừng cộng đồng, nhóm hộ, hộ gia đình tham gia bảo vệ, quản lý rừng tại các huyện: A Lưới, Nam Đông, Phong Điền, Phú Lộc (chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số) rất vui mừng khi từ nay họ có thêm nguồn sinh kế được chi trả từ nguồn thu GPTKNK. Cộng đồng dân cư thôn A-Tin (xã Thượng Nhật, huyện Nam Đông) có 721 hộ đồng bào dân tộc thiểu số tham gia quản lý bảo vệ rừng tự nhiên trên địa bàn vừa hoàn tất hồ sơ để nhận thêm khoản tiền lớn trong việc bảo vệ, giữ rừng từ nguồn thu GPTKNK. Ông Ta Rương Don (trú thôn A-Tin, xã Thượng Nhật) cho biết, trước đây, trên địa bàn xã Thượng Nhật xảy ra nhiều vụ phá rừng nhưng những năm gần đây, khi cộng đồng thôn, bản, người dân tham gia bảo vệ, giữ rừng do các cơ quan, tổ chức giao khoán thì tình trạng chặt phá rừng đã giảm rất nhiều. Từ đó, những cánh rừng tự nhiên được bảo vệ và người dân trên địa bàn có thêm việc làm, có thêm thu nhập khi được Nhà nước trả tiền công chăm sóc, bảo vệ rừng giúp đời sống bà con ngày càng được nâng lên...

Ông Nguyễn Tất Tùng, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết nếu khai thác được hết tiềm năng từ bán tín chỉ các bon rừng, chắc chắn rừng ở tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng, cả nước nói chung sẽ được quản lý bền vững, vốn rừng ngày càng được tăng lên góp phần vào công cuộc chống biến đổi khí hậu tại Việt Nam và trên thế giới. Nguồn lực này cũng sẽ giảm áp lực cho việc sử dụng ngân sách nhà nước chi cho công tác bảo vệ rừng tại các địa phương. Đặc biệt, nguồn tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng từ nguồn GPTKNK sẽ là nguồn tài chính bổ sung quan trọng góp phần hỗ trợ các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng thôn, bản trên địa bàn tỉnh nâng cao đời sống, đảm bảo cuộc sống nhờ rừng, hỗ trợ tăng cường năng lực quản lý bảo vệ rừng. Đồng thời, đây sẽ nguồn tài chính hỗ trợ cấp thiết đầu tư các công trình, trang thiết bị hiện đại phục vụ công tác bảo vệ rừng góp phần gia tăng hiệu quả giảm mất rừng, phát triển rừng bền vững.

Hải Lan

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/kinh-te/them-sinh-ke-cho-dong-bao-dan-toc-thieu-so-i717314/