Thế giới 'Sức mạnh con người' có thể giúp vượt qua Covid-19 và thách thức về khí hậu

TTH - Từ ngày 21-27/9, Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ) khóa 76 (UNGA 76) diễn ra tại trụ sở của LHQ ở New York, Mỹ. Đây là sự kiện đa phương thường niên lớn nhất hành tinh, với sự tham dự của hơn 100 lãnh đạo và quan chức cấp cao của 132 quốc gia trên toàn thế giới, bao gồm Việt Nam, sẽ cùng nhau thảo luận nhằm chia sẻ quan điểm và tìm giải pháp cho các vấn đề toàn cầu, trong đó tập trung vào đại dịch COVID-19 và biến đổi khí hậu.

Tuần lễ cấp cao Kỳ họp Đại hội đồng LHQ khóa 76 (UNGA 76) diễn ra từ ngày 21-27/9, quy tụ hơn 100 lãnh đạo và quan chức cấp cao của 132 quốc gia trên toàn thế giới. Ảnh: Getty

Thời điểm khó khăn của thế giới

Theo LHQ, kỳ họp năm nay được tổ chức theo hình thức kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp, phản ánh những ngày đen tối nhất của đại dịch, “khi nhiều thành phố vẫn bị đóng cửa và bao phủ

vaccine vẫn là một giấc mơ”.

Trong bài phát biểu đầu tiên trước Đại hội đồng LHQ trên cương vị Tổng thống Mỹ, ngày 21/9, ông Joe Biden đã đề cập đến những tổn thất to lớn trên toàn thế giới do đại dịch COVID-19, từ sinh mạng con người cho đến tác động kinh tế, xã hội. Tổng thống Biden khẳng định, thế giới đang ở thời điểm sẽ quyết định tương lai của tất cả các quốc gia.

Về vấn đề này, Chủ tịch UNGA 76 Abdulla Shahid chỉ ra rằng, thế giới hiện đã có vaccine ngừa COVID-19, có thuốc men và khả năng phân phối, nhưng “chỉ thiếu sự hỗ trợ chính trị”, và bất bình đẳng trong việc phân phối và tiếp cận với vaccine vẫn là vấn đề nhức nhối.

Theo Reuters, cơ chế tiếp cận toàn cầu với vaccine ngừa COVID-19 (COVAX) ước tính chỉ phân phối được 1,4 tỷ liều vaccine vào cuối năm 2021, ít hơn đáng kể so với mục tiêu 2 tỷ liều đã được đề ra đầu năm nay.

Cùng với COVID-19, khí hậu là một trong những chủ đề được quan tâm nhất tại kỳ họp UNGA 76, trong bối cảnh ngày càng có nhiều những bằng chứng khoa học cho thấy thế giới có thể thất bại trước mục tiêu kiềm chế nhiệt độ trái đất không tăng quá 1,50C so với thời tiền công nghiệp.

Và bất chấp những đổi mới đáng kinh ngạc trong năng lượng tái tạo, công nghệ thích ứng và chuyển đổi sang sử dụng năng lượng sạch, Chủ tịch UNGA 76 thừa nhận những hỗ trợ chính trị và tài chính liên quan đến việc ứng phó với biến đổi khí hậu vẫn đang thiếu hụt. Ông Shahid cũng nêu rõ tầm quan trọng của việc tái tập trung sự chú ý vào cuộc khủng hoảng khí hậu, sau những tình huống khẩn cấp mà đại dịch COVID-19 gây ra.

Đã đến lúc tạo ra “con đường mới”

Theo Chủ tịch Đại hội đồng Shahid, những thách thức về đại dịch, về biến đổi khí hậu, hay xung đột, nạn đói… khiến người dân trên toàn thế giới phải “tỉnh giấc giữa đêm”, gây ra sự lo lắng rằng mọi thứ đang dần trở nên tồi tệ hơn.

Chỉ ra nhân loại đang sống trong một thời điểm mang tính “bước ngoặt”, ông nói: “Chúng ta có thể chọn con đường của chủ nghĩa cô lập, hủy diệt lẫn nhau..., hoặc chúng ta có thể cùng nhau xây dựng một con đường mới, một con đường bền vững và kiên cường làm thay đổi tương lai của hành tinh chúng ta”. Theo ông, sức mạnh con người có thể giúp vượt qua những thách thức và trở ngại này, hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn.

Đồng quan điểm với ông Shahid, Tổng thư ký LHQ António Guterres cũng cho rằng, đây là thời điểm để thay đổi, là kỷ nguyên để kích hoạt lại chủ nghĩa đa phương mạnh mẽ hơn, kết nối hơn và bao trùm hơn, bao gồm các “nền tảng khẩn cấp” mới, sẵn sàng cho khủng hoảng, các phương pháp tiếp cận mạnh mẽ hơn đối với các vấn đề toàn cầu.

Với vấn đề khí hậu, Tổng thư ký Guterres kêu gọi các quốc gia cần thể hiện tham vọng lớn hơn trong các lĩnh vực chính là giảm thiểu lượng phát thải, tăng cường tài chính và các kế hoạch thích ứng, bao gồm cam kết trung lập carbon vào năm 2050 và cung cấp kinh phí để hỗ trợ các quốc gia đang phát triển.

Trong một động thái mới nhất, Tổng thống Mỹ Biden khi phát biểu trước các lãnh đạo thế giới ngày 21/9 đã cam kết sẽ làm việc với Quốc hội Mỹ để tăng gấp đôi các nguồn tài chính công của nước này từ năm 2024 lên 11,4 tỷ USD mỗi năm để giúp các quốc gia đang phát triển đối phó với biến đổi khí hậu. Khoản tài trợ này sẽ giúp đạt được mục tiêu toàn cầu đặt ra cách đây hơn một thập kỷ là 100 tỷ USD mỗi năm để hỗ trợ hành động khí hậu ở các nước dễ bị tổn thương từ năm 2020.

Một báo cáo được công bố trước thời điểm Tổng thống Biden đưa ra cam kết mới của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế cho biết nhìn chung, các nước giàu không đạt được mục tiêu 100 tỷ USD, khi chỉ đóng góp 79,6 tỷ USD vào năm 2019.

TỐ QUYÊN

(Tổng hợp & lược dịch từ UN, CNN, Reuters & TTXVN)

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/suc-manh-con-nguoi-co-the-giup-vuot-qua-covid-19-va-thach-thuc-ve-khi-hau-a104812.html