Tháo gỡ điểm nghẽn, phát triển hạ tầng
ĐBSCL đang bước vào giai đoạn phát triển hạ tầng mạnh mẽ với loạt công trình giao thông trọng điểm, tuyến cao tốc liên vùng và các dự án khu, cụm công nghiệp.
Tuy nhiên, thách thức lớn đặt ra là tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nguồn vật liệu san lấp, đắp nền, làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án.
Hiện nay, nhiều công trình trọng điểm, trong đó có các tuyến cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang - Cà Mau, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng… cùng hàng loạt tuyến đường ven biển, hạ tầng logistics ở ĐBSCL đang đặt ra nhu cầu rất lớn về vật liệu san lấp, đắp nền.
Trong xây dựng, đặc biệt là với khu vực ĐBSCL - vốn có nền đất yếu, cát là vật liệu đóng vai trò rất quan trọng. Hầu hết các công trình ở đây đều cần cát để gia cố nền móng. Việc thiếu hụt nguồn cung cát nói riêng, vật liệu san lấp, đắp nền nói chung, không chỉ ảnh hưởng đến tiến độ dự án mà còn làm tăng chi phí đầu tư.
Những năm gần đây, nguồn cát sông tự nhiên tại ĐBSCL ngày càng cạn kiệt. Các địa phương như An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long đã giảm đáng kể trữ lượng cát sông do khai thác kéo dài. Việc siết chặt quản lý khai thác để hạn chế sạt lở cũng góp phần làm nguồn cung vật liệu này thu hẹp. Trong khi đó, nhu cầu san lấp, đắp nền ngày càng cao, dẫn đến giá cát, vật liệu leo thang và xuất hiện tình trạng đầu cơ, thao túng thị trường.
Trước thực trạng này, cần có những giải pháp tổng thể để bảo đảm nguồn cung vật liệu san lấp, đắp nền phục vụ phát triển hạ tầng. Trước hết, việc tận dụng nguồn cát biển và vật liệu thay thế cần được đẩy mạnh. Một số dự án đã thử nghiệm sử dụng cát biển sau khi xử lý tạp chất. Tro bay từ nhà máy nhiệt điện và xỉ thép cũng là lựa chọn thay thế tiềm năng. Nếu bảo đảm quy chuẩn, tiêu chuẩn, an toàn về môi trường và được ứng dụng rộng rãi, đây có thể là giải pháp hữu hiệu.
Bên cạnh đó, cần có chính sách quản lý khai thác cát hợp lý theo hướng liên kết vùng. Thay vì để các địa phương tự xoay xở, Chính phủ đã có cơ chế đặc thù cung cấp cát sông cho các nhà thầu thi công công trình trọng điểm. Song, cần có cơ chế chung điều tiết nguồn cát từ nơi có trữ lượng lớn đến khu vực đang triển khai công trình trọng điểm.
Ngoài ra, việc nghiên cứu và phát triển vật liệu xây dựng mới, tái chế vật liệu từ phế thải xây dựng cũng cần được chú trọng. Trên thế giới, nhiều nước đã thành công trong việc sử dụng bê tông cũ tái chế, vật liệu nhân tạo thay thế cát tự nhiên. Nếu có chính sách khuyến khích và đầu tư bài bản, đây sẽ là hướng đi bền vững cho ngành xây dựng Việt Nam.
Thiếu hụt vật liệu san lấp, đắp nền đang là thách thức lớn đối với việc phát triển hạ tầng ở ĐBSCL. Nếu không có giải pháp hiệu quả, các dự án giao thông trọng điểm nói riêng, dự án hạ tầng nói chung, có nguy cơ bị đình trệ, ảnh hưởng đến việc giải ngân vốn đầu tư công cũng như tăng trưởng kinh tế của toàn vùng và cả nước.
Việc kết hợp nhiều giải pháp, từ tận dụng nguồn cát thay thế, quản lý khai thác hiệu quả đến phát triển vật liệu mới, sẽ giúp tháo gỡ điểm nghẽn về vật liệu xây dựng tại các dự án hạ tầng trọng điểm; mở đường, tạo động lực cho ĐBSCL phát triển bền vững, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thao-go-diem-nghen-phat-trien-ha-tang-196250213212909738.htm