Thanh tra Chính phủ kết luận sai phạm Bộ Công Thương về điện mặt trời

Việc Bộ Công Thương bổ sung 168 dự án điện mặt trời với tổng công suất 14.707 MW, gấp 17 lần quy hoạch dẫn đến mất cân đối giữa cơ cấu nguồn điện, vùng miền…

Ngày 25/12,

Thanh tra Chính phủ

ban hành kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong quản lý, thực hiện quy hoạch và đầu tư xây dựng các công trình điện theo Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh.

Kết luận thanh tra đánh giá công tác quản lý thực hiện quy hoạch đã đạt được kết quả đáng ghi nhận, giúp tăng sản lượng điện, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, hàng loạt tồn tại, hạn chế, khuyết điểm và vi phạm đã được Thanh tra Chính phủ kết luận liên quan đến việc bổ sung các dự án điện mặt trời, năng lượng tái tạo.

Phê duyệt dự án không có căn cứ pháp lý quy hoạch

Theo đó, Thanh tra Chính phủ đã nêu rõ các vi phạm trong việc phê duyệt bổ sung 168 dự án nguồn điện mặt trời với tổng công suất 14.707 MW vào quy hoạch điện lực các cấp trong giai đoạn 2016 - 2020.

Kết luận chỉ ra rằng, Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch điện lực cấp tỉnh 114 dự án điện mặt trời với tổng công suất 4.166 MW có tiến độ vận hành trong giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó có 92 dự án với tổng công suất 3.194 MW phê duyệt bổ sung riêng lẻ vào quy hoạch phát triển điện lực của 23 tỉnh.

Việc phê duyệt bổ sung riêng lẻ vào quy hoạch trên cơ sở đề nghị của UBND các tỉnh xuất phát từ đề nghị của các chủ đầu tư. Trong đó, 15/23 tỉnh không quy hoạch đầu tư điện mặt trời trong Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh và không có quy hoạch điện mặt trời đến năm 2020 của 63 tỉnh, thành phố được lập, phê duyệt theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Quyết định số 11/2017.

“Việc Bộ Công Thương phê duyệt 92 dự án với tổng công suất 3.194 MW là không có căn cứ pháp lý về quy hoạch (không có quy hoạch), vi phạm khoản 1 Điều 4 Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg”, kết luận chỉ rõ.

Bộ Công Thương đã phê duyệt bổ sung 168 dự án nguồn điện mặt trời với tổng công suất 14.707 MW gấp 17 lần quy hoạch.

Bộ Công Thương đã phê duyệt bổ sung 168 dự án nguồn điện mặt trời với tổng công suất 14.707 MW gấp 17 lần quy hoạch.

Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra rằng, tổng công suất nguồn điện mặt trời đến năm 2020 được phê duyệt tại Quy hoạch điện VII điều chỉnh là 850 MW.

Tuy nhiên, Bộ Công Thương đã tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung riêng lẻ 54 dự án với tổng công suất 10.521 MW vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh trên cơ sở đề nghị của UBND các tỉnh xuất phát từ đề nghị của các chủ đầu tư; 31 dự án với tổng công suất 5.321 MW có tiến độ vận hành trong giai đoạn 2021-2025 trong khi không lập Quy hoạch điện phát triển điện mặt trời quốc gia năm 2020.

Do đó, việc phê duyệt 54 dự án là không có căn cứ pháp lý quy hoạch, vi phạm khoản 1, Điều 4 Quyết định số 11/2017.

Bên cạnh đó, khi xây dựng Quy hoạch điện VII điều chỉnh, Viện Năng lượng đã đưa ra 3 phương án phát triển nguồn điện năng lượng tái tạo; sau khi phân tích, tính toán và cân đối toàn hệ thống, Viện Năng lượng đã đề xuất lựa chọn phương án 1 là phát triển nguồn năng lượng tái tạo theo đánh giá tính khả thi, được Hội đồng thẩm định và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quy hoạch điện VII.

Vì vậy, việc phê duyệt bổ sung nhiều dự án nguồn điện mặt trời, tập trung chủ yếu ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên, cần phải có quy hoạch tổng thể về đầu tư nguồn, lưới truyền tải, giải tỏa công suất,... nhưng thực tế đã không thực hiện.

Kết luận chỉ ra, việc Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung các dự án điện mặt trời không quá 50 MW vào Quy hoạch điện lực cấp tỉnh, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung các dự án điện mặt trời trên 50 MW vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh - mà không lập quy hoạch điều chỉnh, không lập quy hoạch theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg, dẫn đến việc phê duyệt bổ sung các dự án không có căn cứ pháp lý về quy hoạch.

Ngoài ra, còn không đảm bảo cạnh tranh trong thu hút đầu tư, không đảm bảo minh bạch, nguy cơ phát sinh cơ chế xin - cho.

Bộ Công Thương có trách nhiệm chính trong việc phê duyệt các quy hoạch điện mặt trời tại Quy hoạch điện VII.

Bộ Công Thương có trách nhiệm chính trong việc phê duyệt các quy hoạch điện mặt trời tại Quy hoạch điện VII.

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, việc phê duyệt 168 dự án điện mặt trời với tổng công suất 14.707 MW/850 MW (cao gấp 17,3 lần so với tổng công suất được phê duyệt tại Quy hoạch điện VII điều chỉnh) không có căn cứ pháp lý về quy hoạch, trong đó đáng chú ý là phê duyệt riêng lẻ 137 dự án với tổng công suất 9.366 MW có tiến độ vận hành trong giai đoạn 2016-2020.

Đến cuối năm 2020, tổng công suất nguồn điện mặt trời nối lưới đã đầu tư thực tế là 8.642 MW, cao gấp 10,2 lần so với công suất đến năm 2020 được phê duyệt tại Quy hoạch điện VII điều chỉnh (850 MW), thậm chí vượt công suất quy hoạch đến năm 2025 (4.000 MW).

Ngoài ra, nguồn điện mặt trời mái nhà cũng đã được đầu tư nhanh với công suất lớn (7.864 MW), nâng tổng công suất nguồn điện mặt trời lên thành 16.506 MW, cao gấp 19,42 lần so với công suất phê duyệt tại Quy hoạch điện VII điều chỉnh, dẫn đến cơ cấu công suất nguồn điện mặt trời theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh đã tăng từ 1,4% lên 23,8%. Ngoài ra, còn có 6 dự án/phần dự án (452,62 MW) đã hoàn thành nhưng chưa được vận hành thương mại.

Trách nhiệm chính thuộc về Bộ Công Thương

Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra, nguồn điện mặt trời phụ thuộc vào thời tiết, tính ổn định thấp, do đó việc đầu tư nhiều dự án để nối lưới, tập trung chủ yếu ở khu vực các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, dẫn đến mất cân đối giữa nguồn và lưới, cơ cấu nguồn điện, vùng miền,... gây khó khăn cho công tác quản lý vận hành hệ thống điện.

Thanh tra Chính phủ kết luận những vi phạm nêu trên gây ra các hậu quả cụ thể được thể hiện rõ tại Văn bản số 1701/EVN-TTĐ ngày 2/4/2019 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khi tham gia ý kiến với

Bộ Công Thương

về Dự thảo cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời.

Văn bản của EVN thể hiện: Tổng kết kinh nghiệm thực hiện Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg cho thấy, tổng công suất đặt nguồn điện mặt trời dự kiến vận hành thương mại trước năm 2020 đã ký hợp đồng mua bán điện là 5.088 MW vượt xa mục tiêu Quy hoạch điện VII điều chỉnh (850 MW).

Ngoài giá FIT trả cho chủ đầu tư, chi phí hệ thống tăng thêm ít nhất là 5,5 Cents/kWh (trong đó: chi phí truyền tải và phân phối đối với nguồn điện mặt trời khoảng 1.230 đồng/kWh, tương đương 5,2 Cents/kWh; chi phí dịch vụ hệ thống liên quan đến nguồn dự phòng do nguồn điện mặt trời tính ổn định thấp khoảng 1,3 Cents/kWh).

Đáng chú ý là không đồng bộ giữa việc bổ sung quy hoạch từng dự án, không có quy hoạch tổng thể và không đồng bộ với lưới điện đi kèm - với tiến độ xây dựng các công trình lưới điện, dẫn đến khó khăn trong việc vận hành hệ thống điện, có khả năng gây quá tải cục bộ và trên diện rộng khu vực các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Phú Yên, Gia Lai, Đắk Lắk, buộc các nhà máy điện phải giảm phát.

Từ tổng kết kinh nghiệm thực hiện cơ chế giá FIT đến nay, EVN kiến nghị không khuyến khích đầu tư các dự án điện mặt trời bằng mọi giá, việc khuyến khích đầu tư các dự án điện mặt trời phải đồng bộ với lưới truyền tải và phân phối.

“Trách nhiệm chính đối với những khuyết điểm, vi phạm nêu trên thuộc về Bộ Công Thương, ngoài ra còn có trách nhiệm liên quan của UBND các tỉnh trong việc đề xuất đầu tư dự án”, Thanh tra Chính phủ kết luận

.

Nguyễn Thu Huyền

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/thanh-tra-chinh-phu-ket-luan-sai-pham-bo-cong-thuong-ve-dien-mat-troi-a642390.html