Thanh toán không dùng tiền mặt: Lợi cho người dân đến từng đồng bạc lẻ
Trước đây, khi thu ngân trả lương hay khoản gì nếu thừa tiền lẻ thường khách cho luôn nhưng hanh toán không dùng tiền mặt có thể trả đến hàng đơn vị.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, Việt Nam vẫn được đánh giá là một trong những quốc gia có tỷ lệ thanh toán không tiền mặt thấp trong khu vực. Do đó, Chính phủ đã đặt ra quyết tâm rất cao trong phổ cập dịch vụ công trực tuyến. Bên cạnh lợi ích về cải cách thủ tục hành chính, thì dịch vụ công trực tuyến là một trong những giải pháp có tính dẫn hướng và góp phần thúc đẩy mạnh mẽ phương thức thanh toán không dùng tiền mặt ở nước ta.
Thanh toán dịch vụ công trực tuyến qua tài khoản ngân hàng mang đến lợi ích cho tất cả các bên tham gia. Ngoài sự tiện lợi về việc thanh toán điện tử có thể thực hiện ở mọi nơi, mọi lúc, thì hình thức thanh toán này được coi là rẻ hơn so với các hình thức thanh toán bằng tiền mặt. Bởi lẽ, thanh toán điện tử giảm được phí quản lý và thực hiện giao dịch, bao gồm chi phí cho tiền mặt như in ấn, vận chuyển, gửi vào, rút ra, chi phí nhân lực liên quan đến kiểm đếm cuối ngày và thuận tiện cho công tác quản lý…
Thanh toán không dùng tiền mặt cũng không làm phát sinh thêm những chi phí gián tiếp, như: chí phí ủy quyền, phí bảo hiểm cho giao dịch bằng tiền mặt, đó là chưa kể độ an toàn kém trong quá trình vận chuyển những món tiền mặt có số lượng lớn.
TS Bùi Sĩ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, đối với dịch vụ công tiết giảm thời gian, chi phí, giảm lượng sử dụng tiền mặt cho người dân. Tôi thấy hiện nay có dịch vụ rất hay là khi trả lương hưu cho các cụ thì một là đến nhà, khi có người ốm là đến tận bệnh viện trả. Nhưng có vấn đề là khi thu ngân trả lương thì nếu thừa tiền lẻ các cụ thường cho luôn nhưng bây giờ thì bưu điện sẽ bù số tiền đấy để trả cho các cụ chẵn, đây là hình ảnh rất đẹp, đáng lưu ý.
Một trong những đơn vị làm rất tốt chủ trương thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong cung cấp dịch vụ công là Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Tính đến năm 2019, đã có khoảng 43% thanh toán tiền điện là qua ngân hàng. Cuối năm 2019, tại Lễ khai trương Cổng Dịch vụ công Quốc gia, trong tổng số 8 dịch vụ công trực tuyến được cung cấp ngay trong giai đoạn đầu, thì Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã có 3 dịch vụ gồm: Cấp điện mới từ lưới điện trung áp; cấp điện mới từ lưới điện hạ áp và thanh toán tiền điện.
Trong cung cấp dịch vụ công điện tử thì triển khai mạnh mẽ cũng phải kể đến ngành thuế. Đến nay, hệ thống khai thuế điện tử đã được triển khai tại tất cả 63 trong số 63 tỉnh, thành phố và 100% chi cục thuế trực thuộc. Số doanh nghiệp tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử đạt hơn 99% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước. Hoặc như đối với giao dịch của khách hàng với kho bạc tại nhiều địa phương giờ đây đã được chuyển từ trực tiếp sang trực tuyến, mang lại sự tiện ích rất lớn thanh toán.
Chị Phạm thị Minh, Kế toán trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Ninh Thuận cho biết: “Lợi ích dịch vụ công rất tốt, nhanh gọn không phải chạy ngược chạy xuôi, có ngày giờ mình nắm bắt được. Chứng từ, toàn bộ hoạt động của Ban giải ngân trên dịch vụ công hết. Trước đó cũng ngại lắm, đến giờ này thấy quá tốt sao mình không làm trước. Mình nộp chứng từ biết tiếp nhận chưa, xử lý chưa và từ chối thì lý do vì sao, công khai minh bạch.”
Như vậy, đã có sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và triển khai phương thức thanh toán điện tử cùa cả đơn vị cung cấp dịch vụ công và khách hàng giao dịch. Điều này đã góp phần dẫn hướng và thúc đẩy tích cực cho phương thức thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam./.