Tháng Tư mong nhớ!

BPO - Ông Hùng nghỉ hưu với quân hàm thiếu tướng, bà Hà vợ ông nghỉ trước ông 5 năm với quân hàm trung tá quân y. Nếp sống của gia đình chiến sĩ già luôn là chuẩn mực ở khu phố. Bà mở phòng khám từ thiện ngay tầng trệt của ngôi nhà rợp mát bóng cây. Được khám, chữa bệnh miễn phí cho những người yếu thế, đặc biệt là trẻ con, là niềm vui của bà. Sáng nào, ông cũng lau bàn ghế, sắp lại y cụ thật sạch sẽ, ngăn nắp cho bà. Ăn sáng xong, bà ra phòng khám, ông trở về phòng sách và ngồi viết. Mỗi dòng hồi ký là một vùng nhớ thương da diết những tháng ngày quân ngũ, nhớ thương đứa con trai duy nhất và những đồng đội của ông đã ra đi. Nước mắt người lính già nhòe đi nhiều con chữ...

* * *

Năm ấy, thật diệu kỳ, ông gặp con trong trạm giao liên ở Trường Sơn - thằng Quang của ông đang đứng trước mặt ông bằng xương bằng thịt chứ không phải trong mơ. Thằng bé đã cao bằng bố, mắt sáng, mũi cao. Nó cười bừng sáng khuôn mặt. Nó ôm ông thật chặt cho thỏa nhớ mong.

- Bố ơi! Mẹ mà biết thế này, mẹ vui lắm đấy! Mẹ sẽ hết giận con!

- Sao mẹ lại giận con?

- Tại con trốn mẹ đi theo bố.

Hai bố con cùng cười. Ông Hùng chỉ kịp dúi vào tay con một hộp thịt, hai gói đường viên và căn dặn.

- Con bình an, mạnh khỏe. Chiến thắng, cha con mình gặp nhau.

- Vâng. Bố cũng bình an. Mẹ đang chờ chúng ta bố nhé! Con đi đây!

Được vài bước, Quang ngoái lại vẫy tay với bố, cười, ông Hùng chạy vội lên, nắm tay con lần nữa. Ông dõi mắt theo con và đoàn quân toàn những chàng trai mười tám, đôi mươi giữa buổi trưa Trường Sơn nắng lửa.

Trường Sơn rầm rập những bước chân không nghỉ. Đoàn này đi, đoàn khác đến. Tất cả hướng về miền Nam ruột thịt.

Thắng lợi của Chiến dịch Tây Nguyên - Huế - Đà Nẵng đưa cục diện chiến trường miền Nam hoàn toàn thay đổi. Bộ chỉ huy chiến dịch giải phóng Sài Gòn ra nhiệm vụ cho Quân đoàn 4 triển khai lực lượng trên hai hướng Đông và Tây Nam Sài Gòn. Sư đoàn 7 của ông Hùng nhận lệnh nhanh chóng đưa lực lượng trở lại theo đường 20 chuẩn bị cho trận đánh Xuân Lộc.

Thị xã Xuân Lộc có địa hình chia cắt khá phức tạp. Địch coi đây là cánh cửa thép của Sài Gòn. Chúng tập trung lực lượng lớn phòng thủ gồm Sư đoàn 18 đủ 3 chiến đoàn. Trung đoàn 5 thiết giáp, 8 tiểu đoàn bảo an, 20 đại đội địa phương quân, hàng ngàn cảnh sát và phòng vệ dân sự. Lực lượng pháo binh và không quân rất mạnh. Chúng còn chuẩn bị cả lực lượng ứng cứu đó là Lữ đoàn thiết giáp 3 ở Biên Hòa, Lữ đoàn dù 1 ở Sài Gòn cùng các sư đoàn bộ binh và lực lượng binh chủng Quân khu 3 và Quân khu 4.

Đúng 5 giờ 40 phút ngày 9-4-1975, đơn vị ông Hùng phối hợp với các đơn vị bạn đồng loạt nổ súng tiến công vào các mục tiêu trong thị xã Xuân Lộc. Suốt 12 ngày đêm chiến đấu liên tục, Xuân Lộc đã giải phóng. Cánh cửa thép khét tiếng của địch đã mở toang. Sư đoàn 18 của địch bị xóa sổ nhưng bên ta cũng hy sinh hàng ngàn chiến sĩ. Đại đội được phân công cản xe tăng của địch đã hy sinh gần hết. Nhìn thi thể các chiến sĩ trẻ hy sinh xếp thành hàng, lòng ông Hùng đau như cắt. Dẫu biết rằng đó là cái giá của độc lập, tự do nhưng lòng người chính ủy sư đoàn vẫn quặn thắt. Nước mắt cố kìm vẫn lem trên khuôn mặt sạm nắng và khói súng.

Ngày 26-4-1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử bắt đầu. Quân đoàn 4 sau khi giải phóng Xuân Lộc, áp sát Trảng Bom phối hợp với các cánh quân Sư đoàn 2, Sư đoàn 3 và Lữ đoàn 52 cùng 6 trung đoàn đặc công, hàng chục đội biệt động đã sẵn sàng. Các phi đội không quân của ta ở sân bay Thành Sơn đã sẵn sàng cất cánh.

Không khí khẩn trương và quyết tâm tiêu diệt hang ổ cuối cùng địch lan đi khắp toàn quân. Với những người lính lúc này không có gì mong đợi hơn chiến thắng và được trở về.

Sư đoàn 7, Quân đoàn 4 được giao nhiệm vụ cắm cờ trên nóc Dinh Độc Lập. Nhưng khi đánh chiếm Chi khu Trảng Bom - Hố Nai, kéo qua cầu họ Hóa An, không ngờ cầu bị địch đánh sập. Tình thế buộc xe tăng và bộ binh của ta phải quay lại Tam Hiệp để tiến vào Sài Gòn trên đại lộ Biên Hòa - Sài Gòn, qua cầu Sài Gòn vào Dinh Độc Lập. Vì thế, Sư đoàn 7, Quân đoàn 4 đã chậm hơn Lữ đoàn 203 tăng thiết giáp của Quân đoàn 2.

Xe tăng quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập trưa 30-4-1975 - Ảnh tư liệu

Xe tăng quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập trưa 30-4-1975 - Ảnh tư liệu

Lúc 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, cờ giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập thì 12 giờ 30 phút, Sư đoàn 7 mới kịp đến nơi. Nhìn lá cờ giải phóng thiêng liêng bay giữa sào huyệt quân thù, không còn gì diễn tả được niềm sung sướng của bộ đội ta giây phút ấy. Cán bộ và chiến sĩ Sư đoàn 7 vẫn hậm hụi tiếc vì không kịp về cắm cờ trong thời khắc thiêng liêng chờ đợi suốt hơn 20 năm của toàn dân tộc.

Các chiến sĩ hò reo. Người dân Sài Gòn đổ ra đường đón mừng chiến thắng. Đường phố ngập cờ và hoa. Tiếng reo. Tiếng hát. Hân hoan! Tưng bừng!

- Chúng ta giải phóng rồi! Giải phóng rồi!

- Được về với mẹ rồi!

- Mẹ ơi! Con còn sống!

- Hoan hô! Hoan hô! Ta còn sống!

Cánh lính trẻ hát vang bài hát chế:

“Ta là con của bố ta mẹ ta.

Thắng giặc là ta sẽ về nhà.

Ta đi về quê thôi! Ta về quê thôi!”.

Tiếng hát, tiếng vỗ nhịp trên báng súng.

- Về quê! Cưới vợ thôi nào!

- Cưới thật to nhé! Nhớ mời tớ nhá!

Bỗng có tiếng khóc.

- Thằng nào khóc đấy!

- Thằng Quang D4… nó chết rồi!

- Quang đẹp trai ấy hả, có bố nó làm to cùng đi chiến dịch này phải không?

- Nó chỉ bị thương thôi mà.

- Nó không qua được. Tao vừa từ chỗ nó ra đây.

Không khí đang vui, chùng xuống.

- Có kịp báo tin cho bố nó không?

- Bác ấy vừa đến đó.

Ông Hùng chạy đến nơi thì Quang đã kiệt sức rồi. Tay con đã lạnh toát trong đôi tay gân guốc của ông. Ghé sát tai, ông chỉ kịp nghe con thều thào đứt quãng.

- Bố... con... đây...!

Tim ông Hùng như bị ai bóp nghẹt. Nước mắt ông rơi trên gò má non tơ của con. Ông ôm xốc con vào lòng, lay mãi... lay mãi... Còn 10 ngày nữa, Quang mới tròn 20 tuổi.

Con ông đã bị trúng đạn của kẻ thù cách cổng Dinh Độc Lập chưa đầy 50m.

Trưa nay 30-4-1975, cả dân tộc vỡ òa trong ngày vui toàn thắng, niềm vui vĩ đại và thiêng liêng làm sao!

Ngày vui được dệt nên bằng sự hóa thân của hàng triệu con người, sự hiến dâng cao cả sức người, sức của cho miền Nam của hàng triệu người mẹ, hàng triệu gia đình. Có ai biết rằng trong giờ phút hạnh phúc cao cả, thiêng liêng ấy, có những người chiến sĩ, những người cha và những đứa con chiến sĩ “gặp nhau” như bố con ông?

Và trưa ấy, ông đã khóc to sau bao năm kìm nén. Ông đã được ôm, được vuốt tóc con như ngày xưa thơ bé, dẫu đó là những phút đau xót, muộn màng ông được bên con.

Đài Tiếng nói Việt Nam phát đi phát lại tin chiến thắng. Bài “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” vang lên khắp nơi.

Trên đường phố, khắp các tòa nhà được trưng dụng làm các trụ sở hành chính, người dân (chủ yếu là sĩ quan, cán bộ của chính quyền cũ) đến khai báo. Họ có vẻ dè dặt, khép nép.

Các chiến sĩ làm công tác quân quản đeo băng đỏ cùng các nam, nữ sinh viên Sài Gòn tình nguyện hướng dẫn người dân đi nhận giấy thông hành và làm các thủ tục hành chính khác. Nhiều khuôn mặt rạng rỡ nhưng đa số cán bộ chế độ cũ không giấu được sự lo âu. Nghe ông Hùng và các cán bộ ban quân quản giảng giải về chính sách khoan hồng của Nhà nước, họ mới bớt căng thẳng nhưng vẫn rụt rè trả lời câu hỏi của đại diện cho chính quyền cách mạng...

* * *

50 năm đã trôi qua nhưng trong lòng vị tướng già vẫn vẹn nguyên cảm xúc ngày hôm ấy. 30-4 - ngày của niềm vui chiến thắng của toàn dân. Nhưng đó là ngày đứa con yêu quý của ông cùng nhiều đồng đội đã ra đi khi chưa kịp reo lên hai từ “giải phóng!”.

Phòng khám hết bệnh nhân, bà Hà nhẹ nhàng lên phòng khách. Khẽ khàng đặt ly cà phê sữa lên bàn. Nhìn ông ngồi lặng im.

Bà nói nhỏ:

- Ông lại khóc rồi phải không? - Ông ơi! Tôi xin lỗi! Giá như ngày ấy tôi biết cách giữ con mình không cho nó đi bộ đội thì...

Ông Hùng như bừng tỉnh. Với cái khăn mùi xoa lau đôi kính trắng ướt nhòe, ông ôm vai bà thủ thỉ:

- Bà đừng nói thế! Thằng Quang con mình, tôi biết tính nó chứ. Bà giữ làm sao được. Mà bà biết không, hồi ấy ai cũng giữ con thì có mà mất nước. Giữ con ở nhà là để nó phải chết vì bị mọi người coi thường, khinh rẻ bà ạ. Con mình không còn nhưng nó đã sống một cuộc đời ý nghĩa. Tôi với bà tuy đau lòng nhưng cũng được tự hào về con, phải không bà?

- Nhưng giá như con mình kịp có vợ con...!

- Ai chẳng mong ước vậy hả bà! Nhưng bà nhìn xem, dưới phòng mạch đang có bọn trẻ đợi bà kia kìa...

Bà Hà khẽ gật đầu. Mắt còn ngấn nước. Bà với cái đài thân thuộc mở bài hát “Người chiến sĩ ấy” của nhạc sĩ Hoàng Vân mà ông yêu thích. Những âm thanh hào hùng và tha thiết vang lên.

“Tổ quốc ơi! Người kiêu hãnh biết bao, có Đảng ta, Đảng Cộng sản Việt Nam, có Bác Hồ và muôn triệu người con, suốt đời tận trung với nước với dân, như anh người chiến sĩ ấy, như anh, người chiến sĩ ấy”.

Truyện ký BÙI BIÊN LINH

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/172161/thang-tu-mong-nho