Thận trọng, trách nhiệm và sáng tạo trong thúc đẩy tổng cầu, phát triển kinh tế

Trao đổi với Tạp chí Tài chính, chuyên gia kinh tế Ngô Vĩnh Bạch Dương - Viện Nhà Nước và Pháp luật (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng, để thúc đẩy tổng cầu, phát triển kinh tế cần đến sự thận trọng, trách nhiệm và sáng tạo của các bộ ngành, đặc biệt là Bộ Tài chính.

Phóng viên: Ông có nhận định thế nào về thực trạng tổng cầu cũng như các thành tố từ phía tổng cầu (đầu tư, tiêu dùng, chênh lệch xuất nhập khẩu) của Việt Nam giai đoạn vừa qua?

Ông Ngô Vĩnh Bạch Dương: Đây là chủ đề được bàn nhiều bởi các nhà kinh tế trong thời gian qua. Chúng ta đã thống nhất nhận định rằng, tổng cầu có nguy cơ suy giảm do cả 3 thành phần là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng đều yếu về động lượng. Đây là điểm mà tất cả các ấn phẩm kinh tế và thống kê ở Việt Nam thời gian gần đây đã chỉ ra.

Tôi xin phép không có đánh giá gì, mà chỉ có thêm bình luận nhỏ về những đánh giá ấy: Tổng cầu có nguy cơ giảm, không phải là nó bị giảm, các con số thống kê vẫn chỉ ra là nó tăng nhưng động lượng tăng đang suy yếu. Ví dụ đơn giản thế này, thông thường một chỉ số tăng ổn định 10% và hiện nó vẫn tăng nhưng chỉ đạt 2-3% thôi, khi đó ta nói động lượng tăng suy yếu. Nếu không có những tác động tích cực, nguy cơ 2-3% đó có thể không giữ được mà thậm chí còn thoái lui.

Chuyên gia kinh tế Ngô Vĩnh Bạch Dương.

Phóng viên: Vậy, để thúc đẩy tổng cầu trong bối cảnh hiện nay, đâu là chính sách phù hợp?

Ông Ngô Vĩnh Bạch Dương: Chúng ta đã bơm tiền, đã hạ lãi suất để tạo ra tình trạng tiền rẻ, qua đó kích thích đầu tư kết hợp với đẩy mạnh đầu tư công. Trong khi các hoạt động đầu tư chưa đem lại kết quả thì lạm phát lại gia tăng. Khi đó, chu trình tăng lãi suất lại bắt đầu để kiềm chế lạm phát.

Điểm rất khó khăn hiện nay là kinh tế toàn cầu cũng như trong nước sau đại dịch bị tổn thất nặng nề, cần thời gian để phục hồi. Can thiệp của Nhà nước thường chỉ có tác dụng tức thời đối với các chính sách cứu trợ hoặc dập tắt tình trạng khẩn cấp. Còn đối với phát triển kinh tế, nó không phải là chuyện vài tuần hay vài tháng là đã có kết quả.

Dù là bối cảnh nào thì kết hợp các chính sách tài khóa và tiền tệ vẫn là công cụ chính để thúc đẩy tổng cầu và duy trì tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, Nhà nước có thể xem xét can thiệp bằng các chính sách cụ thể khác như: Đầu tư vào giáo dục và đào tạo có thể tạo ra một lực lượng lao động có trình độ cao hơn, làm tăng năng suất lao động và thu nhập cá nhân; Xây dựng và cải thiện hạ tầng, như đường cao tốc, đường sắt, cảng biển, và các dịch vụ công cộng có thể tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi và tăng cơ hội việc làm; Đầu tư vào hạ tầng kỹ thuật số như mạng lưới internet và các dịch vụ công nghệ thông tin có thể thúc đẩy sự phát triển kinh tế và cải thiện năng suất; Nhà nước có thể cung cấp các khoản tài trợ và chính sách khuyến khích để hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa và tạo ra môi trường kinh doanh thúc đẩy sự sáng tạo và khởi nghiệp... Ngoài ra, Nhà nước cũng có thể thúc đẩy tổng cầu bằng cách tăng thu nhập của người tiêu dùng thông qua việc tăng lương tối thiểu, cải thiện điều kiện làm việc và áp dụng các biện pháp phân phối thu nhập công bằng hơn.

Tuy nhiên, đó cũng là những câu chuyện mang tính chất lý thuyết. Cân nhắc lựa chọn can thiệp nào, thứ tự ưu tiên ra sao,… cần đến sự thận trọng, trách nhiệm và sáng tạo của các bộ ngành, đặc biệt là Bộ Tài chính

Phóng viên: Dường như không gian chính sách tiền tệ đang dần co hẹp lại khi dư địa giảm lãi suất đã cạn. Thế còn chính sách tài khóa thì sao, thưa ông?

Ông Ngô Vĩnh Bạch Dương: Đúng vậy! Nhà nước có thể sẽ phải sử dụng các chính sách tài khóa để tăng chi tiêu hoặc giảm thuế nhằm kích thích tổng cầu trong nền kinh tế. Mục tiêu của các giải pháp này là tạo ra sự tăng trưởng kinh tế, giảm tỷ lệ thất nghiệp và thúc đẩy hoạt động kinh doanh và sản xuất.

Các chính sách tài khóa áp dụng trong thời kỳ suy thoái kinh tế hoặc khi nền kinh tế đang gặp khó khăn trong việc tăng trưởng được gọi là chính sách tài khóa mở rộng. Nó có thể bao gồm: Tăng chi tiêu công, Giảm thuế.

Việc thực hiện chính sách tài khóa mở rộng hiển nhiên là rất phức tạp, cần được thực hiện cẩn thận để tránh các tác động phụ như tăng lạm phát hoặc làm tăng nợ công.

Phóng viên: Vậy những giải pháp tài khóa nào nên được ưu tiên để kiểm soát được lạm phát mà không làm chậm quá trình phục hồi kinh tế?

Ông Ngô Vĩnh Bạch Dương: Các chính sách tài khóa có thể ảnh hưởng đến mức độ lạm phát trong nền kinh tế, nhưng không phải lúc nào cũng là cách hiệu quả để kiểm soát lạm phát. Lạm phát sẽ giảm, nếu bớt tiền mặt trong lưu thông đi bằng cách tăng lãi suất, bớt chi tiêu công và tăng thuế. Tuy vậy, giảm chi tiêu công, tăng thuế hay tăng lãi suất lại thường có tác dụng làm suy giảm tổng cầu.

Các chính sách tài khóa, vì vậy, không thể đứng một mình để kiểm soát lạm phát mà thiếu đi các chính sách tiền tệ, lao động và phân phối thu nhập. Chắc chắn việc giảm thuế hợp lý, thúc đẩy chi tiêu công vẫn là những chính sách cần tiếp tục triển khai để thúc đẩy tổng cầu. Một mâu thuẫn luôn xuất hiện là giảm thuế thì ngân sách sẽ bị hao hụt và Nhà nước thiếu tiền đề đầu tư công cũng như thực hiện các chính sách thúc đẩy tổng cầu khác đã nêu ở trên.

Cá nhân tôi cho rằng, giảm thuế nhưng kết hợp với mở rộng cơ sở thuế là điều cần thiết để bảo đảm nguồn thu ngân sách. Điều cần bàn là mở rộng cơ sở thuế không chỉ là đánh thuế vào những đối tượng chưa đánh thuế hoặc tăng thuế, áp sắc thuế mới, nó còn là việc thừa nhận các ngành nghề kinh doanh đang tồn tại. Nói cách khác là hợp pháp hóa những ngành nghề, hoạt động mà trước đây chúng ta cấm hoặc chưa thừa nhận chính thức.

Phóng viên: Ông có thể giải thích rõ hơn về chính sách thuế đối với những ngành mới?

Ông Ngô Vĩnh Bạch Dương: Tôi ví dụ kinh doanh, giao dịch tài sản mã hóa, tài sản ảo trong game. Từ quan sát cá nhân, đây là những hoạt động tương đối nhộn nhịp nhưng không được thừa nhận. Dữ liệu từ sàn giao dịch tiền mã hóa Binance cho thấy, lợi nhuận thu được của các nhà giao dịch đến từ Việt Nam có thứ hạng rất cao trên thế giới.

Thừa nhận các hoạt động này, tạm thời chưa nói đến câu chuyện quản lý thuế, doanh thu từ các hoạt động này sẽ được thống kê chính thức, quy mô nền kinh tế của chúng ta chắc chắn sẽ được xác định là lớn hơn. Đó mới chỉ là một ví dụ về crypto, rất có thể còn nhiều hoạt động khác chưa được đánh giá kỹ lưỡng để thừa nhận.

Chính thức hóa các hoạt động, ngành nghề còn nằm trong vùng xám, không chỉ là bảo vệ được người kinh doanh, kiếm sống bằng những hoạt động phi chính thức, nó cho phép xác định tổng cầu chính xác hơn, làm quy mô nền kinh tế lớn hơn, cơ sở thuế vì vậy cũng sẽ mở rộng hơn, bảo đảm nguồn thu ổn định cho ngân sách nhà nước để thực hiện các mục tiêu kinh tế, xã hội.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

Bảo Ngọc

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/than-trong-trach-nhiem-va-sang-tao-trong-thuc-day-tong-cau-phat-trien-kinh-te.html