Thăm chiến khu Mường Khói

Những ngày mùa thu lịch sử, chúng tôi có dịp về thăm chiến khu Mường Khói (Lạc Sơn). Trên nhà sàn truyền thống cách mạng - nơi trưng bày hiện vật lịch sử khu di tích chiến khu Mường Khói, mỗi hiện vật được trân trọng trưng bày chứa đựng trong đó cả một câu chuyện lịch sử gian khó và oai hùng. Nơi đây 76 năm về trước - chiến khu Mường Khói là một trong những cái nôi thổi bùng lên ngọn lửa phong trào cách mạng của quân và dân tỉnh Hòa Bình cùng với cả nước tổng khởi nghĩa, giành chính quyền. Phát huy truyền thống, quê hương Mường Khói hôm nay đang từng ngày đổi thay, trở thành miền quê thanh bình, giàu đẹp.

Đoàn viên thanh niên xã Ân Nghĩa (Lạc Sơn) ôn lại truyền thống cách mạng qua các hiện vật được trưng bày tại khu di tích chiến khu Mường Khói.

Đoàn viên thanh niên xã Ân Nghĩa (Lạc Sơn) ôn lại truyền thống cách mạng qua các hiện vật được trưng bày tại khu di tích chiến khu Mường Khói.

Mường Khói xưa gồm 2 xã Hoài Ân và Hiếu Nghĩa, nay thuộc 2 xã Ân Nghĩa và Tân Mỹ. Với địa hình núi rừng hiểm trở thuận lợi cho phong trào hoạt động cách mạng nên Xứ ủy Bắc Kỳ đã quyết định chọn Mường Khói để xây dựng chiến khu cách mạng, chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền.

Tại chiến khu Mường Khói, lực lượng cách mạng được tập hợp, huấn luyện và dần lớn mạnh. Ngày 19/8/1945, theo lệnh khởi nghĩa của Xứ ủy Bắc Kỳ, chiến khu cách mạng Mường Khói và cơ sở Việt Minh Vụ Bản nhận được lệnh khởi nghĩa của Ban chỉ huy khởi nghĩa tỉnh Hòa Bình. Sáng 20/8/1945, đơn vị tự vệ chiến đấu và quần chúng từ chiến khu cách mạng Mường Khói phối hợp lực lượng tự vệ chiến đấu cùng các hội viên cứu quốc, Nhân dân thị trấn Vụ Bản tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền ở châu lỵ Lạc Sơn. Sau khi giành chính quyền thắng lợi ở châu lỵ Lạc Sơn, sáng 21/8/1945, gần 50 chiến sỹ tự vệ cùng hàng trăm quần chúng cứu quốc của chiến khu Mường Khói và thị trấn Vụ Bản giương cao cờ đỏ sao vàng theo đường 12A tiến ra thị xã Hòa Bình, phối hợp với các chiến khu cách mạng Cao Phong - Thạch Yên, Tu Lý - Hiền Lương và các cơ sở cách mạng ở thị xã Hòa Bình giành chính quyền tỉnh lỵ vào ngày 23/8/1945.

Phát huy tinh thần của chiến khu cách mạng, trong suốt 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, Nhân dân Ân Nghĩa đã cử 520 con em lên đường chiến đấu, chiếm gần 10% dân số toàn xã. Lực lượng dân quân du kích xã làm nòng cốt trong phong trào toàn dân đánh giặc và xung kích trong sản xuất. Tính đến nay, xã Ân Nghĩa được Nhà nước phong tặng 2 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, có 480 người và 260 gia đình được Nhà nước tặng thưởng huân chương các loại, có 54 liệt sỹ, 30 thương binh, 7 bệnh binh, 23 người nhiễm chất độc da cam. Để ghi nhận những đóng góp to lớn của Nhân dân và lực lượng vũ trang xã Ân Nghĩa, năm 1993, chiến khu cách mạng Mường Khói được Bộ VH-TT cấp bằng công nhận di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia; năm 2000, xã được Nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng vũ trang nhân dân thời kỳ chống Pháp.

Tiếp nối truyền thống anh hùng của ông cha, mảnh đất Ân Nghĩa hôm nay đang có rất nhiều đổi thay trên con đường xây dựng nông thôn mới. Trong đợt tuyển quân đầu năm 2021, xã có 10 thanh niên ưu tú lên đường nhập ngũ. AN-QP trên địa bàn luôn được giữ vững. Số hộ nghèo toàn xã giảm còn trên 8%, tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2021 ước đạt 5,6%, ước cả năm 12%; thu nhập bình quân đạt 20 triệu đồng/ người/6 tháng, ước cả năm đạt 44 triệu đồng/người. Đời sống người dân được nâng lên, an sinh xã hội được quan tâm.

Dương Liễu

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/11/155986/tham-chien-khu-muong-khoi.htm