Thách thức tuyển sinh ở cơ sở duy nhất đào tạo chuyên ngành Tư tưởng Hồ Chí Minh

Là cơ sở giáo dục đại học duy nhất đào tạo cử nhân chuyên ngành Tư tưởng Hồ Chí Minh, Học viện Báo chí và Tuyên Truyền vẫn gặp nhiều thách thức trong tuyển sinh.

Hiện tại, Học viện Báo chí và Tuyên truyền là cơ sở giáo dục đại học duy nhất đào tạo cử nhân chuyên ngành Tư tưởng Hồ Chí Minh.

Một số cơ sở giáo dục đào tạo liên quan đến như: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), Khoa Khoa học chính trị đào tạo ngành Chính trị học có mô-đun tự chọn môn chuyên ngành Tư tưởng Hồ Chí Minh; hay Khoa Giáo dục Chính trị của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, với chuyên ban Lịch sử Đảng - Tư tưởng Hồ Chí Minh có lựa chọn một số môn chuyên ngành Tư tưởng Hồ Chí Minh.

Đào tạo lý thuyết gắn chặt với thực hành, thực tế, thực tập, hoạt động ngoại khóa

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Doãn Thị Chín - Trưởng khoa, Khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) đã chia sẻ một số điểm khác biệt trong chương trình đào tạo.

“Điều khác biệt thứ nhất, chương trình đào tạo Tư tưởng Hồ Chí Minh là một chuyên ngành trong ngành Chính trị học, có sự liên thông ngang với các chương trình đào tạo chuyên ngành khác của ngành Chính trị học và liên thông với chương trình các ngành khác trong nhóm ngành Khoa học chính trị như Xây dựng Đảng và Chính quyền nhà nước, Quan hệ quốc tế, Quản lý nhà nước. Có nghĩa là, chương trình đào tạo được xây dựng dựa trên những kiến thức nền tảng, có tính hệ thống của khoa học chính trị, đảm bảo cung cấp cho người học những kiến thức vừa mang tính hàn lâm, học thuật, lại vừa hiện đại. Đây là những căn cứ quan trọng cho việc hình thành thế giới quan khoa học, nhân sinh quan cách mạng cho người học.

Điều khác biệt thứ hai là chương trình đào tạo chuyên ngành Tư tưởng Hồ Chí Minh được tổ chức đào tạo tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền - là trường đại học được xây dựng thành đại học trọng điểm, cũng là trường Đảng duy nhất trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam. Tính Đảng thấm sâu vào chương trình đào tạo và trong tất cả các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, trong các hoạt động xã hội... góp phần giáo dục, rèn luyện sinh viên.

Điều khác biệt thứ ba, chương trình đào tạo Tư tưởng Hồ Chí Minh gắn chặt giữa đào tạo lý thuyết với thực hành, thực tế, thực tập và các hoạt động ngoại khóa của sinh viên như: đi thực tế về nguồn, đi nghiên cứu học tập ở Cao Bằng, ATK, K9, Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch… Ngoài ra, Khoa còn có câu lạc bộ Danh nhân Hồ Chí Minh” - Phó Giáo sư Doãn Thị Chín cho biết.

Theo nữ Trưởng khoa, những năm qua, số nguyện vọng đăng ký vào chuyên ngành Tư tưởng Hồ Chí Minh khá cao. Hằng năm, Học viện lấy 40 chỉ tiêu. Trong 3 năm trở lại đây, từ 2021 đến 2023, điểm chuẩn của chuyên ngành Tư tưởng Hồ Chí Minh cụ thể như sau: Năm 2021 (22 điểm); năm 2022 (23,83 điểm); năm 2023 (24,17 điểm). Như vậy, điểm chuẩn tăng dần lên qua các năm.

Cô Chín cũng cho biết, người học muốn theo đuổi chuyên ngành, cần có năng lực tư duy, nhận thức, phẩm chất chung như các chuyên ngành khác. Đặc biệt, phải có sự yêu thích, đam mê học tập nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh

“Tư tưởng Hồ Chí Minh là chuyên ngành miễn học phí toàn khóa học cho sinh viên. Sinh viên có cơ hội trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Ngoài ra, Khoa giao cho Liên chi đoàn, câu lạc bộ Danh nhân Hồ Chí Minh hàng năm tổ chức cho sinh viên những chuyến đi về nguồn, gắn với các di tích, địa danh về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong một số môn học, kế hoạch học tập có tổ chức cho lớp đi thực tế một số địa danh, bảo tàng, khu di tích gắn lý luận với thực tiễn…” - cô Chín chia sẻ thêm.

Theo Phó Giáo sư Doãn Thị Chín, các sinh viên được đào tạo chuyên ngành Tư tưởng Hồ Chí Minh, sau khi tốt nghiệp, có khả năng đảm nhiệm các vị trí việc làm như: Giảng viên các trường chính trị tỉnh, thành phố, các trường đại học, cao đẳng…; Làm việc trong hệ thống chính trị, gồm các cơ quan Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội; Cán bộ nghiên cứu ở các viện, trung tâm nghiên cứu về Hồ Chí Minh học; Ngoài ra, có thể công tác trong các lĩnh vực khác của đời sống xã hội ngoài hệ thống chính trị…

Theo khảo sát của Trung tâm Khảo thí và Đảm bảo chất lượng Học viện, sinh viên chuyên ngành Tư tưởng Hồ Chí Minh ra trường đều có việc làm. Tuy nhiên, tỉ lệ làm đúng chuyên ngành đào tạo còn thấp. Đây cũng là tình trạng chung của các ngành và chuyên ngành đào tạo hiện nay.

“Sinh viên sau khi tốt nghiệp và về công tác ở các trường đại học, cao đẳng, các trường chính trị, các học viện, tạp chí... như Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Học viện Ngân hàng, Học viện Chính trị khu vực I, Trường Đại học Giao thông vận tải, Trường Chính trị thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Y Hà Nội..., đều được phản hồi rất tích cực: Các em đáp ứng được về kiến thức, kỹ năng, tư tưởng. Tuy nhiên, về kỹ năng cần tăng cường thêm thì hợp lý hơn” - nữ Trưởng khoa cho hay.

Nữ Trưởng khoa cũng chỉ ra một số thuận lợi, khó khăn trong công tác đào tạo: “Được sự chỉ đạo, lãnh đạo thường xuyên, cụ thể của Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện, sự hỗ trợ của Ban Quản lý đào tạo và các khoa, ban, phòng; Khoa đã đào tạo nhiều khóa đại học chuyên ngành Tư tưởng Hồ Chí Minh; Có đội ngũ các nhà khoa học có chuyên môn sâu về ngành Hồ Chí Minh học; có cơ sở vật chất, hệ thống học liệu phong phú…

Tuy nhiên, còn gặp một số khó khó khăn trong vấn đề nguồn tuyển đầu vào - đây cũng là tình trạng chung của nhiều ngành, chuyên ngành hiện nay. Các em đăng ký nguyện vọng 1 không nhiều. Mặt khác, đầu ra làm đúng chuyên ngành ít”.

Cô Chín lý giải: “Hiện nay, có một số ý kiến lo ngại việc ngày càng xuất hiện nhiều ngành nghề theo xu hướng kinh tế, công nghệ sẽ ảnh hưởng đến công tác tuyển sinh của các ngành về chính trị học…, dẫn đến sức hút có thể bị giảm.

Đây là một thực tế đối với các ngành Lý luận chính trị và khoa học Xã hội và Nhân văn hiện nay. Chính vì vậy, Đảng, Nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nghiên cứu có những chính sách thu hút đối với các ngành này...”.

Tốt nghiệp đại học loại khá trở lên, sẽ được thi cao học ngay

Theo Phó Giáo sư Doãn Thị Chín, hiện tại, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã tổ chức đào tạo trình độ cao học ngành Hồ Chí Minh học và đang chuẩn bị những điều kiện cần thiết để mở ngành đào tạo trình độ tiến sĩ Hồ Chí Minh học.

“Như vậy, hoàn thành chương trình đại học chuyên ngành Tư tưởng Hồ Chí Minh, người học có thể tiếp tục học ngay trình độ thạc sĩ ngành này, quá trình đào tạo là liên tục, mang tính hệ thống, chuyên sâu” - cô Chín chia sẻ.

Theo đó, sinh viên tốt nghiệp đại học loại khá trở lên sẽ được thi ngay. Sinh viên tốt nghiệp loại khác cần có 01 năm kinh nghiệm công tác. Sinh viên tốt nghiệp đúng ngành không phải học chuyển đổi, sinh viên ngành khác cần học bổ sung kiến thức một số môn học để đạt trình độ tương đương cử nhân Tư tưởng Hồ Chí Minh, số môn học tùy thuộc văn bằng đại học của người học.

Chuẩn đầu ra chương trình đào tạo cử nhân yêu cầu trình độ ngoại ngữ tương đương bậc 3 Khung năng lực ngoại ngữ dành cho người Việt Nam. Bậc 3 cũng là chuẩn đầu vào trình độ ngoại ngữ của bậc học thạc sĩ. Do đó, nếu sinh viên tốt nghiệp cử nhân rồi đi học ngay, thì có thể đáp ứng ngay chuẩn đầu vào ngoại ngữ, được miễn thi tuyển sinh môn này, nếu chứng chỉ ngoại ngữ còn trong thời hạn 2 năm kể từ ngày cấp.

Về khó khăn đối với công tác đào tạo sau đại học, Phó Giáo sư Doãn Thị Chín chỉ ra: “Hiện nay nguồn tuyển sinh cao học khó ở tất cả các cơ sở đào tạo sau đại học về Hồ Chí Minh học chứ không chỉ ở Học viện Báo chí và Tuyên truyền vì: Một là, do đội ngũ nghiên cứu và giảng dạy về Hồ Chí Minh học cơ bản đã có trình độ sau đại học; Hai là, do hiện nay xác định vị trí việc làm đúng chuyên ngành nên những người công tác ở ngành khác thi vào ngành Hồ Chí Minh học rất ít vì đầu ra hơi hẹp...”.

Học về Bác luôn có nhiều điều mới mẻ, nhưng công tác đào tạo gặp không ít thách thức

Chia sẻ với tư cách một cựu sinh viên/học viên của Khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh (Học viện Báo chí và Tuyên truyền), Tiến sĩ Đoàn Mạnh Hùng - hiện đang là giảng viên chính, Khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh (Học viện Chính trị Khu vực I) cho biết lý do ngày trước lựa chọn sẽ theo đuổi chuyên ngành này.

Tiến sĩ Đoàn Mạnh Hùng lý giải: “Vì Tư tưởng Hồ Chí Minh là chuyên ngành học hoàn toàn mới ở vào thời điểm đó (năm 2005). Lúc đó, chúng tôi là lứa sinh viên đầu tiên trúng tuyển và học tập, nghiên cứu chuyên ngành này. Học về Bác luôn có nhiều điều mới mẻ, hấp dẫn và từ đó có thể vận dụng, thực hành những chỉ dẫn của Bác vào trong cuộc sống, công việc.

Một điểm nữa, phải khẳng định, đây là chuyên ngành mới, do vậy, cùng với những gì đã được các thầy, cô - là những chuyên gia hàng đầu, có kiến thức uyên thâm, sâu rộng về khoa học lịch sử, về nghiên cứu lãnh tụ, vĩ nhân truyền dạy, chúng tôi được học tập, kế thừa tinh thần tôn kính lãnh tụ, say mê, tận tâm với nghề, từng bước trang bị, hoàn thiện cả về kiến thức, kỹ năng, thái độ, phương pháp để sau khi ra trường đều đã từng bước trưởng thành, khẳng định mình ở các cơ quan nghiên cứu, giảng dạy về Hồ Chí Minh, báo chí, cán bộ công tác trong hệ thống các ban Đảng từ Trung ương đến địa phương”.

Nhận xét thêm về chương trình đào tạo bậc đại học và thạc sĩ lĩnh vực này tại Khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh (Học viện Báo chí và Tuyên truyền), nam giảng viên đánh giá: “Trước hết, phải khẳng định: Các chương trình đào tạo của Khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh (cử nhân, thạc sĩ, bồi dưỡng,…) đều được xây dựng, thiết kế khoa học, bài bản, công phu, đúng quy định hiện hành và hoàn toàn đáp ứng yêu cầu/ nhu cầu của thực tiễn (nhà tuyển dụng, các cơ quan sử dụng nhân lực).

Có thể thấy, điểm nổi bật trong chương trình đào tạo từ bậc cử nhân đến thạc sĩ của Khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) là thiết kế hết sức khoa học, đảm bảo hài hòa dung lượng khối kiến thức lý luận với thực hành, rèn nghề cho người học để khi tốt nghiệp ra trường có thể bắt nhịp và đáp ứng tốt yêu cầu công việc trong thực tiễn công tác. Một “điểm sáng” khác cũng cần nhấn mạnh, có thể thấy, từ thực tiễn, đa số sinh viên tốt nghiệp từ khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) thường khá năng động, tài năng, do vậy cơ hội tìm kiếm, đáp ứng công việc là tương đối thuận lợi”.

Từ thực tiễn học tập, nghiên cứu và giảng dạy, Tiến sĩ Đoàn Mạnh Hùng cũng chỉ ra: “Với tư cách là người được đào tạo tương đối bài bản, hệ thống về lĩnh vực này và cũng trực tiếp đang nghiên cứu, giảng dạy về tư tưởng Hồ Chí Minh, tôi nhận thấy hiện nay trong công tác đào tạo lĩnh vực này, gặp không ít những thách thức.

Có thể thấy, rõ ràng, ngày càng ít các bạn trẻ khi tốt nghiệp trung học phổ thông lựa chọn thi vào chuyên ngành này. Đặc biệt, sau khi đã học xong cử nhân, việc tiếp tục lựa chọn để học sau đại học cũng tương đối ít. Điều này, tất yếu kéo theo câu chuyện của chất lượng nguồn đầu vào cũng giảm. Do vậy, trong quá trình nghiên cứu, học tập cũng có thể đòi hỏi đội ngũ nhà giáo phải nỗ lực, kỳ công hơn rất nhiều”.

Trao đổi với phóng viên, Thạc sĩ Nguyễn Thị Quyến - Phó Trưởng khoa, Khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh (Học viện Chính trị Khu vực I) chia sẻ: “Những thầy cô hiện đang công tác tại khoa từng học tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền đều là những người chủ động trong việc tự học tập, bồi dưỡng, tham gia các khóa học để nâng cao trình độ chuyên môn, đáp ứng yêu cầu công việc. Đồng thời, các thầy cô cũng tích cực tham gia các buổi sinh hoạt chuyên môn, dự giờ,... thông qua đó, tự trau dồi, tích lũy kinh nghiệm cho mình”.

Bên cạnh đó, Thạc sĩ Nguyễn Thị Quyến cũng bày tỏ: “Tôi cho rằng, không chỉ công tác tại Học viện Chính trị Khu vực I, mà các sinh viên/học viên sau khi tốt nghiệp, dù công tác trong môi trường nào, cũng cần đến 3 yếu tố sau đây:

Thứ nhất, phải nhận thức được sự cần thiết của tri thức, có khả năng tự học, có tinh thần đam mê, tự đọc sách, nghiên cứu tài liệu để có thể vận dụng tài liệu vào trong giảng dạy và thực tiễn.

Thứ hai, cần có kỹ năng giao tiếp, ứng xử - đây là điều rất cần thiết đối với những người làm công tác giảng dạy.

Thứ ba, nếu sinh viên ngay từ khi ở giảng đường đại học đã có ý thức rèn luyện một số phương pháp như kỹ năng thuyết trình, kỹ năng hỏi - đáp, sẽ “rút ngắn” thời gian đào tạo lại ở các môi trường làm việc, cũng như tạo nhiều thuận lợi cho công tác giảng dạy sau này”.

Cần có chính sách để thu hút đầu vào có chất lượng

Để đảm bảo quy mô tuyển sinh và nâng cao chất lượng trong những năm tiếp theo, Trưởng khoa, Khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh cho biết: “Học viện và Khoa sẽ tiếp tục tăng cường quảng bá, tư vấn tuyển sinh trên các kênh, nền tảng mạng xã hội để thu hút đầu vào cũng như nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay. Tiếp tục rà soát chỉnh sửa các chương trình đào tạo. Nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên và đổi mới phương pháp giảng dạy…”.

“Để nâng cao chất lượng đào tạo chuyên ngành Tư tưởng Hồ Chí Minh, cần có chính sách để thu hút đầu vào có chất lượng. Đồng thời, tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, học liệu, đội ngũ giảng viên, đổi mới phương pháp giảng dạy chuyên ngành…” - Phó Giáo sư Doãn Thị Chín nhấn mạnh.

Đồng quan điểm với ý kiến trên, Tiến sĩ Đoàn Mạnh Hùng cũng đề cập: “Có nhiều giải pháp để thu hút và nâng cao chất lượng đào tạo trong lĩnh vực này. Tôi xin nhấn mạnh vài điểm mấu chốt sau:

Thứ nhất, về lâu dài, cần có một chương trình tổng thể, dài hạn về đào tạo nguồn nhân lực của lĩnh vực này nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Nhất là trong nghiên cứu, giảng dạy Hồ Chí Minh học.

Thứ hai, hiện nay, cũng đã có những chính sách để khuyến khích và thu hút học sinh lựa chọn ngành học này. Tuy nhiên, cũng cần phải có một cơ chế, chính sách khuyến khích thật sự đủ “sức nặng”, hấp dẫn (kinh phí, cơ hội việc làm,…) để có nhiều học sinh hứng thú, đam mê, sẵn sàng lựa chọn chuyên ngành tư tưởng Hồ Chí Minh để nghiên cứu và theo đuổi đến tận cùng của đam mê ấy.

Thứ ba, cần tiếp tục rà soát một cách nghiêm túc, điều chỉnh về chương trình, nội dung của ngành học đáp ứng và hướng đến nghiên cứu ứng dụng nhiều hơn. Quan tâm hơn nữa đến xây dựng đội ngũ các nhà giáo giảng dạy, nghiên cứu về lĩnh vực này có đủ đức, tài, hồng thắm - chuyên sâu như Bác nói để lan tỏa những giá trị, chỉ dẫn của Người đến mỗi sinh viên, học viên theo học. Chính những tấm gương tự học, tự nghiên cứu, say mê, tận hiến với nghề ấy sẽ lan tỏa đến người học và khi ấy chất lượng học tập, nghiên cứu cũng sẽ được nâng cao”.

Mộc Trà

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/thach-thuc-tuyen-sinh-o-co-so-duy-nhat-dao-tao-chuyen-nganh-tu-tuong-ho-chi-minh-post242742.gd