Tết Cổ truyền - Từ một góc nhìn

Cổ nhân dạy: 'Đói ngày giỗ cha/ No ba ngày Tết!', chỉ vỏn vẹn tám chữ được đặt theo thế tiểu đối ấy đã nói lên vị thế quan trọng của Tết Cổ truyền trong đời sống văn hóa của người Việt Nam.

Trong vòng quay của thời gian, một năm qua đi với mười hai tháng đều đặn đã được lập trình bởi quy luật của tự nhiên! Tuy nhiên, bởi muôn nỗi niềm người trong thời hội nhập này làm cho thời gian dường như đang ngắn lại và trôi nhanh hơn. Rất may, trong vòng quay năm tháng ấy có một miền gần như bất khả xâm phạm, đó là nơi ngự trị những giá trị văn hóa truyền thống của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc!

Và trong đời sống văn hóa truyền thống của người Việt Nam, thì Tết Nguyên đán, hay Tết Cổ truyền có vị trí đặc biệt quan trọng trong tâm thức của các thế hệ người Việt cho dù họ đang ở bất cứ nơi đâu trên trái đất này.

Tết Cổ truyền ở Việt Nam. Ảnh minh họa

Tết Cổ truyền ở Việt Nam. Ảnh minh họa

Cổ nhân dạy: "Đói ngày giỗ cha/ No ba ngày Tết!", chỉ vỏn vẹn tám chữ được đặt theo thế tiểu đối ấy đã nói lên vị thế quan trọng của Tết Cổ truyền trong đời sống văn hóa của người Việt Nam. Tết Nguyên đán không chỉ là những ngày đầu tiên khai mở một năm mới, khai mở một mùa xuân, để vạn vật sinh sôi nảy nở, mà nó còn là thời điểm hội tụ của ba cõi Thiên Địa Nhân, khoảng thời gian ấy chỉ diễn ra mỗi năm một lần sau mười hai tháng chở bốn mùa qua! Có lẽ vì nhẽ ấy, với mỗi gia đình Việt Nam, Tết là thời khắc của sự đoàn tụ, là nơi những thiêng liêng và yêu thương hiện hữu. Bởi vì vậy, đối với nhiều người Việt, việc bảo vệ Tết Cổ truyền là bảo vệ một thành tựu văn hóa, một bản sắc văn hóa đã được bồi tụ suốt mấy ngàn năm lịch sử!

Tôi ly hương cũng đã vài mươi năm lẻ, nhưng cứ mỗi năm, khi Tết đến, xuân về là lòng lại xốn xang, thổn thức. Từ cỡ sau rằm tháng Chạp, là đã gặp thấp thoáng bên tai, câu nói quen thuộc: Sắp Tết rồi đấy! Tết ư, trong lòng cái chữ gồm ba âm tiết ấy là trùng trùng các tầng nghĩa đã qua ngàn đời, khó có thể minh định đầy đủ.

Tết ư? Xưa, là chuyện mặc, chuyện ăn dành dụm cả năm trời để no lành, hoan hỷ trong ba ngày Tết! Còn nay chuyện Tết là chuyện của tinh thần, của những thăm thú, hỏi han, trong hương vị của thời gian và cổ tích! Kế hoạch Tết như được mặc định vạch ra trong tâm thức của mỗi gia đình, mỗi cá nhân. Kế hoạch ấy ngỡ như đã quen thuộc đến mức mòn cũ, mà vẫn phấp phỏng, hồi hộp chờ để thực hiện.

Này chiều ba mươi Tết là khói trầm thơm ngát từng ngọn gió đồng nơi nghĩa địa làng, những tiếng thầm thì thỉnh mời tiền nhân về vui xuân đón Tết cùng con cháu, theo đường dẫn từ tâm khảm nhập vào thăm thẳm hơi may!

Này cuối chiều ba mươi, bên nồi bánh chưng đang lục bục sôi, là xoong nước lá mùi già được người vợ nấu lên từ những tảo tần thơm thảo, các thành viên gia đình được tắm rửa bằng nước ấy để có một thân thể tinh khôi, thanh tịnh nhất khi bước vào năm mới!

Đêm giao thừa đường làng ngõ xóm ngan ngát mùi hương. Kỳ lạ lắm, cái mùi hương Tết cứ như từ cổ tích thơm về, vẫn là những cảnh vật quen thuộc thường ngày, chỉ khác bởi làn hương và tâm thức ấy, mà ta ngỡ như đang ở một cung trời khác, một tầng thức khác của cõi người!

Sáng Mùng Một, sau mâm cơm thỉnh tổ tiên và kính mừng Nguyên Đán, là những bước xuân đưa ta về nhà thờ họ, là những cái hoan hỷ bắt tay nhau, hỏi thăm nhau về những bậc cao niên đã về miền mây trắng trong một năm qua, là những ánh mắt cười, những vòng tay xuân thuận đạo dưới những mái đầu trắng của các bậc cao niên trong họ ngoài làng… Những con ngõ nhỏ đã mòn quen, mà hương xuân và ý xuân đang dẫn ta về cùng bao thiêng liêng gặp gỡ trước thềm Nguyên Đán.

Ba ngày Tết Cổ truyền hối hả đi qua giữa những kính ngưỡng, thăm thú, gặp gỡ của cả ba cõi. Này là nén tâm nhang thành kính cầu mưa thuận gió hòa ở ngôi đình làng thờ ngài Thành Hoàng làng và các anh hùng liệt sĩ. Này là nén vọng nhang cầu an lạc dâng trước ngôi Tam Bảo của chùa làng đã dìu đỡ muôn kiếp nhân sinh…

Trong nội dung của Tết Cổ truyền ở Việt Nam, nhiều năm qua, đã thành truyền thống còn có Lễ Mừng thọ với những người tuổi cao. Ở nhiều địa phương, Lễ ấy thường diễn ra sau "Lễ phần vàng", tức là bữa cơm cúng tiễn tổ tiên về nơi âm giới khi kết thúc ba ngày Tết. Lễ Mừng thọ được Hội Người cao tuổi và các gia đình tổ chức đầm ấm, trang trọng tại các Nhà văn hóa thôn và tại gia đình trong không khí xuân ấm áp và hiếu nghĩa!

Mấy dòng nho nhỏ về Tết Cổ truyền gửi lên đường xuân ăm ắp những tin yêu. Tết không chỉ là một chuỗi ngày nghỉ, không chỉ là thời khắc chuyển giao của một vòng quay thời gian. Tết Cổ truyền của người Việt còn nhiều lắm những tầng thức ý nghĩa mà trong mấy dòng xuân này, người viết chưa thể chạm hết được! Cuộc sống càng hối hả, thì Tết Cổ truyền chắc chắn ngày càng được người Việt bảo tồn và bồi tụ thêm những giá trị mới!

Nguyễn Thế Kiên

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/tet-co-truyen-tu-mot-goc-nhin-i758386/