'Tắt sóng 2G, người dân cần chuẩn bị gì?'
Ngày 18/7, Báo VietNamNet phối hợp với Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) tổ chức tọa đàm 'Tắt sóng 2G, người dân cần chuẩn bị gì?'.
Hội thảo "Tắt sóng 2G, người dân cần chuẩn bị gì?"
Tại hội thảo, các chuyên gia công nghệ đã có những phân tích sâu về công nghệ viễn thông và xu hướng trên thế giới, công nghệ cần được nâng cấp và triển khai cho phù hợp với nền tảng mới. Đồng thời, thảo luận các giải pháp giúp cập nhật các giải pháp.
Các chuyên gia cho rằng, công nghệ 2G và 3G đều đã trở thành những công nghệ lỗi thời và mạng cần được hiện đại hóa. Công nghệ 4G, 5G và sắp tới là 6G là sự phát triển tiếp theo của mạng di động và cung cấp các tùy chọn tối ưu hóa bao gồm tốc độ nhanh hơn, dung lượng lớn hơn và hiệu quả hoạt động.
Vì sao cần dừng 2G, 3G?
Theo ý kiến thảo luận, các mạng 2G, 3G được thiết kế để sử dụng dữ liệu cơ bản và giọng nói trong khi đó công nghệ ngày nay đã sớm vượt xa khả năng này, vì vậy, cần nâng cấp mạng viễn thông để hỗ trợ các ứng dụng dữ liệu tốc độ cao như truyền phát video và các công nghệ mới khác.
Các chuyên gia cho rằng, mỗi quốc gia khi tắt sóng công nghệ 2G, 3G đều có những phương pháp, mục tiêu khác nhau. Tuy nhiên, nếu một nhà mạng muốn triển khai công nghệ di động mới 5G, thì việc duy trì vận hành quá nhiều công nghệ song song như 2G, 3G, 4G đồng thời sẽ tốn chi phí rất lớn và khai thác không hiệu quả. Vì vậy, cần tắt sóng công nghệ cũ để tối ưu hóa vận hành và dành nguồn lực, băng tần số vô tuyến điện cho công nghệ mới, đáp ứng mục tiêu phát triển của nhà mạng và quốc gia. Việt Nam chọn cách tắt sóng 2G để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia.
Những quốc gia nào đã tắt sóng 2G?
Tính đến cuối năm 2022, 10 quốc gia đã tắt sóng 2G hoàn toàn. Tại Hàn Quốc, LG Uplus là nhà mạng cuối cùng tắt sóng 2G vào ngày 1/7/2021, theo sau các đối thủ SKT (tháng 7/2020) và KT (đầu năm 2012).
Theo TeleGeography, Châu Á – Thái Bình Dương và châu Đại Dương đi đầu về đóng các mạng 2G cũ.
Nước đầu tiên trên thế giới hoàn tất tắt sóng 2G là Nhật Bản, vào tháng 9/2012. Từ đó tới nay, các thị trường đáng chú ý khác làm điều tương tự bao gồm Macau (tháng 6/2015), Singapore (tháng 4/2017), Australia (tháng 6/2018).
Ngoài hai khu vực trên, nhiều nước khác cũng chuẩn bị đặt dấu chấm hết cho kỷ nguyên 2G. Rogers, nhà mạng di động lớn duy nhất hỗ trợ 2G của Canada, duy trì băng tần 850MHz cho cả mạng 2G GSM và 3G W-CDMA, tuy nhiên, 2G chỉ dùng hạn chế tại vùng sâu vùng xa, nơi mạng 3G chưa tiếp cận được.
Tại Thụy Sỹ, nhà mạng lớn thứ hai Sunrise bắt đầu tắt sóng 2G dần dần từ ngày 3/1/2023 ,sau khi tuyên bố lần đầu vào tháng 8/2022. Đối thủ Salt và Swisscom đã hoàn thành tắt sóng 2G lần lượt vào tháng 12/2020 và tháng 4/2021.
Sau khi dự định đóng mạng 2G vào cuối năm 2022, nhà mạng Etisalat và Du của Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất đang muốn đạt mục tiêu vào cuối năm nay.
Theo cơ sở dữ liệu GlobalComms của TeleGeography, 89 quốc gia trên thế giới ghi nhận thuê bao 2G chiếm chưa tới 10% tổng số thuê bao. Đến năm 2028, 172 quốc gia sẽ có ít nhất 90% thuê bao di động dùng mạng 3G, 4G hoặc 5G. (Theo Vietnamnet).
Với xu hướng trên thế giới và thực tế triển khai mạng và sự phát triển dịch vụ, tại Việt Nam cả 2 công nghệ 2G và 3G đều đã được xây dựng kế hoạch dừng.
Cụ thể, việc dừng công nghệ 2G theo 2 pha như sau:
Pha 1 - tháng 9/2024 sẽ dừng phục vụ thuê bao sử dụng máy điện thoại chỉ sử dụng công nghệ 2G (2G Only).
Pha 2 - tháng 9/2026 sẽ dừng hệ thống 2G.
Đại diện Cục Viễn thông cho biết, việc dừng công nghệ 2G đem lại lợi ích cho người dân, xã hội và các doanh nghiệp. Tuy nhiên, đối với người dân - nhưng người đang sử dụng thiết bị chỉ hỗ trợ 2G cần chuẩn bị nắm rõ các lý do vì sao tắt sóng, lợi ích của việc tắt sóng và nâng cấp sẽ có tác dụng thế nào.
Bên cạnh đó, với sự hỗ trợ của các nhà mạng, đồng thời chính quyền các địa phương cũng hỗ trợ qua các hình thức hỗ trợ khác nhau như: hỗ trợ tiền mua đầu cuối là thiết bị đầu cuối thông minh, hỗ trợ các gói cước sử dụng dữ liệu có nhiều tính năng hiện đại hơn thích hợp với công nghệ mới... để giúp đỡ người dân, đặc biệt là các người dùng ở vùng sâu, vùng xa, ít có điều kiện tiếp xúc với công nghệ sẽ được chuyển đổi kịp thời.
Với việc sử dụng thiết bị thông minh, người sử dụng có cơ hội tiếp cận với nhiều dịch vụ mới, trong đó có dịch vụ hành chính công trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt, tiếp cận thông tin qua các ứng dụng khi truy cập Internet... Điều này sẽ mang lại lợi ích và hiệu quả thiết thực đối với đời sống người dân trong thời đại công nghệ số.