Tất bật chuẩn bị nhu yếu phẩm 'đón' bão số 6
Mặt hàng thịt tăng giá mạnh. Trong ảnh: Khách mua thịt tại chợ phường 7. Ảnh: NGÔ XUÂN
Ngay từ đầu mùa mưa bão, việc dự trữ nhu yếu phẩm, thực phẩm tươi sống được rất nhiều người quan tâm. Thời điểm này, nhiều loại thực phẩm tươi sống đã tăng giá mạnh và không ổn định. Đặc biệt, giá thịt heo tăng đột biến khiến nhiều người tiêu dùng “méo mặt”.
Thực phẩm tươi sống khan hàng, tăng giá
Khoảng 1 tuần nay, giá thịt heo tại các chợ đã tăng đột biến; tăng cao mức kỷ lục. Chị Nhạn, bán thịt heo tại chợ Phường 7, TP Tuy Hòa, phân trần: Gần đây, giá heo hơi liên tục tăng cao, gần 70.000 đồng/kg nhưng nguồn heo thịt vẫn rất khan hiếm. Do vậy, giá thịt heo cũng tăng từ 40.000-60.000 đồng/kg.
Cụ thể, thịt ba chỉ rút sườn 150.000-160.000 đồng/kg; thịt ba chỉ thường 120.000-130.000 đồng/kg; thịt heo đùi 120.000-130.000 đồng/kg; sườn non 130.000-150.000 đồng/kg; thịt nạc 120.000- 130.000 đồng/kg…
Không chỉ thịt heo, các loại thịt, cá, rau củ tươi sống cũng đua nhau tăng giá mạnh. Hiện giá thịt bò phi lê tăng từ 230.000 đồng/kg lên 250.000 đồng/kg; thịt bò bắp từ 160.000 đồng/kg lên 180.000-200.000 đồng/kg; các loại cá tăng từ 10.000-30.000 đồng/kg; rau xanh các loại cũng tăng từ 5.000-7.000 đồng/kg…
Trong khi giá cả tại các chợ truyền thống không ngừng tăng cao, thì tại các siêu thị, giá cả các mặt hàng tươi sống có phần ổn định hơn. Thậm chí, có thời điểm giá thịt heo bán tại các siêu thị thấp hơn giá bán tại chợ từ 20.000-30.000 đồng/kg.
Giá thịt heo và một số thực phẩm tươi sống tăng mạnh đột biến, kéo theo các dịch vụ ăn uống ào ạt tăng giá theo, khiến nhiều người tiêu dùng không khỏi hoang mang. Chị Đinh Thị Tuyết ở phường 9, TP Tuy Hòa, chia sẻ: Đi chợ thì thấy thịt heo, rau xanh đồng loạt tăng giá ào ạt. Đến khi đi ăn sáng cũng thấy rất nhiều hàng hóa, dịch vụ tăng giá. Đơn cử, bánh mì tăng từ 10.000 đồng/ổ lên 12.000 đồng/ổ; bò kho 15.000 đồng/tô lên 17.000 đồng/tô; bún bình dân tăng từ 15.000-20.000 đồng/tô lên 20.000-25.000 đồng/tô; cơm tăng từ 15.000-20.000 đồng/đĩa lên 20.000-35.000 đồng/đĩa… Mỗi thứ một ít, nhưng dồn lại thì chi phí sinh hoạt tăng không nhỏ. Do vậy, tôi phải tiết chế lại các khoản chi tiêu, đồng thời sắp xếp lại thực đơn ăn uống hợp lý, tiết kiệm cho phù hợp tình hình thực tế.
Dự trữ hàng hóa, kiểm soát thị trường
Khi thông tin cơn bão số 6 được dự báo rất phức tạp và có nhiều khả năng tác động trực tiếp vào Phú Yên đã khiến nhiều người tiêu dùng “nhấp nhổm”, chuẩn bị các loại thực phẩm, nhu yếu phẩm dự phòng “đón” bão. Trong đó, không ít người đã mua rất nhiều loại thực phẩm tươi sống như thịt, cá, rau xanh, trái cây… để “trữ” sẵn trong tủ lạnh dùng dần, phòng khi mưa bão không có thức ăn hoặc thực phẩm khan hàng, tăng giá. Thế nhưng, theo khuyến cáo của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Phú Yên, để đảm bảo chất dinh dưỡng, các loại thịt, cá chỉ nên để tủ lạnh trong thời gian từ 3-4 ngày; rau xanh, củ quả có thể bảo quản trong tủ lạnh từ 2-5 ngày và từ 1-2 ngày trong điều kiện thường.
Tuy nhiên, khi tình hình mưa bão phức tạp, ngành Điện thường cắt điện để đảm bảo an toàn cũng như tổ chức sửa chữa, khắc phục lưới điện hư hại. Do vậy, nếu mua quá nhiều thực phẩm tươi sống dự trữ sẽ có nguy cơ thực phẩm bị hư hỏng, biến chất và không tốt cho sức khỏe. Thay vào đó, người tiêu dùng có thể dự trữ thêm trứng, cá khô, đồ hộp và các loại củ quả có thể để được lâu như cà rốt, khoai tây, bí chanh, su hào… để dùng dần trong ngày bão.
Ông Phạm Trung Chánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân cho biết: Địa bàn huyện Đồng Xuân thường xuyên bị chia cắt cục bộ do mưa lũ. Do vậy trước mùa mưa bão, đơn vị đã kiểm tra, động viên các doanh nghiệp lớn tổ chức dự trữ hàng hóa, nhu yếu phẩm cần thiết đảm bảo phục vụ đời sống người dân. Tại các xã, các thôn đều có những cửa hàng, đại lý có dự trữ đầy đủ các loại thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết. Trong điều kiện mưa lũ dài ngày, địa phương cũng có phương án phối hợp cùng Sở Công thương và các doanh nghiệp lớn tổ chức chi viện, cung ứng bổ sung hàng hóa để đảm bảo đời sống người dân.
Trước, trong và sau bão, Cục Quản lý thị trường đều cử lực lượng nắm bắt thị trường; kiểm tra, đôn đốc các cơ sở, doanh nghiệp dự trữ hàng hóa cũng như kiểm tra giá cả thị trường. Những trường hợp tranh thủ mưa bão để tăng giá bất hợp lý sẽ bị xử lý nghiêm. Ngoài ra, đơn vị cũng tăng cường kiểm tra các đơn vị kinh doanh xăng dầu, các cây xăng bán lẻ để tránh tình trạng găm hàng, tăng giá, gây ảnh hưởng đến đời sống người dân.