Tập trung tháo gỡ khó khăn trong triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia

Ngày 17/7, đồng chí Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh kiểm tra tình hình thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững và Chương trình MTQG phát triển KT - XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi 6 tháng đầu năm 2023 trên địa bàn huyện Lục Nam.

Cùng đi có đại diện lãnh đạo các cơ quan: Ban Dân tộc; Sở Tài chính; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Văn phòng UBND tỉnh.

Đồng chí Dương Công Định, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở thường xuyên quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện 2 chương trình MTQG.

Đồng chí Mai Sơn phát biểu.

Năm 2023, huyện được phân bổ hơn 62,9 tỷ đồng từ ngân sách trung ương và ngân sách tỉnh để thực hiện chương trình MTQG. Ngân sách trung ương 54,6 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 8,3 tỷ đồng. Trong đó Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững có 5 dự án thành phần; Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi có 10 dự án thành phần. Các dự án đang triển khai, tuy nhiên tiến độ còn chậm so với kế hoạch.

Đồng chí Dương Công Định, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Nam trao đổi, làm rõ thêm một số nội dung.

Lãnh đạo huyện và đại diện một số xã được thụ hưởng chương trình cho biết, nguyên nhân là do nguồn vốn từ tỉnh phân bổ về địa phương muộn; một số dự án có nhiều điểm mới khiến cán bộ lúng túng. Quy trình thủ tục thực hiện một số tiểu dự án có nhiều vướng mắc dẫn đến khó triển khai. Cán bộ làm công tác dân tộc ở cấp xã chủ yếu kiêm nhiệm, không ổn định dẫn đến công tác tham mưu, báo cáo, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có lúc chưa kịp thời.

Liên quan đến Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, do vốn thực hiện của giai đoạn 2021-2025 và từng năm không được cấp tỉnh thông báo cụ thể, do vậy huyện chưa chủ động xây dựng kế hoạch năm trên địa bàn. Hiện nay, Tiểu dự án 1 về phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn thuộc dự án 4 phát triển giáo dục, việc làm bền vững khó thực hiện do chưa có quy định cụ thể về người lao động có thu nhập thấp, chưa thể tuyển sinh, mở lớp.

Đồng chí Phạm Văn Thể, Chủ tịch UBND xã Lục Sơn phản ánh một số khó khăn, vướng mắc khi triển khai các chương trình MTQG.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Mai Sơn biểu dương cấp ủy, chính quyền huyện Lục Nam đã quan tâm quán triệt triển khai các chương trình MTQG. Đồng chí đề nghị thời gian tới huyện tập trung tháo gỡ vướng mắc. Muốn làm đúng và chạy việc trước hết cán bộ cần nghiên cứu kỹ văn bản, hiểu đúng về chương trình. Tăng cường trao đổi, thông tin giữa các cơ quan, đơn vị với cấp xã để nắm bắt kịp thời những vướng mắc và tập trung tháo gỡ.

Huyện xác định chương trình MTQG là chương trình trọng tâm của hệ thống chính trị. Việc triển khai các chương trình, dự án tác động trực tiếp đến khu vực khó khăn, đối tượng yếu thế dễ bị tổn thương nên cần đặc biệt quan tâm triển khai đúng, đủ, kịp thời, gắn trách nhiệm của người đứng đầu với nhiệm vụ. Phấn đấu hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn năm 2022 chuyển sang và vốn phân bổ của năm 2023.

Chuẩn bị cho kế hoạch thực hiện giảm nghèo và phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS năm 2024 và những năm tiếp theo. Trước ngày 31/10 hằng năm, huyện cần chủ động rà soát phê duyệt các dự án, danh mục để tham mưu, đề xuất với cơ quan cấp tỉnh xây dựng kế hoạch phân bổ vốn.

Đồng chí lưu ý: Cán bộ cấp huyện, cấp xã cần tích cực nghiên cứu văn bản hướng dẫn, phát huy tinh thần chủ động, khắc phục tâm lý sợ sai dẫn đến chậm muộn nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Đề nghị các sở, ngành tích cực kiểm tra, hướng dẫn cơ sở; tham mưu cho lãnh đạo UBND tỉnh quán triệt đến các sở, ngành, địa phương liên quan đẩy nhanh tiến độ triển khai. Cuối tháng 7 này, UBND tỉnh sẽ tổ chức họp với lãnh đạo UBND các huyện để lắng nghe các ý kiến và tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn.

Đồng chí Mai Sơn cùng đoàn công tác thăm trang trại chăn nuôi gà của gia đình ông Nguyễn Văn Thịnh, thôn An Phú, xã Khám Lạng.

Để thực hiện hiệu quả các chương trình, đồng chí đề nghị UBND huyện quan tâm bố trí vốn đối ứng cho các dự án để tăng thêm nguồn lực đối với các xã khó khăn. Đối với những nội dung có lồng ghép nhiều nguồn vốn, địa phương cần ưu tiên sử dụng một trong những nguồn lực mà người dân được hưởng lợi ở mức cao nhất.

Tin, ảnh: Mai Toan

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/chinh-tri/408472/tap-trung-thao-go-kho-khan-trong-trien-khai-cac-chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia.html