Tập trung sản xuất vụ xuân

Vụ xuân giữ vai trò quan trọng trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Những ngày này không khí ra quân lao động sản xuất của bà con các địa phương khá tấp nập. Tiếng cười, tiếng nói xen lẫn tiếng máy bừa, máy cày làm cho không khí lao động thêm khẩn trương, rộn ràng. Ngành nông nghiệp, chính quyền địa phương và nông dân tập trung mọi nguồn lực làm đất, khẩn trương gieo trồng các loại cây trồng vụ xuân đảm bảo kịp thời vụ và nâng cao hiệu quả sản xuất.

Vụ xuân năm 2024 - 2025, toàn tỉnh phấn đấu gieo cấy 3.646 ha lúa xuân, 24.818 ha ngô, 5.010 ha thuốc lá; 7.827 ha đỗ tương, lạc, sắn, khoai tây, mía, dong riềng. Ngành nông nghiệp hướng dẫn nông dân gieo trồng đảm bảo khung thời vụ đối với từng loại cây trồng; thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật từ khâu gieo trồng, chăm sóc đến thu hoạch; áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật nhằm hạn chế rủi ro do thiên tai, dịch bệnh; tăng cường cơ giới hóa trong các khâu canh tác, giảm tối đa chi phí đầu vào sản xuất. Bố trí cơ cấu giống hợp lý cho từng vùng sản xuất, khuyến cáo người dân sử dụng các giống có năng suất, chất lượng tốt, khả năng chống chịu sâu bệnh cao, phù hợp với khả năng đầu tư thâm canh của địa phương. Đối với cây rau các loại, hướng dẫn người dân áp dụng các biện pháp canh tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, hạn chế sử dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật có nguy cơ tồn chất hóa học; tăng cường sử dụng các loại phân hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học…

Đến nay, toàn tỉnh trồng được 4.164 ha thuốc lá, đạt 83,12% kế hoạch; 648,29 ha rau màu các loại, đạt 91% kế hoạch; 127,64 ha khoai tây, vượt 30% kế hoạch; 24 ha thạch đen, đạt 4,21% kế hoạch… Nông dân các huyện tập trung trồng theo hướng chuyên canh, có hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị liên kết… Nhiều sản phẩm như khoai tây, ớt, kiệu… được trồng theo hợp đồng bao tiêu sản phẩm của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Nhiều hộ nông dân đầu tư trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như thuốc lá, ngô ngọt, ngô nếp…

Nông dân huyện Trùng Khánh chăm sóc ngô vụ đông.

Nông dân huyện Trùng Khánh chăm sóc ngô vụ đông.

Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nguyên Bình Hoàng Thị Hòa cho biết: Phòng tham mưu UBND huyện giao chỉ tiêu kế hoạch sản xuất vụ đông xuân cho các xã, thị trấn thực hiện, xây dựng khung lịch thời vụ, cơ cấu giống cây trồng. Liên hệ, tìm nhà cung ứng giống, vật tư cho các xã, thị trấn đảm bảo chất lượng, kịp thời vụ, đủ số lượng theo kế hoạch giao. Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết để có phương án tham mưu, chỉ đạo, giải quyết kịp thời. Phối hợp với các cơ quan liên quan và UBND các xã, thị trấn chỉ đạo các hộ chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện tự nhiên, sử dụng các giống mới ngắn ngày có năng suất, chất lượng cao, hiệu quả kinh tế nhằm tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích. Xây dựng các mô hình sản xuất nông, lâm nghiệp hiệu quả. Phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, quản lý chất lượng các loại giống, vật tư cung ứng cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn và kiểm tra các công trình thủy lợi, chủ động thực hiện các biện pháp chống hạn. Đôn đốc các xã, thị trấn huy động nhân dân nạo vét mương phai, duy tu, bảo dưỡng, tu sửa các công trình thủy lợi nhỏ đảm bảo phục vụ kịp thời cho sản xuất.

Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, sản xuất vụ đông xuân năm nay thời tiết không thuận lợi, khô hạn kéo dài, một số cây trồng chủ lực như cây thuốc lá tại các huyện: Hòa An, Hà Quảng, Trùng Khánh, Nguyên Bình sinh trưởng, phát triển chậm, đến nay mới mọc 3 - 4 lá. Nông dân các địa phương đang tích cực ra đồng chăm sóc cây trồng các loại, theo dõi phòng trừ sâu bệnh gây hại, tích cực chăm sóc các loại cây trồng nhằm đảm bảo năng suất, sản lượng theo chỉ tiêu, kế hoạch giao.

Huyện Hòa An chỉ đạo các xã, thị trấn vận động người dân tập trung tu sửa, nạo vét kênh mương khơi thông dòng chảy; chuẩn bị sẵn sàng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; tổ chức ra quân tổng vệ sinh đồng ruộng. Vận hành đồng bộ các trạm bơm tiêu, cống tiêu, cống ngăn mặn hợp lý để tiêu thoát nước nhanh chóng, hiệu quả; theo thực tế của từng vùng để bố trí các trạm bơm dã chiến tiêu úng ở những vùng trũng, thấp cục bộ; tổ chức làm đất, gieo cấy lúa vụ xuân đảm bảo tiến độ theo khung thời vụ. UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn phối hợp với ngành chức năng của huyện, tập trung định hướng các loại cây trồng; kiểm soát các loại giống đảm bảo chất lượng; làm cầu nối với các doanh nghiệp thu mua để người dân yên tâm sản xuất. Đến thời điểm này, toàn huyện trồng 1.730 ha thuốc lá, 50 ha khoai tây, 55 ha rau màu các loại.

Thời tiết khô hạn đầu vụ trồng thuốc lá đông xuân ảnh hưởng đến sinh trưởng, năng suất, sản lượng thuốc lá tại thị trấn Nước Hai (Hòa An).

Thời tiết khô hạn đầu vụ trồng thuốc lá đông xuân ảnh hưởng đến sinh trưởng, năng suất, sản lượng thuốc lá tại thị trấn Nước Hai (Hòa An).

Chị Bế Thị Nhình, tổ dân phố 3, thị trấn Nước Hai (Hòa An) chia sẻ: Nhiều năm gần đây, gia đình tôi lựa chọn trồng thuốc lá trong vụ đông xuân vì dễ trồng, vốn đầu tư ít mà lợi nhuận cao gấp 2 - 3 lần so với trồng lúa. Năm nay, gia đình tôi trồng trên 5.000 m2, tăng 1.000 m2 so với năm 2024. Đến nay, cây thuốc lá phát triển từ 3 - 5 lá. Tuy nhiên, thời tiết năm nay khô hạn kéo dài ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây thuốc lá.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nông Quốc Hùng, để sản xuất vụ đông xuân hiệu quả, các địa phương cần đổi mới phương thức sản xuất và phát triển kinh tế hợp tác, tổ chức phát triển sản xuất nông sản theo chuỗi giá trị, trên cơ sở thúc đẩy phát triển kinh tế gia trại, trang trại, tiếp tục phát triển liên kết “4 nhà” ở các vùng sản xuất hàng hóa, trong đó, ưu tiên hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm phù hợp điều kiện sản xuất an toàn, có thị trường tiêu thụ ổn định để nâng cao chuỗi giá trị sản xuất, kết hợp xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa. Chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, các biện pháp kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh phù hợp với điều kiện thực tiễn địa phương. Tăng cường công tác khuyến nông, xây dựng các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm, khuyến cáo kịp thời các cây trồng, các mô hình liên kết sản xuất có hiệu quả, các tiến bộ kỹ thuật mới nhằm giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập cho nhân dân.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các cơ quan chuyên môn chủ động cung ứng giống, phân bón kịp thời phục vụ sản xuất nông nghiệp; điều tra, phát hiện, dự tính, dự báo sinh vật gây hại, phát hiện sớm các đối tượng dịch hại để có biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả. Phân công cán bộ bám sát cơ sở nắm chắc diễn biến của dịch hại, tình hình sản xuất trên từng địa bàn để hướng dẫn các địa phương và nông dân trong việc áp dụng cơ cấu giống, mùa vụ và các biện pháp phòng trừ sâu bệnh, bón phân trên các loại cây trồng nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh gây ra.

Phương Oanh

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/tap-trung-san-xuat-vu-xuan-3175484.html