Tào Tháo, Võ Tắc Thiên đều là người đi ngược dòng thời thế

'Luận anh hùng' của Dịch Trung Thiên bàn luận về 5 nhân vật: Hạng Vũ, Tào Tháo, Võ Tắc Thiên, Hải Thụy và Ung Chính, đặt trong bối cảnh các thời đại khác nhau.

Dịch Trung Thiên là tác giả, nhà văn, nhà mỹ học sinh năm 1947 tại Hồ Nam. Ông tham gia nhiều ngành khoa học, có phạm vi nghiên cứu trải rộng, bao gồm cả văn học, thẩm mĩ, tâm lí học, nhân loại học, sử học.

Dịch Trung Thiên có nhiều tác phẩm về lịch sử, văn hóa, chính trị: Luận anh hùng (tên gốc là Phẩm nhân lục), Phẩm Tam quốc, Chuyện phiếm người Trung Quốc, Tiên Tần chư tử bách gia tranh minh, Cái kết của Đế quốc, Dịch Trung Thiên Trung Hoa sử.

Trong đó, Luận anh hùng là tác phẩm thu hút sự chú ý của nhiều độc giả khi các nhân vật được tác giả lựa chọn để bàn luận, phân tích đều tạo nên nhiều tranh luận trái chiều.

Chân dung những người đi ngược dòng thời đại

Luận anh hùng của nhà sử học Dịch Trung Thiên đặt vấn đề bàn luận về những con người được xem là “anh hùng” trong lịch sử Trung Quốc. Đó là Hạng Vũ, Tào Tháo, Võ Tắc Thiên, Hải Thụy và Ung Chính.

“Đối với đúng sai, công tội, thiện ác, được mất của họ, người đời có thể bàn luận mãi mãi, nhưng cũng chính vì những điểm này chẳng phải đã chứng minh rõ, họ là những người phi phàm? Nhưng không có ai không là nhân vật đầy tính bi kịch…”, Dịch Trung Thiên khái quát năm nhân vật lịch sử mà ông coi là “anh hùng” như vậy.

Ông cho độc giả thấy họ trước hết là những con người, con người bằng xương thịt, chứa đầy những mặt ưu trội cũng như hạn chế của con người bình thường. Nhưng trên hết, họ là những cá nhân có lý tưởng lớn lao, nỗ lực và bền bỉ để thực hiện lý tưởng đó.

Họ mong muốn thiết lập nên một trật tự chính trị, trật tự xã hội của riêng mình, vận hành theo cách của mình, hiện thực hóa các mục tiêu cá nhân và nhóm mà họ đại diện.

Sau cùng, họ đều rơi vào những bi kịch liên tiếp, bị đẩy vào tình huống tranh đấu kịch liệt với hoàn cảnh và kết thúc cuộc đời của chính mình với những bình phẩm trái chiều, phức tạp của người đời sau.

Võ Tắc Thiên là một ví dụ. Bà xuất thân giàu sang, thuộc hàng trâm anh thế phiệt, nhập cung làm vợ của hai vị hoàng đế nhà Đường. Càng lúc bà càng chứng tỏ bản thân không phải một phụ nữ bình thường mà là một con người tham vọng chính trị và biết cách làm chính trị.

Triều đại Võ Chu do bà lập nên đã đưa Trung Quốc tiến xa trên con đường trở thành một đế chế. Nhưng quyền lực chính trị đẩy bà vào khối bi kịch lớn, phải hạ sát con ruột, phải biến các hoàng tử khác thành “con rối”, phải sát hại nhiều cận thần, hứng chịu sự coi thường từ một “triều đình đàn ông”.

Cuối cùng, lực lượng chống đối chiến thắng và bà phải chấp nhận từ bỏ quyền lực để sống cô đơn nốt phần đời còn lại. Hậu thế vẫn còn tranh luận rất nhiều về bà cũng như vai trò của nữ hoàng đế uy quyền.

 Sách Luận anh hùng do NXB Văn học và Quảng Văn phát hành. Ảnh: Phan Phan.

Sách Luận anh hùng do NXB Văn học và Quảng Văn phát hành. Ảnh: Phan Phan.

Lịch sử được xây đắp nên bởi cả định kiến lẫn tinh thần truy cầu chân lý, cả tư duy đóng khuôn và ý chí tự do, cả hận thù và tình yêu thương... Không có thứ lịch sử tuyệt đối và duy nhất, chỉ có vô số nhận thức lịch sử cùng tồn tại, cạnh tranh, tìm ra con đường phát triển và có được sự chấp nhận của số đông.

Do đó, không nên chỉ đơn giản dựa vào Sử ký của Tư Mã Thiên để khẳng định Hạng Vũ chẳng qua thất bại vì không đủ “lòng nhân”, hữu dung vô mưu, thiếu uy tín để hiệu triệu nhân tài trong thiên hạ.

Cũng không thể chỉ vì xưa nay trên sân khấu hí kịch Trung Quốc, nhân vật Tào Tháo chỉ xuất hiện dưới lớp mặt nạ trắng, chẳng tô vẽ nhiều, vốn là thứ mặt nạ ẩn dụ cho kẻ xấu xa, mà “đóng đinh” nhận thức rằng ông ta chỉ là kẻ gian trá, mưu mẹo, nhẫn tâm mà thiếu đi trí tuệ, lòng nhân, dũng khí.

Võ Tắc Thiên, Hải Thụy, Ung Chính cũng không phải chỉ có mặt tàn nhẫn, gàn dở, mê muội. Mỗi cá nhân xuất chúng ấy, ở một phương diện nào đó, đều góp phần vào diễn trình chung của sự phát triển.

Và với việc khắc họa chân dung vừa tỉ mỉ, chi tiết, vừa mới lạ, cuốn hút của năm con người “ngược dòng” trong quá khứ, Dịch Trung Thiên đã thể hiện bản lĩnh của một nhà sử học chân chính.

Vậy thế nào là một cá nhân anh hùng?

Năm nhân vật trong Luận anh hùng trên thực tế thuộc nhóm nhân vật “bên lề chính sử”. Điều đó không có nghĩa là họ không được ghi chép, không được phản ánh bởi các bộ sử biên niên mang nặng tính chính thống và tư tưởng chính - ngụy.

Tuy nhiên, họ không được quan điểm chính thống thừa nhận một cách niềm nở, dễ chịu như nhiều nhân vật đương thời hoặc đối địch với họ.

Truyền thống sử ký Trung Quốc thời trung đại tỏ ra khá khắt khe khi đánh giá những nhân vật sở hữu “lý lịch” trật ra khỏi hệ quy chiếu Nho giáo - hệ tư tưởng chi phối xã hội.

 Tạo hình Võ Tắc Thiên của Phạm Băng Băng trong phim Võ Mỵ Nương truyền kỳ.

Tạo hình Võ Tắc Thiên của Phạm Băng Băng trong phim Võ Mỵ Nương truyền kỳ.

Hạng Vũ là “kẻ thất bại” trước người sáng lập vương triều Hán tồn tại gần 400 năm, cũng là triều đại mở đầu việc tôn sùng Nho giáo.

Tào Tháo “cưỡng ép Thiên tử, ra lệnh chư hầu”, cuối đời lại lũng đoạn quyền lực nhà Hán, là quyền thần “khi quân phạm thượng”.

Võ Tắc Thiên là phụ nữ, ở hậu cung mà lại tham chính, lấn lướt rồi xóa bỏ cả nhà Đường để làm hoàng đế.

Hải Thụy nguồn gốc ngoại quốc, tấn công cả vào gốc rễ của chế độ quân chủ và mang hơi hướm của một người đứng trên cả trật tự xã hội để phán xét về trật tự xã hội.

Ung Chính Hoàng đế lên ngôi khi còn nhiều mờ ám, lại là người của Mãn Châu, đối lập gay gắt với người Hán ở Trung Nguyên.

Những nhân vật nằm ở bờ rìa của nhận thức lịch sử chính thống nhưng lại được Dịch Trung Thiên lựa chọn bởi họ gần hơn với tiêu chuẩn “anh hùng” của giới bình dân, của đại chúng.

Dịch Trung Thiên đã bóc tách từ sử liệu để nhìn ra một mối mâu thuẫn lớn trong số phận mỗi nhân vật. Ông thấy rằng, các nhân vật đều có những tính cách đặc biệt, ở trong những hoàn cảnh đặc biệt của thời đại mà họ sống, mang đủ tài năng và ý chí muốn thay đổi thời đại, thay đổi hoàn cảnh nhưng lại gặp phải bi kịch của chính môi trường và xã hội đã sản sinh ra họ.

Họ thất bại bởi tấn bi kịch mang tên thời đại - biến động, nhiễu nhương, bất ổn. Phải chăng, người mang cốt cách “anh hùng” theo Dịch Trung Thiên phải có ý nguyện lớn lao mang tới sự thay đổi tiến bộ cho xã hội họ đang sống, bằng những công cụ và phương tiện khác nhau nhưng luôn cô đơn trên chặng đường đó.

Cần nhấn mạnh là cả 5 nhân vật này đều thoái lui khỏi sân khấu chính trị và trút hơi thở cuối cùng trong cô đơn.

Nhiều người sẽ đặt câu hỏi tại sao Lưu Bang, Khổng Minh, Đường Thái Tông hay Nhạc Phi không được đưa vào cuốn sách này. Họ cũng là anh hùng, nhưng hẳn nhiên là anh hùng theo nghĩa khác, chưa bao giờ bị gạt ra ngoài lề chung của chính sử.

Nói khác đi, tuýp anh hùng cổ điển đã không thực sự tạo ra sự thuyết phục với một người độc đáo như Dịch Trung Thiên.

Dịch Trung Thiên đã sử dụng dữ liệu từ lịch sử để kể lại câu chuyện về những con người phi phàm, vượt lên thời đại nhưng ai cũng bị chính thời đại biến thành con người bi kịch.

Câu chuyện của những con người bị hủy hoại trong chính bi kịch của mình cũng là câu chuyện của hầu như mọi mô-típ anh hùng bi kịch mà nhân loại chứng kiến.

Và một khi nó không còn bó hẹp trong lịch sử Trung Quốc, nhân vật của Luận anh hùng càng trở nên có sức sống lâu bền và rộng lớn hơn.

Trần Anh Đức

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tao-thao-vo-tac-thien-deu-la-nguoi-di-nguoc-dong-thoi-the-post1107440.html