Tạo niềm tin từ chuỗi nông sản an toàn

Tỉnh ta hiện có 124 chuỗi cung ứng nông sản, thủy sản an toàn; trên 2.000 ha cây trồng áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt tham gia liên kết chuỗi; 18 sản phẩm mang địa danh của tỉnh được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ... Đó là những con số minh chứng sự nỗ lực của tỉnh trong xây dựng và phát triển các chuỗi thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn, góp phần gia tăng giá trị nông sản, tạo niềm tin đối với người tiêu dùng.

Nâng tầm giá trị sản phẩm nông sản địa phương

HTX Cà phê Bích Thao (xã Hua La, Thành phố) là một trong 5 cơ sở sản xuất nằm trong chuỗi cung ứng chè, cà phê an toàn của tỉnh. Năm 2017, Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên (Trung tâm Nghiên cứu và chuyển giao công nghệ cà phê EAKMAT) phối hợp với Bộ Nông nghiệp và PTNT đầu tư cho HTX trồng thử nghiệm 15 ha cà phê chè giống mới (THA 1) trên địa bàn xã Hua La (Thành phố) và xã Mường Do (Phù Yên) theo Chương trình phát triển cà phê quốc gia. Bên cạnh đó, HTX ứng dụng KHKT trong trồng và chăm sóc 15 ha cà phê theo tiêu chuẩn VietGAP; phối hợp với Tập đoàn NTEA Việt Nam triển khai mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ đối với 10 ha cà phê chè THA 1, năng suất cao, quả to (hiện đã cho sản phẩm phục vụ chế biến xuất khẩu).

HTX Cà phê Bích Thao hiện có 3 sản phẩm chủ yếu là cà phê nhân thường, cà phê mật ong, trà siro vỏ cà phê bán ra thị trường trong nước và xuất khẩu sang các nước Đức, Thái Lan, Mỹ. Niên vụ vừa qua, HTX sản xuất, chế biến và xuất bán trên 1.500 tấn cà phê, giá bán bình quân từ 40.000 - 60.000 đồng/kg cà phê nhân thông thường, 450.000 - 700.000 đồng/kg cà phê “mật ong” và 450.000 đồng/kg trà siro vỏ cà phê, doanh thu trên 40 tỷ đồng, không chỉ mang lại thu nhập ổn định cho các thành viên, mà còn tạo việc làm thường xuyên cho 9 lao động địa phương, với mức thu nhập bình quân 5-6 triệu đồng/người/tháng. Đặc biệt, năm 2019, HTX đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP.

Các sản phẩm nông sản Sơn La tham gia chuỗi được người tiêu dùng ưa chuộng.

Ngoài HTX Cà phê Bích Thao, toàn tỉnh hiện còn 123 cơ sở sản xuất thuộc 19 chuỗi cung ứng rau, 73 chuỗi cung ứng quả, 5 chuỗi cung ứng chè, cà phê, 10 chuỗi cung ứng sản phẩm chăn nuôi; 17 chuỗi cung ứng sản phẩm thủy sản. Đây là những mô hình liên kết sản xuất áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt như VietGAP, GlobalGAP và các tiêu chuẩn tương tự; các sản phẩm được đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, nhận diện và truy xuất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm. Đồng thời, các cơ sở này là nơi sản xuất, cung ứng toàn bộ sản phẩm nông sản an toàn phục vụ trong tỉnh, trong nước và tham gia xuất khẩu sang các nước và vùng lãnh thổ... Năm 2019, giá trị hàng hóa xuất khẩu nông sản toàn tỉnh đạt trên 140 triệu USD, tăng 21,8% so với năm 2018. Trong đó, xuất khẩu quả gần 20.800 tấn; nông sản chế biến (cà phê nhân, tinh bột sắn, đường kết tinh, chè...) trên 117.000 tấn.

Nỗ lực xây dựng chuỗi nông sản

Liên kết chuỗi cung ứng nông sản, thủy sản an toàn là nền tảng ban đầu để hình thành liên kết chuỗi giá trị, xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP của tỉnh - xu thế tất yếu trong tổ chức phát triển sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản, thủy sản an toàn, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Xác định rõ tầm quan trọng của liên kết chuỗi, Sở Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố tuyên truyền tới các doanh nghiệp, HTX và các tổ chức cá nhân sản xuất, thu mua, sơ chế, chế biến, tiêu thụ hình thành các vùng sản xuất nông sản, thủy sản tập trung, áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, quy trình quản lý chất lượng tiên tiến, bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm; kết nối, hình thành các chuỗi cung ứng nông sản, thủy sản an toàn khép kín từ sản xuất ban đầu đến thu mua, vận chuyển, bảo quản, sơ chế, chế biến, phân phối, tiêu thụ sản phẩm... Các cơ chế, chính sách của tỉnh ngày càng được hoàn thiện đã thu hút và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, trở thành nòng cốt trong chuỗi giá trị nông sản, tạo động lực phát triển cho địa phương.

Mục tiêu trong năm 2020, toàn tỉnh duy trì và phát triển ổn định 194 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn, phấn đấu tăng 50% số chuỗi so với năm 2019. Diện tích, sản lượng nông sản, thủy sản thực phẩm an toàn áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP, GlobalGAP và các tiêu chuẩn tương tự tăng 50% so với năm 2019. Để hoàn thành các mục tiêu, ngành Nông nghiệp và PTNT tiếp tục hỗ trợ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, HTX thực hiện dồn điền đổi thửa, đầu tư xây dựng cải tạo cơ sở hạ tầng, hình thành vùng sản xuất hàng hóa nông sản an toàn tập trung. Xây dựng liên kết giữa khu vực sản xuất, chế biến, bảo quản và khu vực phân phối bán lẻ, tạo dựng lòng tin và hệ thống tiêu chuẩn và chứng nhận thực phẩm nông, lâm thủy sản an toàn. Tổ chức kiểm tra, lấy mẫu giám sát, phân tích nguy cơ về an toàn thực phẩm trong toàn bộ chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn để đưa ra các biện pháp kiểm soát phù hợp, bảo đảm an toàn thực phẩm...

Sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị là hướng đi bền vững giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân. Hình thức này đảm bảo cho các tác nhân tham gia trong chuỗi giá trị chia sẻ quyền lợi, trách nhiệm với nhau, điều tiết cung cầu thị trường và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Nguyễn Yến

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/tao-niem-tin-tu-chuoi-nong-san-an-toan-28928