Tạo nền tảng vững chắc để đạt tăng trưởng hai con số

Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết bổ sung Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 8% trở lên. Theo TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), đây là mục tiêu rất cao, nhưng phải phấn đấu để tạo nền tảng vững chắc cho tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026 - 2030.

TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR)

TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR)

Là nền kinh tế mở, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào kinh tế thế giới. Để đạt tốc độ tăng trưởng 8% trở lên, theo ông, có thuận lợi và khó khăn gì từ bên ngoài?

Vài tháng trước, các tổ chức tài chính thế giới dự báo, tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2025 “đi ngang”, tức là tăng tương đương năm 2024, từ 2,6% đến 3,3%. Tuy nhiên, sau khi ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng (ngày 20/1/2025), với hàng loạt chính sách mới cùng với các hành động quyết liệt, nên các dự báo có lẽ không còn chính xác nữa. Với những quyết sách và hành động của Chính phủ Hoa Kỳ, kinh tế thế giới có thể sẽ tốt lên.

Trong 3 năm qua, xung đột Nga-Ukraine liên tục leo thang, nhưng khi ông Donald Trump nắm quyền, thì cuộc chiến bắt đầu dịu lại. Gần đây nhất, các nhà ngoại giao Nga và Hoa Kỳ đã gặp nhau tại Saudi Arabia để thảo luận về việc khôi phục quan hệ và đàm phán chấm dứt chiến tranh ở Ukraine.

Tương tự, xung đột ở Trung Đông cũng đang dịu lại, các xung đột khác trên thế giới cũng có chiều hướng lắng dịu. Việc này tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế thế giới tăng trưởng cao hơn. Đây cũng là thuận lợi cho nền kinh tế nước ta.

Thuế quan là “vũ khí tối thượng” của Tổng thống Donald Trump. Việc Chính phủ Hoa Kỳ tăng thuế đối với nhôm, sắt thép và với tất cả hàng hóa từ Trung Quốc, Mexico, Canada chắc chắn tác động rất lớn tới Việt Nam, thưa ông?

Các chính sách bảo hộ của của ông Trump có thể dẫn đến phân mảnh toàn cầu và làm suy yếu hoạt động thương mại. Việc Hoa Kỳ áp thuế cao với nhôm, sắt thép và tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Mexico, Canada và Trung Quốc chắc chắn tác động rất lớn đến dòng chảy hàng hóa toàn cầu, trong đó có Việt Nam, nhưng chúng ta có thể được hưởng lợi nhờ thay thế các nước bị áp thuế cao để xuất khẩu vào Hoa Kỳ.

Các nhà hoạch định chính sách chắc chắn đã tính toán tất cả cơ hội, thách thức, rủi ro các chính sách mới của Hoa Kỳ, nên mới kiến nghị Quốc hội thông qua mục tiêu tăng trưởng ít nhất 8% trong năm nay. Để đạt được tốc độ tăng trưởng này, cần rất nhiều yếu tố, trong đó, kim ngạnh xuất khẩu phải tăng tối thiểu 12%, thặng dư thương mại khoảng 30 tỷ USD, giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài khoảng 28 tỷ USD (năm 2024 đạt 25,35 tỷ USD, tăng 9,4%).

Tháng 1/2025 mặc dù rơi vào thời gian diễn ra Tết Nguyên đán Ất Tỵ, nhưng hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn tiếp tục khởi sắc. Ông có nghĩ đây là dấu hiệu của sự bứt phá trong năm nay?

Qua nhiều giai đoạn khó khăn, doanh nghiệp đã có sự thích ứng nhanh hơn với khó khăn, biến động bất lợi.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết, tháng 1/2025, dù được nghỉ Tết 9 ngày, nhưng vốn đăng ký tăng thêm của doanh nghiệp đang hoạt động đạt hơn 367.200 tỷ đồng, tăng 158% so với cùng kỳ năm 2024; gần 22.800 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động - gấp 2,6 lần tháng 12/2024 và tăng hơn 65% so với cùng kỳ năm 2024, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong tháng 1/2025 lên hơn 33.400 đơn vị, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2024. Đây là tín hiệu rất khả quan.

Vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục khởi sắc, khi tháng đầu năm, Việt Nam thu hút được 4,33 tỷ USD, tăng 48,6% so với cùng kỳ năm trước.

GDP tăng 8% là mục tiêu rất cao. Để đạt được mục tiêu này, ông có khuyến nghị gì?

Ổn định kinh tế vĩ mô gắn với phục hồi tăng trưởng nhanh và mạnh mẽ hơn, tránh tư duy nóng vội, chủ quan duy ý chí. Các chính sách vĩ mô cần ban hành một cách cẩn trọng, có đánh giá tác động đa chiều và có lộ trình cụ thể.

Tại Kỳ họp bất thường lần thứ chín, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước. Thể chế được chỉ đích danh là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”. Vì vậy, Quốc hội xác định, đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, pháp luật và nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật nhằm tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư, sản xuất kinh doanh, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi số.

Nhà đầu tư trong và ngoài nước, cộng đồng doanh nghiệp rất mừng là Quốc hội đã có kế hoạch tập trung rà soát, sớm sửa đổi Luật Doanh nghiệp; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư; Luật Đấu thầu; Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.

Tập trung cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, tạo mọi điều kiện giải quyết nhanh các thủ tục đầu tư, khó khăn vướng mắc trong hoạt động đầu tư - kinh doanh, khuyến khích đầu tư của mọi thành phần kinh tế.

Ông có nghĩ rằng, Nghị quyết bổ sung Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 vừa được Quốc hội thông qua sẽ tạo động lực để GDP tăng trưởng 2 con số?

Để tăng trưởng kinh tế, ngoài yếu tố bên ngoài (xuất nhập khẩu, đầu tư nước ngoài), thì trong nước giữ vai trò then chốt. Việc nâng vốn đầu tư công thêm 84.300 tỷ đồng, nới lạm phát lên 4,5-5,0% chính là việc đảm bảo dư địa hỗ trợ hoạt động kinh tế trong nước.

Trong trung hạn, trong trường hợp cần thiết, có thể xem xét điều chỉnh bội chi lên mức khoảng 4 - 4,5% GDP để huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển; nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia có thể đến ngưỡng hoặc vượt ngưỡng cảnh báo (khoảng 5% GDP) nhằm tạo điều kiện huy động vốn đầu tư cho những công trình trọng điểm quốc gia như đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận…

Mạnh Bôn

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/tao-nen-tang-vung-chac-de-dat-tang-truong-hai-con-so-d248105.html