Tạo điều kiện cho lao động Việt Nam nâng cao trình độ, kỹ năng để cống hiến cho đất nước

Dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài cần được xây dựng theo hướng thúc đẩy việc nâng cao chất lượng lao động làm việc ở nước ngoài; để sau đó người lao động trở về cống hiến cho đất nước.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng kết luận nội dung thảo luận chiều 20/4. Ảnh: quochoi.vn

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 44, chiều 20/4, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).

Thảo luận tại phiên họp, đa số ý kiến nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật, đồng thời cho rằng, Luật cần hỗ trợ và tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, dự án Luật này cần thúc đẩy chuyển biến về chất trong hoạt động xuất khẩu lao động, không chỉ về lợi ích kinh tế mà còn nâng cao chất lượng, trình độ người lao động làm việc ở nước ngoài; để họ sau khi được đào tạo, có kinh nghiệm ở các nước phát triển quay trở về cống hiến cho đất nước.

Cùng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cũng cho rằng cần thay đổi cách tiếp cận về thị trường lao động để có cách quy định phù hợp, đầy đủ đối tượng lao động có thể đi làm việc ở nước ngoài từ lao động chân tay, lao động giản đơn đến lao động trình độ cao.

Cho ý kiến về dự thảo Luật, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, cần đặc biệt quan tâm đến hoạt động của ngành nghề đưa lao động ra nước ngoài làm việc trong bối cảnh lao động giản đơn dần được thay thể bởi robot, hướng đến ngành nghề có giá trị gia tăng cao hơn.

Theo Chủ tịch Quốc hội, dự án Luật này phải gắn việc làm trong nước với làm việc ở nước ngoài để sau khi người lao động hết thời hạn làm việc ở nước ngoài về nước có thể tìm được việc làm việc, tiếp tục chính sách bảo hiểm xã hội, thay vì chỉ tập trung vào các quy định để đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý các hành vi nghiêm cấm cần được quy định cụ thể trong Luật nhằm thể chế hóa Hiến pháp; bảo đảm quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế trong quy định của Luật.

Bên cạnh cải cách thủ tục hành chính tạo minh bạch, thuận lợi cho doanh nghiệp đưa lao động đi nước ngoài làm việc, cũng cần quy định chặt chẽ điều kiện kinh doanh và xử lý nghiêm các hành vi trục lợi bất chính, vô trách nhiệm, bỏ rơi người lao động.

Khẳng định dự án Luật đủ điều kiện để trình Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục rà soát kỹ các quy định của dự thảo Luật với các Luật liên quan để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu rõ, qua nghe trình bày Tờ trình, Báo cáo thẩm tra sơ bộ và thảo luận tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy Hồ sơ dự án Luật đã đủ điều kiện để trình Quốc hội.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị các cơ quan hữu quan tiếp thu đầy đủ ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện các văn bản với tinh thần đạt được yêu cầu thể chế đường lối, chính sách của Đảng về việc đưa người Việt Nam đi lao động, học tập ở nước ngoài.

Bà Tòng Thị Phóng cũng lưu ý việc đánh giá tác động kỹ lưỡng các nội dung của Luật nhất là trong thời điểm thế giới có nhiều biến động, khó lường, phức tạp, khó đoán định về kinh tế, quan hệ cung - cầu, tác động sau đại dịch COVID-19.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh, do đây là những vấn đề cần được cập nhật trong quá trình xây dựng Luật, Tờ trình và Báo cáo thẩm tra cần có đánh giá, dự báo sát đúng, kịp thời. Cùng với đó là tiếp tục rà soát, đánh giá tác động chính sách, lấy ý kiến các doanh nghiệp, chính quyền địa phương về dự thảo Luật.

PV

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tao-dieu-kien-cho-lao-dong-viet-nam-nang-cao-trinh-do-ky-nang-de-cong-hien-cho-dat-nuoc-post77233.html