Tạo đà phát triển ngành Dược
Ngành Dược có vai trò rất quan trọng, do đó, tỉnh ta đã xác định rõ tiềm năng, thế mạnh về dược liệu, nền y học cổ truyền và nhiều giải pháp trọng tâm vì mục tiêu chăm sóc tốt sức khỏe nhân dân.
Toàn tỉnh hiện có 14 cơ sở bán buôn, 84 nhà thuốc, 372 quầy thuốc và 1 công ty được cấp Giấy chứng nhận “Thực hành tốt sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc”, sản xuất các dạng thuốc có nguồn gốc từ dược liệu, thuốc cổ truyền. Hệ thống phân phối thuốc từ tỉnh đến huyện, xã góp phần thực hiện tốt các yêu cầu về quản lý, chuyên môn, đưa thuốc đến vùng sâu, xa. Việc cung ứng thuốc thuộc các Chương trình y tế Quốc gia, phòng dịch, thuốc viện trợ… cho các cơ sở y tế, cơ sở bán lẻ được thực hiện kịp thời. Về nhân lực dược tại các cơ sở y tế công lập có 294 người, tỷ lệ dược sĩ đại học đạt 1,12/vạn dân. Hoạt động thanh tra, kiểm tra được tăng cường đã bình ổn giá, đảm bảo cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc có chất lượng cho nhu cầu phòng, chữa bệnh của nhân dân.
Nâng cao chất lượng quản lý dược, thời gian qua, Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Kiểm nghiệm duy trì quản lý chất lượng phòng thí nghiệm phù hợp theo tiêu chuẩn quốc tế ISO/IEC 17025:2017 và triển khai các kỹ thuật kiểm nghiệm cơ bản theo tiêu chuẩn thực hành tốt phòng thí nghiệm. Đồng thời, giám sát, lấy mẫu kiểm tra chất lượng thuốc tại các cơ sở y tế, kinh doanh, theo dõi phản ứng có hại của thuốc. Qua đánh giá, 100% kho thuốc các bệnh viện đảm bảo về trang bị bảo quản, đạt tiêu chuẩn thực hành tốt bảo quản thuốc, thực hiện đầy đủ hoạt động chuyên môn về dược theo thông tư của Bộ Y tế. Các cơ sở y tế ứng dụng hiệu quả phần mềm quản lý thuốc, hệ thống thông tin Quốc gia về quản lý kê đơn thuốc và bán thuốc theo đơn.
Thực hiện Chiến lược Quốc gia phát triển ngành Dược, giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh ta xác định mục tiêu đảm bảo cung ứng thuốc đầy đủ, kịp thời, có chất lượng với mức chi phí hợp lý cho người dân, tối ưu hóa việc sử dụng thuốc. Trong đó, phấn đấu đến năm 2030: 100% thuốc được cung ứng chủ động, kịp thời, duy trì tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước/tổng số tiền sử dụng thuốc tại các cơ sở y tế/năm; 100% cơ sở bán buôn thuốc đạt tiêu chuẩn “Thực hành tốt phân phối thuốc”; tất cả bệnh viện các tuyến, Trung tâm Y tế tuân thủ “Thực hành tốt bảo quản thuốc”… Các giải pháp trọng tâm tập trung rà soát, quy hoạch hệ thống cung ứng thuốc đảm bảo chuyên nghiệp, hiện đại, nhất là cung ứng tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, có điều kiện đặc biệt khó khăn. Nâng cao năng lực quản lý, kiểm soát chất lượng thuốc, tham gia chuỗi giá trị trong ngành Dược. Triển khai hiệu quả các hoạt động dược lâm sàng theo lộ trình đảm bảo sử dụng thuốc hợp lý, an toàn.
Một trong những mục tiêu trọng tâm phát triển ngành Dược, Hà Giang xác định sản xuất dược liệu trở thành hàng hóa có chất lượng và giá trị cao. Với tiềm năng vô cùng lớn, toàn tỉnh đã phát hiện được trên 1.000 loài dược liệu khác nhau, thuộc 184 họ, 662 chi thực vật. Trong các khu bảo tồn thiên nhiên đang bảo tồn nguồn gen của nhiều loại cây thuốc quý, nhiều loài được đưa vào diện có nguy cơ đe dọa trong Sách Đỏ Việt Nam. Trên cơ sở Quy hoạch tổng thể phát triển cây dược liệu đến 2025, tỉnh tiếp tục kêu gọi, thu hút nhiều nhà khoa học, nhà đầu tư triển khai trồng, khai thác, cung ứng giống, kỹ thuật phát triển dược liệu. Cùng với đó, có chính sách ưu đãi nghiên cứu, sản xuất thuốc có nguồn gốc từ dược liệu; khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư, phát triển nuôi trồng dược liệu theo tiêu chuẩn “Thực hành tốt trồng trọt và thu hái thuốc”. Xây dựng các chuỗi giá trị dược liệu, cơ chế hợp tác, gắn bó giữa nông dân, nhà khoa học, chính quyền và doanh nghiệp.
Thời gian tới, các cấp, các ngành tiếp tục phát triển nhân lực dược, đẩy mạnh các nhiệm vụ khoa học, công nghệ, chuyển đổi số để hiện đại hóa ngành Dược; hoàn thành kết nối online dữ liệu kinh doanh thuốc; chú trọng giám sát về chất lượng, giá, thông tin, nguồn gốc xuất xứ của thuốc…
Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/xa-hoi/202407/tao-da-phat-trien-nganh-duoc-f3b15e7/