Tạo cơ hội để người khuyết tật hòa nhập cộng đồng

Người khuyết tật (NKT) là một trong các nhóm đối tượng yếu thế, được quan tâm trong những hoạt động của Chương trình số 08-CTr/TU ngày 17-3-2021 của Thành ủy Hà Nội về 'phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025'. Trong đó, giải pháp được chú trọng là tạo thêm nhiều cơ hội để NKT tự tin hòa nhập cộng đồng, có khả năng sống độc lập.

Chuyện nhỏ của một người khuyết tật nặng

Xinh xắn, trẻ trung, đôi mắt đen thường ánh lên nét cười tươi vui và tự tin, ít ai nghĩ Trương Thị Mỹ Lệ (phố Thụy Khuê, phường Bưởi, quận Tây Hồ, TP Hà Nội) là NKT nặng. Cô thường xuyên tham gia rất nhiều hoạt động trên địa bàn, khi làm phụ trách tập luyện văn nghệ, làm MC chương trình, lúc lại làm thư ký văn phòng cho các lớp đào tạo nghề của các dự án dành cho NKT, hoặc là thành viên lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở... Hiện nay, Mỹ Lệ là Phó ban Kiểm tra Hội NKT quận Tây Hồ, Chi hội trưởng Chi hội NKT phường Bưởi.

Trò chuyện cùng chúng tôi, Mỹ Lệ không kể nhiều về những di chứng sau cơn sốt cao hồi 2 tuổi đã ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống và sinh hoạt của cô. Mỹ Lệ chia sẻ những việc mình có thể làm, đã và đang làm để hỗ trợ NKT trên địa bàn. Đó là việc kêu gọi nguồn tài trợ để có thêm các suất quà giá trị tặng NKT vào các dịp lễ, tết... Hay việc tham gia tư vấn, hướng dẫn cho các gia đình có con em là NKT hoàn thành các thủ tục để được hưởng trợ cấp hằng tháng theo quy định, mà kết quả gần nhất là hỗ trợ thành công 2 trường hợp, 1 trường hợp gia đình có trẻ bị câm điếc, 1 trường hợp gia đình có trẻ bị thiểu năng trí tuệ. Mỹ Lệ tâm sự: “Bản thân tôi được hưởng trợ cấp hằng tháng, được đi xe buýt miễn phí, được hưởng chính sách bảo hiểm y tế. Trong khi đó, trên địa bàn phường Bưởi hiện nay vẫn còn nhiều NKT ngại làm thủ tục để nhận chế độ trợ cấp hằng tháng. Tôi vui vì có thể hỗ trợ, giúp đỡ những người đồng cảnh”.

Để có một Mỹ Lệ giản dị, bình thản, vui vẻ, tích cực tham gia mọi hoạt động xã hội, cùng với nỗ lực của bản thân, cô luôn có sự đồng hành của cộng đồng, của chính quyền địa phương. Trước đây, Mỹ Lệ tự ti, rụt rè, ngại nói trước đám đông, ngại chia sẻ về tình trạng khuyết tật của mình. Chính việc được trang bị kiến thức, được quan tâm cả về vật chất và tinh thần, được tạo điều kiện để tham gia công tác xã hội đã giúp Mỹ Lệ tự tin, vững vàng hòa nhập cộng đồng.

Mở rộng diện thụ hưởng, đa dạng hình thức hỗ trợ

Tại Hà Nội, thực hiện Chương trình số 08-CTr/TU ngày 17-3-2021 của Thành ủy Hà Nội về “phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025”, từ năm 2021 đến nay, 100% NKT được miễn tiền vé khi sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng. Đặc biệt, với việc ban hành Nghị quyết số 13/2023/NQ-HĐND ngày 6-12-2023, HĐND thành phố đã mở rộng đối tượng thụ hưởng hỗ trợ bảo hiểm y tế, dành cho cả NKT nhẹ, thay vì chỉ áp dụng đối với NKT nặng và đặc biệt nặng. Sau khi nghị quyết được ban hành và triển khai thực hiện, có 13.500 NKT nhẹ được hỗ trợ 100% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế. Nói cách khác, hiện nay, 100% NKT ở Hà Nội được hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm y tế. 100% học sinh khuyết tật được miễn học phí.

Tổng hợp số liệu quý I-2024 của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TP Hà Nội cho thấy, toàn thành phố hiện có hơn 116.000 NKT được hưởng đầy đủ các chính sách theo quy định (trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng, cấp thẻ bảo hiểm y tế, miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập đối với học sinh khuyết tật, đi xe buýt miễn phí...). Bên cạnh đó, theo Phó giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TP Hà Nội Nguyễn Hồng Dân, thực hiện Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đã trình UBND thành phố ban hành Chương trình số 252/CTr-UBND ngày 5-11-2021 về Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng cho trẻ em khuyết tật trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025 (giao Trung tâm Phục hồi chức năng Việt-Hàn, đơn vị trực thuộc Sở triển khai thực hiện). Trong giai đoạn 2021-2023, chương trình đã được triển khai tại 90 xã, thị trấn thuộc 12 huyện với những kết quả như: Tập huấn cho 1.803 cán bộ, cộng tác viên; điều tra, sàng lọc 225.942 trẻ; phát hiện, khám phân loại 2.001 trẻ có nghi ngờ rối loạn phát triển; tập huấn chuyển giao kiến thức, kỹ năng tới 600 gia đình trẻ khuyết tật; hỗ trợ dụng cụ cho 208 trẻ khuyết tật...

Quang cảnh một lớp học nghề may của người khuyết tật quận Tây Hồ, TP Hà Nội.

Đáng chú ý, để NKT tự tin hòa nhập cộng đồng, thông qua các hoạt động của Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội, thành phố chú trọng hỗ trợ tạo việc làm cho lao động là NKT, nâng cao hiệu quả hoạt động vay vốn giải quyết việc làm từ nguồn ngân sách thành phố ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội. Qua đó, hạn chế tình trạng NKT phải đi vay nặng lãi, giúp NKT làm quen với tín dụng ngân hàng, thay đổi cơ bản nhận thức trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng vốn có hiệu quả, tạo việc làm và thu nhập ổn định, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Bằng hàng loạt giải pháp, đời sống vật chất, tinh thần của NKT trên địa bàn Thủ đô ngày càng được nâng cao. Bản thân NKT cũng tự tin, nỗ lực phấn đấu học tập, làm việc để cải thiện cuộc sống của chính họ và giúp đỡ gia đình, tham gia vào các hoạt động xã hội để hòa nhập cộng đồng.

Bài và ảnh: MAI HOA

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/tao-co-hoi-de-nguoi-khuyet-tat-hoa-nhap-cong-dong-776741