Tăng quyền tự chủ, không cấm doanh nghiệp nhà nước kinh doanh bất động sản
Ngày 13/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Quốc hội nghe Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và tài chính Phan Văn Mãi, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật gồm có 8 chương, 59 điều, giảm 3 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8. Dự thảo đã cắt giảm 7/24 (khoảng 30%) thủ tục hành chính; khoảng 50% số thủ tục trình lên Thủ tướng Chính phủ được cắt giảm hoặc phân cấp cho cơ quan đại diện chủ sở hữu, tăng cường phân cấp cho doanh nghiệp.
Một trong những điểm mới của dự thảo được đại biểu đánh giá cao là việc tăng cường phân cấp, tạo điều kiện để doanh nghiệp có vốn nhà nước phát huy tính chủ động, tự chủ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng.
Dự thảo Luật cũng quy định rõ trách nhiệm của Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty trong việc ban hành và điều chỉnh chiến lược kinh doanh, kế hoạch kinh doanh hàng năm. Quyết định này được căn cứ vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, nhiệm vụ và chỉ tiêu do đại diện chủ sở hữu nhà nước giao. Đây được xem là bước tiến quan trọng nhằm tháo gỡ vướng mắc về thủ tục phê duyệt, giúp doanh nghiệp chủ động hơn trong điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh.
Bộ trưởng Bộ tài chính Nguyễn Văn Thắng:
Thay đổi căn bản của dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp là nhà nước thực hiện các quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm tương ứng với tỷ lệ sở hữu vốn góp tại doanh nghiệp nhà nước, bình đẳng như các nhà đầu tư khác, không can thiệp trực tiếp vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cho hay: “Tôi vừa trao đổi với một doanh nghiệp nhà nước và họ cho rằng, việc sửa đổi lần này đã tạo điều kiện thêm cho quyền tự chủ, quyền tự quyết của các doanh nghiệp Nhà nước hiện nay".
Bên cạnh tăng quyền tự quyết cho doanh nghiệp, dự thảo Luật cũng bổ sung các quy định tăng trách nhiệm của người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Góp ý thêm về dự thảo, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (Cần Thơ) cho rằng, dự thảo quy định người đại diện phần vốn nhà nước có trách nhiệm báo cáo kịp thời cơ quan đại diện chủ sở hữu về việc doanh nghiệp có vốn nhà nước hoạt động thua lỗ, không đảm bảo khả năng thanh toán. Theo đại biểu, để nâng cao trách nhiệm của người đại diện chủ sở hữu tại doanh nghiệp nên quy định rõ hơn, yêu cầu người đại diện chủ sở hữu vốn cần phải có những cảnh báo và báo cáo sớm từ trước khi xảy ra thua lỗ đối với các dự án đầu tư hoặc là đối với các nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh khác của doanh nghiệp để đề xuất biện pháp can thiệp phù hợp.
Hồi âm ý kiến đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho hay, đối với doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ trên 50 % đến dưới 100% vốn điều lệ, dự thảo Luật cũng đã phân cấp cho người đại diện phần vốn nhà nước để chủ động quyết định nhiều nội dung theo thẩm quyền; chỉ báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu trước khi tham gia biểu quyết tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông, HĐQT, Hội đồng thành viên đối với một số nội dung quan trọng.
Bên cạnh việc mở rộng phân cấp, phân quyền, mở rộng tự chủ cho các người đại diện vốn của nhà nước tham gia vào doanh nghiệp này, Bộ trưởng cũng nêu rõ nhiệm vụ của người đại diện vốn tham gia Hội đồng thành viên cũng sẽ hết sức nặng nề, với các quy định cụ thể trong Nghị định của Chính phủ.
Cụ thể, hằng năm, nhà nước sẽ giao các chỉ tiêu kế hoạch, trên cơ sở đó có khen thưởng và chế tài nếu không hoàn thành nhiệm vụ. Tất cả những việc này đều được cân đong đo đếm bằng những con số cụ thể.
“Phải có thước đo để đánh giá. Có hiệu quả nhưng hiệu quả như thế nào so với lãi suất ngân hàng, so với hiệu quả của các doanh nghiệp kinh doanh cùng ngành nghề lĩnh vực, chứ không phải cứ có lãi có nghĩa là thành tích”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng phân tích.
Về phạm vi đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, dự thảo quy định phạm vi đầu tư vốn của nhà nước vào doanh nghiệp là những lĩnh vực mà nhà nước cần đầu tư vốn, gồm: Doanh nghiệp cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội; doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh; doanh nghiệp hoạt động tại những địa bàn trọng yếu về quốc phòng, an ninh; doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực độc quyền tự nhiên; doanh nghiệp phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia; ứng dụng công nghệ cao, đầu tư lớn, xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm, quan trọng quốc gia, tạo động lực phát triển nhanh cho các ngành, lĩnh vực khác và nền kinh tế; doanh nghiệp thuộc lĩnh vực then chốt, thiết yếu của nền kinh tế.
Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật không có quy định hạn chế doanh nghiệp nhà nước tham gia kinh doanh bất động sản (khai thác, cho thuê). Việc đầu tư vào lĩnh vực này sẽ được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật hiện hành và dựa trên hiệu quả sử dụng vốn, tránh lãng phí và rủi ro.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp).
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, nên cho phép doanh nghiệp nhà nước đầu tư ngoài ngành như tài chính, bất động sản, song phải xem xét từng trường hợp, doanh nghiệp có đủ năng lực và điều kiện mới được triển khai, bởi bất động sản là miếng bánh béo bở, song không phải ai cũng làm được.
Về ý kiến của đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh, tất cả các doanh nghiệp mà nhà nước tham gia dưới 50% vốn thì vai trò của nhà nước chỉ là đầu tư để tìm kiếm lợi nhuận đều thông qua người đại diện để theo dõi, đánh giá. Nếu hiệu quả thì sẵn sàng tiếp tục góp vốn, nếu không có cơ hội phát triển thì phải thoái vốn.
"Rất nhiều nước có những tập đoàn doanh nghiệp của nhà nước tham gia đầu tư góp vốn vào doanh nghiệp và thành công. Chẳng hạn, Tập đoàn Temasek của Singapore tham gia vào rất nhiều các tập đoàn, doanh nghiệp. Tập đoàn này cũngđang đầu tư vào nhiều khu công nghiệp, doanh nghiệp lớn tại Việt Nam. Hầu hết các doanh nghiệp lớn của Singapore hoạt động hiệu quả Việt Nam đều có phần vốn của Temasek, đem lại nguồn lợi rất lớn cho chính phủ. Nếu tham gia góp vốn vào những ngành, lĩnh vực có hiệu quả thì rất thuận lợi, hỗ trợ tích cực trong tăng thu ngân sách", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khẳng định.
Đánh giá cao ý kiến góp ý của các đại biểu về dự thảo Luật, Bộ trưởng cho biết sẽ nghiên cứu và tiếp thu để đảm bảo dự thảo luật lần này có chất lượng tốt nhất, trình Quốc hội xem xét, thông qua.