Tăng năng lực cạnh tranh, quản trị đô thị

Với mô hình chính quyền mới, người dân và doanh nghiệp kỳ vọng tạo nên nền tảng vững chắc để nâng cao năng lực cạnh tranh và quản trị đô thị

Tiến sĩ Đỗ Thiên Anh Tuấn, Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, cho rằng mô hình chính quyền mới không chỉ là sự thay đổi về địa giới hành chính mà là cơ hội để TP HCM định hình lại cách thức quản trị trong một không gian rộng lớn hơn, phức tạp hơn trước đây rất nhiều.

Tiên phong mô hình quản trị đô thị kiểu mẫu

Tiến sĩ Đỗ Thiên Anh Tuấn phân tích TP HCM có cơ hội tái cấu trúc quy hoạch, đầu tư công và hạ tầng một cách đồng bộ, liên kết thay vì bị chia cắt bởi địa giới cũ. Trong bối cảnh cạnh tranh giữa các siêu đô thị ngày càng gay gắt, mô hình chính quyền mở rộng còn là cơ hội để TP HCM hiện thực hóa tầm nhìn trở thành thành phố cạnh tranh, đáng sống và đáng đầu tư bậc nhất khu vực.

Với mô hình chính quyền địa phương 2 cấp được áp dụng trên cả nước từ ngày 1-7, sẽ giúp rút ngắn quy trình hành chính, giảm chi phí điều phối và tăng hiệu quả thực thi chính sách. Người dân và doanh nghiệp (DN) được tiếp cận dịch vụ công đơn giản, minh bạch và nhanh chóng hơn, từ đó tạo nền tảng vững chắc để nâng cao năng lực cạnh tranh và thu hút đầu tư.

"Việc tích hợp hệ thống dữ liệu và nền tảng công nghệ thông tin trong không gian hành chính mới cũng tạo điều kiện thuận lợi để thành phố thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển chính quyền số và kinh tế số. Xa hơn, TP HCM có thể tiên phong thử nghiệm các cơ chế phân quyền, tài chính và đổi mới sáng tạo đặc thù, trở thành mô hình quản trị đô thị kiểu mẫu cho cả nước" - ông Anh Tuấn nói.

Cán bộ, công chức vận hành thử nghiệm xử lý văn bản tại phường Sài Gòn, TP HCM. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Cán bộ, công chức vận hành thử nghiệm xử lý văn bản tại phường Sài Gòn, TP HCM. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Ông Trần Thanh Bình, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM (HIDS), nhận định trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, TP HCM đặt mục tiêu xây dựng, trở thành thành phố toàn cầu, giàu bản sắc và đáng sống, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, chăm lo an sinh, phúc lợi xã hội, bảo vệ môi trường… "Bộ máy mới sẽ trở nên gọn nhẹ hơn, linh hoạt hơn trong xử lý công việc, góp phần cắt giảm chi phí vận hành và loại bỏ những khâu trung gian không cần thiết. Mô hình mới cũng đòi hỏi tính trách nhiệm cao của cán bộ công chức, phải thay đổi cách nghĩ, tư duy và lề lối làm việc. Bộ máy chính quyền địa phương phải là bộ máy của sự kiến tạo, phục vụ nhân dân. Cán bộ công chức phải thật sự làm chủ công nghệ số trong thực thi công vụ" - ông Trần Thanh Bình nhận xét.

Sau sáp nhập, TP HCM trở thành siêu đô thị với hơn 14 triệu dân và 168 phường, xã, đặc khu. Các khu công nghiệp đặt mục tiêu thu hút hơn 20 tỉ USD giai đoạn 2025-2030. Kinh tế số chiếm khoảng 25% GRDP thành phố. TP HCM đặt mục tiêu nằm trong tốp 5 cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và tốp 15 về chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) nên cần mạnh mẽ cải cách hành chính giúp giảm chi phí, thời gian, chi phí không chính thức.

Theo tiến sĩ Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TP HCM, với mô hình chính quyền mới, người dân và DN rất kỳ vọng một bộ máy hành chính tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, gần dân, sát dân; rút ngắn các cấp trung gian, người dân có thể làm thủ tục trực tiếp tại phường hoặc tỉnh, thành phố. Mô hình này cũng ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số, chuyển đổi số trong quản lý, đẩy mạnh ứng dụng AI, dữ liệu lớn, hạ tầng số và trung tâm dữ liệu. Cung cấp dịch vụ và tư duy hành chính chuyển từ "quản lý" sang "phục vụ", lấy sự hài lòng của người dân và DN làm thước đo hiệu quả.

Doanh nghiệp phải song hành

Theo các chuyên gia hành chính, việc chuyển đổi mô hình chính quyền địa phương không chỉ là yêu cầu mệnh lệnh từ trên xuống, mà còn xuất phát từ chính nhu cầu thực tiễn của người dân và DN.

Về phía DN, ông Trần Thanh Bình cho rằng trong bối cảnh chính quyền địa phương 2 cấp và chuyển đổi số, DN cũng cần chủ động thích ứng và thích nghi. Với cách nhìn nhận mới tại Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị, kinh tế tư nhân sẽ là động lực quan trọng của nền kinh tế. Bản thân DN phải tự nâng cao năng lực nội sinh, ứng dụng những nền tảng công nghệ số vào các quy trình sản xuất, thương mại và quản trị của DN mình. "Có như vậy, DN mới song hành cùng TP HCM và cả nước trong chiến lược phát triển kinh tế nhanh, bền vững, thích ứng với những yêu cầu mới. Có trách nhiệm với xã hội và môi trường sống" - ông Bình nêu.

Tiến sĩ Đỗ Thiên Anh Tuấn phân tích trong bối cảnh trên, bộ máy điều hành, nếu không được tái thiết kịp thời, sẽ dễ bị quá tải khi không gian quản trị nay đã tương đương một vùng kinh tế lớn trước đây. Trong giai đoạn quá độ, việc tinh giản biên chế, sắp xếp nhân sự và tổ chức lại chính quyền cơ sở cũng sẽ đối mặt với nhiều xáo trộn, thậm chí là đứt gãy hành chính tạm thời nếu thiếu chuẩn bị kỹ lưỡng. Hệ thống pháp luật hiện hành vẫn chưa hoàn toàn thích ứng với đơn vị hành chính lớn sau sáp nhập, khiến việc vận hành dễ lúng túng và bị động.

Quan trọng hơn cả là yêu cầu về năng lực lãnh đạo và chất lượng đội ngũ cán bộ. Không gian hành chính mới lớn hơn, phức tạp hơn, đòi hỏi đội ngũ lãnh đạo và cán bộ phải xứng tầm, phải có tư duy cải cách, kỹ năng điều phối, khả năng sử dụng công nghệ và năng lực thực thi trong môi trường đô thị hiện đại.

TP HCM nói riêng và cả nước đang đứng trước một cuộc "lột xác" hành chính. Những thách thức trên không chỉ là rào cản, đồng thời còn là cơ hội để tái định hình mô hình quản trị, hướng đến một chính quyền "tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả" như các mục tiêu đặt ra.

Theo các chuyên gia, thành công của mô hình chính quyền mới sẽ phụ thuộc vào khả năng thực thi trong một bối cảnh mới, rộng lớn và đầy thách thức, lấy sự hài lòng của người dân và DN làm thước đo đánh giá.

Chìa khóa để TP HCM mở cánh cửa phát triển

Chuyên gia Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright góp ý nhằm thật sự trở thành trung tâm khoa học - công nghệ hàng đầu thế giới, TP HCM cần kiến tạo môi trường đổi mới sáng tạo năng động, minh bạch, khuyến khích sự dám nghĩ dám làm, chấp nhận các mô hình kinh doanh mới và khuyến khích mạnh mẽ văn hóa khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Cần xây dựng các không gian sáng tạo mở, các trung tâm khởi nghiệp, vườn ươm công nghệ và hệ thống chính sách hỗ trợ khởi nghiệp từ ý tưởng đến thị trường.

Số hóa trở thành chuẩn mực

Chuyên gia của HIDS nêu quan điểm trong mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, cán bộ công chức không được quyền từ chối khi người dân có yêu cầu cung ứng dịch vụ hành chính công. Dù vậy, quá trình chuyển đổi sẽ khó tránh khỏi thách thức, cần có lộ trình, bước đi cụ thể để tinh giản đầu mối, nhân sự không cần thiết. Có cơ chế đánh giá năng lực nhằm sàng lọc, để thu hút cán bộ công chức giỏi được phụng sự trong khu vực công. Những cán bộ được giữ lại phải thật sự có trình độ làm chủ công nghệ, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, phục vụ người dân nhanh hơn, hiệu quả hơn.

"Hiện nay khoảng 75% chức năng trước đây thuộc các đơn vị hành chính quận, huyện đã được phân cấp và giao quyền về cho cấp phường, xã mới thực hiện. Điều này buộc chính quyền cơ sở phải chủ động, sáng tạo và nhanh chóng thích ứng, nếu không sẽ khó đáp ứng kỳ vọng của người dân và DN trong bối cảnh số hóa đang trở thành chuẩn mực" - lãnh đạo HIDS nói.

THÁI PHƯƠNG

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/tang-nang-luc-canh-tranh-quan-tri-do-thi-196250630222858465.htm