Tăng hiệu lực quản lý cho Cục Phòng chống rửa tiền
Theo Nghị định 146 năm 2024 vừa được Chính phủ ban hành, từ ngày 5/1/2025, Cục Phòng, chống rửa tiền là đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, thay vì trực thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng. Động thái này có ý nghĩa lớn đối với công tác phòng chống rửa tiền (PCRT).
Giao dịch tài khoản. Giao dịch tiền mặt. Mua vàng. Tất cả những giao dịch có giá trị lớn đều được thu thập thông tin. Nếu có nghi ngờ hoặc có cơ sở pháp lý để nghi ngờ tiền, tài sản trong giao dịch có liên quan đến các loại tội phạm thì các tổ chức tín dụng phải lập và gửi báo cáo giao dịch đáng ngờ cho Cục Phòng chống rửa tiền.
Bà Phùng Nguyễn Hải Yến, Phó Tổng giám đốc Vietcombank, cho biết: “Chúng tôi tuân thủ quy định của phòng chống rửa tiền, của Chính phủ và NHNN. Theo đó khách hàng giao dịch từ 400 triệu đồng trở lên trong 1 giao dịch hoặc trong 1 ngày, chúng tôi sẽ thu thập thêm thông tin của khách hàng để báo cáo giao dịch lớn tới NHNN”.
Từ năm 2009 đến tháng 6/2023, Cục PCRT đã tiếp nhận khoảng 19.400 báo cáo giao dịch đáng ngờ từ các đối tượng báo cáo, trong đó đã xử lý xong 16.500 báo cáo, chuyển giao thông tin cho cơ quan chức năng gần 8.694 báo cáo liên quan đến khoảng 1.262 vụ việc.
Yêu cầu về công tác PCRT, tài trợ khủng bố trong tình hình mới ngày càng gia tăng đã đặt ra áp lực ngày càng lớn đối với hoạt động của Cục PCRT, đòi phải có sự thay đổi để nâng cao hiệu quả hoạt động.
Ông Phạm Tiên Phong, Cục trưởng Cục Phòng chống rửa tiền, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cho biết: “Từ ngày 5/1/2025, Cục PCRT được tách ra trực thuộc Thống đốc thay vì trực thuộc Thanh tra giám sát như hiện nay. Đây là cơ sở để Thống đốc trực tiếp ủy quyền cho Cục PCRT triển khai nghiệp vụ chuyên môn. Ngoài ra, đây cũng là bằng chứng chứng minh việc thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam với FATF trong giai đoạn Việt Nam nằm trong giai đoạn giám sát tăng cường của FATF khi Việt Nam còn thiếu hụt trong công tác PCRT”.
Rửa tiền là hành vi của tổ chức, cá nhân nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc của tài sản do phạm tội mà có. Theo kết quả đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền giai đoạn 2018 - 2022 của Bộ Tài chính và NHNN, nguy cơ rửa tiền ở Việt Nam được đánh giá ở mức trung bình cao.