Tăng cường công tác quản lý về dạy thêm, học thêm
Tại Thành phố nhiều phụ huynh quan tâm đến việc học tập của học sinh nên việc cho con đi học thêm là nhu cầu phổ biến. Tuy nhiên, từ một phong trào học tập được khuyến khích là kèm cặp, bổ trợ, bồi dưỡng kiến thức cho học sinh thì việc dạy thêm, học thêm trong thời gian gần đây có nhiều bất cập, hạn chế. Trước thực tế trên, Thành phố tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, xử lý việc dạy thêm, học thêm và giải pháp quản lý, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục tại địa phương.
Để thực hiện nghiêm các quy định dạy thêm, học thêm trên địa bàn, ngay từ đầu năm học, Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Thành phố chỉ đạo các trường triển khai, quán triệt các văn bản chỉ đạo của cấp trên, đồng thời, ban hành và triển khai trực tiếp thông qua các cuộc họp giao ban hiệu trưởng hoặc lồng ghép quán triệt trong những kỳ kiểm tra chuyên đề đối với từng khối, cấp học về việc quản lý dạy thêm, học thêm, các khoản thu trong các cơ sở giáo dục. Nắm bắt thông tin việc triển khai thực hiện của các đơn vị thông qua nhiều kênh khác nhau.
Năm học 2024 - 2025, Thành phố có 32 trường, trong đó 12 trường mầm non với 128 lớp/3.807 học sinh; 11 trường tiểu học với 202 lớp/6.772 học sinh; 8 trường THCS, 1 trường tiểu học và THCS với 136 lớp/5.591 học sinh; tổng số 1.055 cán bộ quản lý, giáo viên. Ngay từ đầu năm học, 100% trường tiểu học, THCS triển khai đầy đủ các văn bản về công tác dạy thêm, học thêm; 11/11 trường tiểu học tổ chức học mô hình bán trú, học sinh học 2 buổi/ngày, đảm bảo thời lượng không quá 7 tiết/ngày theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, 100% trường tiểu học không tổ chức dạy thêm trong nhà trường.
Năm học 2023 - 2024, trên cơ sở nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của học sinh và phụ huynh, các trường THCS trực thuộc tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường theo quy định tại Điều 5 Thông tư số 17/2012/TT-BGD&ĐT, ngày 16/5/2012 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành quy định về dạy thêm, học thêm. 9 trường THCS tổ chức dạy thêm, học thêm đối với 3 môn Toán, Ngữ văn, tiếng Anh các lớp 6, 7, 8, 9; riêng Trường THCS Hợp Giang tổ chức dạy thêm, học thêm đối với các môn Toán, Ngữ văn, tiếng Anh các lớp 6, 7, 8, 9 và Vật lý, Sinh học, Hóa học, Khoa học tự nhiên các lớp 8, 9. Thời gian tổ chức dạy thêm, học thêm vào các buổi chiều, mỗi buổi 3 tiết, mỗi tiết 45 phút; mỗi tuần 3 buổi, mỗi tháng 12 buổi tương ứng 36 tiết học. Mức thu tiền học thêm được thực hiện theo điểm a, khoản 1, Điều 3 Quyết định số 11/2013/QĐ-UBND ngày 24/7/2013 của UBND tỉnh.
Việc tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường thực hiện theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 4 Thông tư số 17/2012/TT-BGD&ĐT ngày 16/5/2012; 100% trường tiểu học tổ chức cho giáo viên ký cam kết không tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường ngay từ đầu mỗi năm học; riêng đối với giáo viên các trường THCS thực hiện theo điểm a, khoản 4 Điều 4 của Thông tư số 17.
Anh Nguyễn Trung Thành, phường Đề Thám chia sẻ: Do thời gian công việc, điều kiện gia đình không kèm được con học tập, ngoài học chính khóa ở trường, gia đình mong muốn con được học thêm một số môn chính như: Toán, Ngữ văn, tiếng Anh, Vật lý, Hóa học. Việc học thêm do các con tự nguyện tham gia nhằm củng cố, nâng cao kiến thức các môn học để thi tốt nghiệp THPT và lựa chọn, định hướng xét tuyển đại học.
Trưởng Phòng GD&ĐT Thành phố Triệu Mỹ Vân cho biết: Thực hiện sự chỉ đạo, quán triệt của UBND Thành phố, Phòng GD&ĐT triển khai nghiêm túc các văn bản, hướng dẫn, quy định của các cấp và ngành giáo dục tới toàn thể giáo viên các trường tiểu học, THCS, tổ chức cho giáo viên ký cam kết không dạy thêm trái quy định. Tuy nhiên, trên thực tế, tại một số trường trung tâm Thành phố, một số phụ huynh do khối lượng công việc nhiều, việc dành thời gian chăm sóc con cái đôi khi bị hạn chế, phụ huynh chủ động tìm đến các thầy, cô giáo có uy tín, kinh nghiệm, những nhà giáo đã nghỉ hưu, những người từng học trong ngành sư phạm nhưng không tham gia công tác trong ngành hay những giáo viên đang trực tiếp giảng dạy để được hỗ trợ trong việc phụ đạo, hướng dẫn thêm cho con em mình. Trước thực trạng đó, để đáp ứng nhu cầu của phụ huynh, đồng thời giúp học sinh củng cố thêm kiến thức ngoài thời gian học ở trường đã dẫn đến việc có một số giáo viên tổ chức các nhóm nhỏ lẻ dạy thêm ngoài nhà trường. Việc phụ huynh có nhu cầu cho con em được củng cố kiến thức ngoài giờ học chính khóa không phải phổ biến ở tất cả các trường tiểu học, THCS trên địa bàn mà chỉ tập trung ở trường học thuộc một số phường trung tâm.
UBND Thành phố chỉ đạo Phòng Thanh tra chủ trì phối hợp với Phòng GD&ĐT kiểm tra công tác dạy thêm, học thêm và các khoản thu tại 3 trường: THCS Hợp Giang, Tiểu học Hưng Đạo và Mầm non 3/10; Phòng GD&ĐT kiểm tra 19 trường học (11 trường tiểu học, 8 trường THCS) về công tác dạy thêm, học thêm gắn với các cuộc kiểm tra theo kế hoạch, kiểm tra chuyên đề tại các nhà trường.
Việc dạy thêm, học thêm là một mặt tích cực của giáo dục, khi dạy thêm, học thêm tập trung vào hai đối tượng: Học sinh có năng khiếu được bồi dưỡng để phát huy khả năng, tham gia thi học sinh giỏi; học sinh có trình độ chưa vững được phụ đạo để đảm bảo theo kịp các bạn trong lớp. Như vậy, để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, thực hiện đúng tính chất trong dạy thêm, học thêm, các ngành chức năng tăng cường nhiều giải pháp định hướng trong việc dạy thêm, học thêm theo hướng tích cực, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục.
Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/tang-cuong-cong-tac-quan-ly-ve-day-them-hoc-them-3173294.html