Tăng cơ hội tiếp cận vốn vay cho phụ nữ khởi nghiệp
Việc khai thác, quản lý các nguồn vốn ủy thác cho vay qua Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) của các cấp Hội phụ nữ đã phát huy vai trò của tổ chức Hội trong việc hỗ trợ hội viên phụ nữ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp, phát triển kinh tế.
Với vai trò là tổ chức chính trị - xã hội có đặc thù về giới, Hội LHPN là đơn vị nhận vốn ủy thác nhiều nhất trong 4 Hội đoàn thể.
Từ khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận 06/KL-TƯ và gần đây nhất là Chỉ thị số 39-CT/TW về nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội trong giai đoạn mới, Hội LHPN Việt Nam đã chỉ đạo một cách toàn diện về hoạt động tín dụng chính sách, nhất là ở cấp cơ sở, phối hợp chặt chẽ với NHCSXH trong triển khai tín dụng chính sách, đảm bảo nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đến đúng đối tượng thụ hưởng.
Việc khai thác, quản lý các nguồn nguồn ủy thác cho vay qua Ngân hàng Chính sách xã hội đã được đẩy mạnh và thực hiện có hiệu quả. Qua đó, các cấp Hội phụ nữ đã phát huy vai trò của tổ chức Hội trong việc hỗ trợ hội viên phụ nữ có cơ hội tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ, giúp chị em tự tin khởi nghiệp phát triển kinh tế, góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tại Hội thảo tham vấn về định hướng hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2026-2035, bà Hoàng Thị Hạnh, Phó Giám đốc Ban Tín dụng người nghèo, Ngân hàng Chính sách xã hội, cho biết, hiện nay, đến ngày 31/10/2024, 4 tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác đang phối hợp cùng với Ngân hàng Chính sách xã hội quản lý 357.026 tỉ đồng dư nợ tín dụng chính sách với trên 6,8 triệu hộ. Trong đó, Hội LHPN Việt Nam quản lý 135.433 tỉ đồng, chiếm 37,93% tổng dư nợ ủy thác và có tới trên 53% các khách hàng vay vốn của NHCSXH là phụ nữ.
Hiện tại, NHCSXH có một chính sách đặc thù dành riêng cho khởi nghiệp và phụ nữ khởi nghiệp, tuy nhiên, trong quá trình Hội LHPN Việt Nam triển khai đề án hỗ trợ Phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025 (Đề án 939), các đối tượng phụ nữ khởi nghiệp có thể tiếp cận với nhiều chương trình cho vay của NHCSXH như chương trình cho vay đối với hộ nghèo và hộ cận nghèo; chương trình cho vay giải quyết việc làm; chương trình cho vay dành cho hộ gia đình sản xuất kinh doanh, thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn; chương trình cho vay dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác…
Về cơ bản các chương trình của NHCSXH đáp ứng được nguồn vốn với quy mô nhỏ (tối đa 100 triệu), chị em có thể tiếp cận thuận lợi để có nguồn vốn khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh. Trong thời gian qua, các cấp Hội phụ nữ và NHCSXH cũng đã tổ chức nhiều chương trình giới thiệu, lựa chọn, hướng dẫn chị em tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi.
Tuy nhiên, với những dự án khởi nghiệp có quy mô lớn, cần nhiều vốn, việc vay vốn chính sức ưu đãi còn chưa đáp ứng được nhu cầu và chưa có chương trình riêng dành cho phụ nữ khởi nghiệp. Dù vậy, để ban hành chương trình tín dụng dành riêng cho phụ nữ khởi nghiệp được đánh giá là còn khá khó khăn.
Để đồng hành, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp hiệu quả, bà Hoàng Thị Hạnh đã tham mưu, đề xuất giải pháp các cấp Hội phụ nữ phát huy vai trò năng lực, phối hợp cùng NHCSXH triển khai Đề án 939 tại các địa phương, huy động thêm nguồn lực từ các địa phương để tăng cơ hội tiếp cận vốn vay cho chị em.
Đồng thời, bà Hoàng Thị Hạnh cũng góp ý Hội LHPN Việt Nam và Tổ soạn thảo xây dựng Đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2026-2035" có thể tìm hiểu, mở rộng nội dung hỗ trợ liên quan đến khu vực vùng, miền đặc thù như khu vực nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số… để có những chính sách hỗ trợ đặc thù khác nhau dành cho những đối tượng này.
Sáng 3/12/2024, Hội LHPN Việt Nam tổ chức Hội thảo tham vấn về định hướng chiến lược hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2026-2035 nhằm xác định mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Hội thảo có sự tham gia của đại diện các bộ, ngành, chuyên gia, cố vấn khởi nghiệp, các tổ chức, đơn vị đồng hành cùng Hội LHPN Việt Nam, phụ nữ khởi nghiệp và đại diện Hội LHPN các cấp.
Các thông tin giá trị, những chia sẻ hữu ích của buổi hội thảo sẽ là cơ sở quan trọng để Hội LHPN Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh các giải pháp, hoạt động hỗ trợ, thúc đẩy khởi nghiệp của phụ nữ theo hướng ngày càng đổi mới, sáng tạọ, bắt kịp với bối cảnh phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển bền vững đất nước.