Bỏ việc, chi tiền mua loài mắc bệnh hiểm nghèo, giờ nhẹ nhàng đút túi hàng chục tỉ mỗi năm
Từ quyết định ngược đời, thậm chí từng suýt khiến gia đình tan nát sau cùng lại trở thành bước ngoặt lớn nhất trong cuộc đời của người đàn ông này.
Bỏ việc tiền tỉ đi nuôi loài dê chậm lớn
Trần Khai Phi (người Phúc Kiến, Trung Quốc) vốn là “con nhà người ta” trong mắt nhiều người. Anh tốt nghiệp đại học ở Úc, năm 2007 về nước và làm việc cho một tập đoàn lớn. Mức lương lúc ấy của Khai Phi lên đến hơn 1 triệu NDT (3,4 tỉ đồng)/năm.
Trong thời đại mà mức lương bình quân ở Trung Quốc chỉ từ 1.000 - 2.000 NDT (3,4 - 6,8 triệu đồng), thu nhập của Khai Phi chính là ước mơ của số đông. Tuy nhiên, không ai ngờ rằng vào năm 2012, Khai Phi lại bỏ việc để chuyển sang ngành chăn nuôi - một lĩnh vực mà anh không hề có bất kỳ kiến thức hay kinh nghiệm nào.
Trong năm 2012, Khai Phi đã chi hơn 10.000 NDT (34 triệu đồng) để thiết đãi khách hàng món thịt dê núi Daiyun - một đặc sản của địa phương. Loại thịt này có hương vị tươi ngon, khiến vị khách sau khi nếm xong đã ngỏ ý với Khai Phi muốn mua thêm 2 con nữa.
Tuy nhiên khi Khai Phi tìm đến hộ nuôi dê mới phát hiện, số dê còn lại được dùng làm giống cho năm sau nên không thể bán. Thậm chí, dù Khai Phi sẵn sàng trả giá gấp 3 cũng không thể mua được.
Điều này khiến Khai Phi cảm thấy rất khó hiểu, liệu giống dê núi Daiyun này có gì đặc biệt mà chủ nuôi lại tiếc không nỡ bán đến vậy?
Sau một thời gian đi tìm câu trả lời, Khai Phi mới biết được nguyên do đằng sau và còn nảy ra ý tưởng kinh doanh tuyệt vời.
Dê núi Daiyun
Hóa ra, đây là giống dê đặc hữu của dãy núi Daiyun ở Phúc Kiến, Trung Quốc. Những món ăn được chế biến từ thịt dê Daiyun hầu như không nặng mùi như thịt dê thông thường, thịt rất mềm và tươi. Tuy nhiên, giống dê này có một khuyết điểm, đó là chu kỳ sinh trưởng của nó rất dài nên rất ít nông dân chịu nuôi.
Khai Phi cảm thấy giống dê này có thể mở ra một thị trường tiêu thụ lớn, nếu có thể tham gia vào lĩnh vực này, chắc chắn anh sẽ có được một lượng khách hàng ổn định. Cách kiếm tiền này nhanh hơn nhiều so với lĩnh vực buôn bán xuất nhập khẩu mà anh đang làm.
Liều chi gần 300 triệu chỉ để mua một con dê bệnh
Thế nhưng, rõ ràng chu kỳ sinh trưởng chậm của dê Daiyun là một trở ngại rất lớn. May mắn thay, Khai Phi phát hiện ra một giống dê đen Nubia có tốc độ tăng trưởng cực nhanh. Lúc này, Khai Phi trộm nghĩ, nếu có thể kết hợp ưu điểm của cả 2 loài này để tạo ra loài mới, chắc chắn sẽ mang lại lợi nhuận khổng lồ.
Dê đen Nubia
Sau khi tìm ra phương án giải quyết, Khai Phi bắt đầu tìm kiếm những con giống đầu tiên. Trong quá trình này, anh tìm được một con dê đen Nubia khá đặc biệt. Nó từng là thủ lĩnh của đàn dê, sở hữu cơ thể cường tráng và tính cách mạnh bạo. Tuy nhiên nửa tháng trước khi Khai Phi gặp được nó, con dê này không may mắc bệnh hiểm nghèo.
Biết được tin này, Khai Phi không từ bỏ ý định ban đầu mà vẫn kiên quyết chọn mua con dê mắc bệnh với giá hơn 80.000 NDT (hơn 272 triệu đồng). Hành động này khiến vợ anh tức giận đến mức suýt ly hôn, bản thân Khai Phi cũng tốn một khoản tiền lớn để thuê bác sĩ thú y đến chữa trị cho dê.
Nghìn lẻ một “kiếp nạn”
May mắn thay, sau khi được bác sĩ thú y cứu chữa kết hợp với chế độ ăn cao cấp, con dê đen này đã trở lại thời kỳ huy hoàng trước đây. Việc tiếp theo của Khai Phi là tìm đến các chuyên gia nghiên cứu gen. Sau khi các chuyên gia lấy mẫu và quan sát tại chỗ, họ xác nhận rằng dê Daiyun có thể được lai tạo với dê đen Nubia. Ý tưởng lai giống táo bạo của Khai Phi là hoàn toàn chính xác.
Giống dê lai sau đó sở hữu tốc độ tăng trưởng lẫn kích thước đều vượt xa so với dê Daiyun. Lúc này, sản phẩm đã có sẵn, Khai Phi tiếp tục tìm thêm 2 người bạn thời sinh viên cùng hợp tác đầu tư vào giống dê giàu tiềm năng này.
Cả ba đã cùng nhau góp vốn hơn 2 triệu NDT (hơn 6,8 tỉ đồng), nhập hơn 300 con dê đen Nubia và dê Daiyun, đồng thời mua hơn 500 mẫu đất trên núi để thành lập trang trại.
Tuy nhiên, niềm hứng khởi ban đầu chưa kịp kéo dài đã vụt tắt. Trong vòng chưa đầy 1 tháng, ngày nào cũng có dê bị chết, cuối cùng chỉ còn lại 1/3 số dê còn sống sót. Nguyên do là vì khả năng miễn dịch của chúng quá kém, dễ bị nhiễm vi trùng và ký sinh trùng ngoài tự nhiên. Từ con này lây sang con khác, dẫn đến đàn dê chết hàng loạt.
Theo tư vấn của các chuyên gia, Khai Phi và các cộng sự xây một ao tắm thuốc cho đàn dê. Mỗi tối sau khi đưa chúng về chuồng, họ cần phải tắm lần lượt cho từng con để đảm bảo an toàn cho chúng.
Nhưng kiếp nạn này vừa qua, kiếp nạn khác đã tới. Trong số hơn 100 con dê còn sót lại, chúng lần lượt mất tích một cách bí ẩn. Điều này khiến hai cộng sự của Khai Phi vô cùng tức giận, sau đó rời bỏ trang trại và trở về nhà. Khai Phi đã phải bay hàng ngàn dặm đến Quảng Châu và Bắc Kinh để thuyết phục hai cộng sự. Cuối cùng, họ đã bỏ ra hơn 1 triệu NDT (hơn 3,4 tỉ đồng) để xây dựng hàng rào, tránh tình trạng dê mất tích lặp lại.
Sau bao trở ngại, cuối cùng trang trại dê của Khai Phi và cộng sự đã đi đúng hướng. Năm 2014, quy mô trang trại đã mở rộng đến hơn 2.000 con dê. Đến cuối năm đó, thông qua kênh bán hàng trực tuyến, những con dê lai đã được xuất chuồng với giá hơn 2.000 NDT (6,8 triệu đồng)/con. Chỉ trong vài ngày, cả ba người đã kiếm được hơn 4 triệu NDT (13,6 tỉ đồng). Tính đến cuối năm 2015, trang trại đã bán được hơn 7.000 con dê mỗi năm, ba người kiếm được hàng chục triệu NDT/năm (tương đương hàng chục tỉ đồng/năm).
Ngoài nuôi dê để cung cấp cho ngành thực phẩm, Khai Phi còn phát triển trang trại chăn nuôi thành một điểm thu hút khách du lịch đặc biệt. Khách hàng đến đây không chỉ được trải nghiệm bắt dê rừng miễn phí mà còn được thưởng thức nhiều bữa tiệc thịt dê thơm ngon đa dạng. Sau khi khách du lịch đã có trải nghiệm tốt tại trang trại, họ sẽ mua thịt dê mang về nhà. Bằng cách này, danh tiếng của trang trại ngày càng phát triển hơn.