Tân Thủ tướng Nhật Bản và sứ mệnh vượt 'núi thách thức'

Bên cạnh mục tiêu phải kiểm soát dịch Covid-19 và vực dậy nền kinh tế, tân Thủ tướng Yoshihide Suga cũng cần phải giải quyết một loạt các vấn đề khó khăn khác như già hóa dân số, củng cố hệ thống an sinh xã hội.

Tân Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga phát biểu tại cuộc họp báo ở Tokyo hôm 16/9.

Giới quan sát cho rằng tân Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga sẽ phải đương đầu với hàng loạt thách thức khi nền kinh tế nước này đang đình trệ và phải vật lộn với những tác động lâu dài của dân số già nhất thế giới cùng với cuộc khủng hoảng Covid-19.

Ngày 16/9, Quốc hội Nhật Bản đã chính thức bầu ông Yoshihide Suga làm Thủ tướng thứ 99 ở nước này. Trước đó 2 ngày, ông đã giành thắng lợi áp đảo trước hai ứng cử viên khác trong cuộc đua vào chiếc ghế Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền. Tuy nhiên, theo tờ Nikkei, ngay sau khi lên làm Thủ tưởng Nhật, ông Suga, 71 tuổi, sẽ đương đầu với rất nhiều thách thức trong đó, bao gồm kiểm soát đại dịch Covid-19, kích thích kinh tế tăng trưởng và chuẩn bị cho việc tổ chức Thế vận hội Tokyo vào năm sau.

Do chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ dịch Covid-19, việc tăng thuế tiêu dùng và cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, nền kinh tế Nhật Bản đã rơi vào suy thoái từ cuối năm ngoái. Đặc biệt, trong thời gian từ tháng 4 - 6 năm nay, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế của nước này giảm 28,1% so với cùng kỳ năm ngoái và ghi nhận là quý có mức sụt giảm mạnh nhất trong vòng 4 thập kỷ qua.

Bên cạnh mục tiêu phải kiểm soát dịch Covid-19 và vực dậy nền kinh tế, ông Suga cũng cần phải giải quyết một loạt các vấn đề khó khăn khác như già hóa dân số, củng cố hệ thống an sinh xã hội, thúc đẩy tăng trưởng trong trung và dài hạn, và cải thiện cán cân thu - chi ngân sách để giảm tỷ lệ nợ công/GDP, vốn đang đứng ở mức cao nhất trong các nền kinh tế phát triển. Đây là những vấn đề mà cựu Thủ tướng Shinzo Abe chưa thể giải quyết trong gần 8 năm tại nhiệm.

Đây chính là một phép thử cho khả năng lãnh đạo và tài thao lược của chính trị gia lão luyện này, nhất là khi ông Suga là một chính trị gia tự thân và không thuộc bất cứ phái nào trong LDP. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng tân Thủ tướng Nhật có lợi thế đế có thể vượt qua hàng loạt trở ngại trong tương lai, đó là kỹ năng của một người giỏi kết nối sau hậu trường nhờ kinh nghiệm tích lũy được trong gần 8 năm làm Chánh Văn phòng Nội các. Yoshihide Suga có quan hệ chặt chẽ với một số nhân vật cấp cao như Toshihiro Nikai, thủ lĩnh nhóm có ảnh hưởng lớn thứ 3 trong LDP, kiêm Tổng thư ký LDP.

"Không ai có nhiệm kỳ trong nội các chính phủ dài kỷ lục như ông Suga" - Kiyoaki Aburaki, Giám đốc điều hành của BowerGroup Asia ở Tokyo, nói với tờ Al Jazeera. "Ông Suga nắm rõ bộ máy vận hành của chính phủ, và biết rõ chủ nghĩa phân quyền trước đây đã ngăn cản quá trình cải cách cơ cấu như thế nào. Đó là một tài sản giá trị đối với tân Thủ tướng Nhật”.

Hơn nữa, mặc dù nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới bị thiệt hại nặng nề bởi đại dịch Covid-19, ông Suga được thừa hưởng di sản về một đất nước Nhật Bản tương đối ổn định. Tận dụng lợi thế này, cách lựa chọn, sắp xếp nhân sự trong nội các mới vừa được công bố chiều ngày 16/9 cũng cho thấy tân Thủ tướng Suga muốn duy trì sự ổn định.

Theo danh sách nội các này, có 8 các chức vụ chủ chốt được ông Suga giữ lại đó là: Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Taro Aso; Bộ trưởng Ngoại giao Toshimitsu Motegi; Bộ trưởng Kinh tế - Thương mại và Công nghiệp Hiroshi Kajiyama; Bộ trưởng Đất đai - Hạ tầng - Giao thông và Du lịch Kazuyoshi Akaba; Bộ trưởng Môi trường Shinjiro Koizumi; Bộ trưởng Tái thiết Kinh tế Yasutoshi Nishimura; và Bộ trưởng Olympic và Paralympic Seiko Hashimoto.

Nguyễn Phương

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/tan-thu-tuong-nhat-ban-va-su-menh-vuot-nui-thach-thuc-396383.html