Tận dụng 'cá mập' trong thị trường công nghệ tiếp thị

Thị trường công nghệ tiếp thị Việt Nam đang chuyển mình mạnh mẽ với một nhóm người dùng 'cá mập' sẵn sàng chi tiền để mua hàng trong ứng dụng.

'Đừng nói người Việt chỉ thích đồ miễn phí'

Được thành lập vào năm 2012 ở Berlin (Đức) và nhanh chóng trở thành một trong những nhà cung cấp giải pháp đo lường và phân tích quảng cáo di động có tiếng trên toàn cầu nhưng phải đến đầu năm 2020, Adjust mới có mặt ở thị trường Việt Nam.

Khi tìm hiểu về thị trường Việt Nam thời điểm đó, Giám đốc kinh doanh Adjust, ông Simon Dussart (nay là Tổng giám đốc) và đội ngũ được nghe nhiều về việc người Việt có xu hướng thích sử dụng các sản phẩm miễn phí, đặc biệt là trong lĩnh vực dịch vụ số.

Thậm chí, ghi nhận của Bộ Thông tin và truyền thông vào tháng 1/2024 cũng cho thấy, mặc dù Việt Nam giữ vị trí thứ 11 toàn cầu về tổng số lượt tải trên thiết bị di động, mức chi tiêu cho các dịch vụ qua nền tảng chỉ xếp thứ 34 toàn cầu, xếp thứ sáu trong khu vực ASEAN.

Có lẽ, đó là một trong những thách thức mà nền tảng phân tích tiếp thị di động Adjust cũng như những tay chơi khác cùng lĩnh vực phải đối mặt trong hành trình chinh phục thị trường Việt Nam.

Tuy nhiên từ góc nhìn của mình, ông Simon khá bất ngờ với sự thay đổi nhanh chóng của thị trường và cho rằng người dùng Việt Nam rất sẵn lòng mở hầu bao để mua sắm trong ứng dụng, tạo điều kiện cho ngành công nghệ tiếp thị phát triển. Minh chứng rõ nét là theo dữ liệu của Sensor Tower, doanh thu mua sắm trong ứng dụng tại Việt Nam năm 2023 đạt mốc 385 triệu USD.

“Điều này phản ánh rằng người dùng Việt Nam không chỉ tìm kiếm những dịch vụ miễn phí mà còn sẵn sàng chi tiêu cho trải nghiệm và chất lượng cao hơn, từ các gói thuê bao, vật phẩm game cho đến các dịch vụ tiện ích khác”, CEO Adjust nói.

Ông Simon Dussart, CEO Adjust. Ảnh: Mạnh Vỹ

Ông Simon Dussart, CEO Adjust. Ảnh: Mạnh Vỹ

Đặc biệt, có một nhóm người dùng “cá mập” là những người tiêu dùng sẵn sàng chi số tiền lớn cho các vật phẩm và dịch vụ cao cấp trong ứng dụng. Họ không chỉ bị thu hút bởi các vật phẩm giá trị cao trong game, mà còn mong muốn trải nghiệm liền mạch và độc đáo. Dù chỉ chiếm từ 2-5% số lượng người dùng, nhóm người dùng này đang đóng góp phần lớn vào doanh thu của các ứng dụng.

Ông Kapil Bonde, người chịu trách nhiệm quảng bá và giáo dục thị trường về sản phẩm của Adjust (market evangelist) lấy ví dụ, có những người sẵn sàng chi 500 - 1.000USD để mua vật phẩm trong game.

“Một số ứng dụng chỉnh sửa ảnh áp dụng mô hình free trial, cho phép người dùng chỉnh sửa miễn phí 3 - 4 lần đầu, sau đó phải trả tiền. Một khi đã quen với việc chỉnh sửa ảnh rồi, người dùng sẽ không ngần ngại bỏ thêm một khoản tiền nhỏ để tiếp tục sử dụng dịch vụ chất lượng”, ông Kapil nói.

Lần thứ hai đến Việt Nam vào đầu tháng 10/2024, ông Simon nhận thấy thị trường ứng dụng Việt Nam đã thay đổi nhanh chóng. Không chỉ tăng trưởng 12% về lượt tải ứng dụng trong năm 2023 mà thời gian người dùng truy cập cũng chạm mốc 104 tỷ giờ mỗi năm, đứng thứ chín toàn cầu về thời gian truy cập.

CEO Adjust chỉ ra ba yếu tố chính thúc đẩy sự phát triển của thị trường ứng dụng di động tại Việt Nam. Một là tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh cao với 72 triệu người dùng Internet di động năm 2022 và dự kiến đạt 83 triệu người vào năm 2028.

Hai là các dịch vụ Internet ngày càng phổ biến và dễ tiếp cận, giúp người dùng dễ dàng truy cập vào các ứng dụng di động từ bất cứ đâu. Ba là dân số trẻ, cởi mở với công nghệ mới và sẵn sàng trải nghiệm, chi tiêu cho các dịch vụ số.

“Gần như tất cả các ứng dụng di động đều phải chạy quảng cáo để thu hút người dùng. Đây là nhu cầu thiết yếu vì thị trường ứng dụng di động có tính cạnh tranh rất khốc liệt, đặc biệt là các ứng dụng game hay thương mại điện tử. Nếu không chạy quảng cáo, ứng dụng khó có thể thu hút người dùng mới”, ông Simon nói.

Cụ thể, để tối ưu hóa ngân sách quảng cáo, doanh nghiệp cần biết chiến dịch nào mang lại doanh thu tốt nhất và kênh quảng cáo nào hiệu quả nhất. Họ cũng cần thu hút được tệp người dùng chịu chi và gắn bó với ứng dụng.

“Nếu không có công cụ đo lường và phân tích hiệu quả của từng chiến dịch, doanh nghiệp sẽ lâm vào tình trạng tù mù thông tin, bỏ tiền ra mà không biết lãi lỗ ra sao”, lãnh đạo Adjust nhận định.

Đó là cơ hội tốt để Adjust phát triển tại thị trường Việt Nam với các giải pháp đo lường, cải thiện và phát triển chiến lược tiếp thị ứng dụng (app marketing) trên nhiều nền tảng, từ thiết bị di động đến thiết bị CTV.

“Chúng tôi tập trung vào các mảng chính như bảo mật dữ liệu, ngăn chặn gian lận, cũng như các công nghệ mới như AI và máy học. Mục tiêu của chúng tôi là không chỉ giúp khách hàng tối ưu hóa ngân sách marketing mà còn ngăn chặn các gian lận trên môi trường di động như cài đặt hoặc đơn hàng giả mạo”, ông Simon cho biết.

Một cơ hội khác với Adjust còn nằm ở việc thị trường Việt Nam có tỷ lệ người dùng cho phép ứng dụng thu thập thông tin (opt-in) đứng thứ ba thế giới với con số 45%, chỉ sau UAE (49,6%) và Brazil (47%).

Việt Nam đứng thứ ba toàn cầu về tỷ lệ opt-in, tạo điều kiện cho việc thu thập và đo lường dữ liệu tiếp thị ứng dụng. Nguồn: Adjust, quý II/2023

Việt Nam đứng thứ ba toàn cầu về tỷ lệ opt-in, tạo điều kiện cho việc thu thập và đo lường dữ liệu tiếp thị ứng dụng. Nguồn: Adjust, quý II/2023

Ông Simon cũng cho biết, Adjust hoạt động toàn cầu nên việc tuân thủ các quy định pháp lý về bảo mật dữ liệu ở mọi thị trường là rất quan trọng. Lợi thế của Adjust là có trụ sở tại Đức, nơi có các tiêu chuẩn bảo mật dữ liệu khắt khe nhất thế giới, giúp công ty ít gặp vấn đề liên quan đến bảo mật dữ liệu người dùng.

Kỳ vọng lớn về thị trường Việt Nam

Chỉ từ vài khách hàng trong năm đầu tiên, Adjust hiện đang phục vụ hơn 90 khách hàng ở Việt Nam. Nếu như cuộc gặp gỡ khách hàng năm đầu tiên chỉ diễn ra ở Sài Gòn thì trong sự kiện sau 4 năm, ông Simon phải có mặt ở cả TP.HCM và Hà Nội để không chỉ tham gia buổi gặp gỡ khách hàng của Adjust mà còn có mặt ở giải bóng đá mà các đối tác tổ chức.

“Cộng đồng phát triển ứng dụng di động ở Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ và rất gắn bó. Tôi cảm giác như mọi người đều biết nhau và thường xuyên gặp gỡ, giao lưu”, ông Simon hào hứng.

Điều đặc biệt là nếu như những khách hàng đầu tiên của Adjust đa phần trong mảng trò chơi điện tử (gaming) thì đến nay đã mở rộng ra nhiều lĩnh vực khác nhau, đặc biệt là ngân hàng - tài chính và dịch vụ tiện ích. Không chỉ người dùng trong các ứng dụng game mà người dùng trong các ứng dụng khác cũng đang chi tiền. Đó là điều thúc đẩy sự phát triển của mảng ứng dụng và tiếp thị ứng dụng.

Chia sẻ về kế hoạch phát triển ở Việt Nam thời gian tới, ông Simon cho biết, Adjust sẽ tiếp tục làm những gì đã làm tốt trong 4 năm qua và phát huy trong thời gian tới để hỗ trợ khách hàng một cách tốt nhất. Việt Nam hiện là một trong những thị trường có tốc độ tăng trưởng cao nhất của Adjust trên phạm vi toàn cầu.

“Ngoài ra, chúng tôi cũng kỳ vọng sẽ đa dạng hóa tệp khách hàng của Adjust trong thời gian tới tại Việt Nam”, CEO Adjust cho biết.

Cá nhân ông Simon dự định sẽ tới Việt Nam hàng năm để gặp gỡ khách hàng, nắm bắt nhu thị trường và cố gắng phát triển giải pháp để đáp ứng tối đa những nhu cầu đó trong tương lai.

Quỳnh Chi

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/tan-dung-ca-map-trong-thi-truong-cong-nghe-tiep-thi-d37316.html