Tại sao tên lửa hành trình BrahMos là vũ khí diệt hạm nguy hiểm hàng đầu thế giới?
Là một trong những sản phẩm quân sự được Ấn Độ gửi tới tham gia trưng bày tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024, tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos được giới thiệu đầy đủ các phiên bản phóng đất đối hải, tích hợp trên hạm và phiên bản trang bị trên máy bay chiến đấu.
BrahMos là tên lửa hành trình siêu thanh do Tập đoàn liên doanh hàng không BrahMos, đơn vị liên doanh giữa Cơ quan Nghiên cứu và thực nghiệp quốc phòng Ấn Độ (DRDO) và NPO Mashinostroyenia (NPOM) của Nga nghiên cứu, phát triển. Là tên lửa siêu thanh ứng dụng nhiều công nghệ đột phá, BrahMos sở hữu sức mạnh mà hiếm loại tên lửa diệt hạm nào trên thế giới sở hữu.
Phát triển dựa trên nền tảng tên lửa đối hạm siêu thanh P-800 Oniks (Yakhont) của Nga, BrahMos phiên bản tiêu chuẩn có thể đạt tốc độ từ Mach 2.5-2.8 và tầm hoạt động đạt 280km. Với khối chiến đấu nặng hơn 200kg, tên lửa BrahMos có thể tiêu diệt hoặc vô hiệu hóa các chiến hạm có trọng tải tới 10.000 tấn hoặc các mục tiêu nổi kiên cố trên biển.

Phiên bản tổ hợp tên lửa đất đối hải sử dụng đạn tên lửa BrahMos.
Việc ngăn chặn loại tên lửa siêu thanh này là rất khó khăn do tốc độ và quỹ đạo bay phức tạp của nó. Trong một số lần bắn thử nghiệm, tên lửa BrahMos có động năng rất lớn thậm chí xuyên thủng qua thân tàu mục tiêu.
Trong nhiều năm qua, Ấn Độ rất tích cực nâng cấp tên lửa BrahMos. Năm 2019, Ấn Độ đã thử nghiệm bản nâng cấp tăng tầm bắn lên 450km với hệ thống dẫn đường mới. Bản nâng cấp này được đánh giá không chỉ có tầm bắn lớn gấp rưỡi, mà còn cải thiện khả năng tấn công mục tiêu nhờ việc hoạt động tốt trong môi trường đối kháng điện tử mạnh. Cùng với đó, Ấn Độ còn đang lên kế hoạch phát triển tên lửa BrahMos thành vũ khí siêu vượt âm với tốc độ bay đạt Mach 5 (gấp 5 lần tốc độ âm thanh).
Ấn Độ cũng đã thử thành công biến thể BrahMos-A trang bị trên các phương tiện bay, Không quân quốc gia Nam Á này đang có kế hoạch đưa vào trang bị trên máy bay Su-30MKI sửa đổi từ đầu năm 2020.

Phiên bản tích hợp trên hạm sử dụng cơ cấu phóng thẳng đứng.

Phiên bản BrahMos-A tích hợp lên khung thân máy bay chiến đấu Su-30MKI.
Sự xuất hiện của biến thể BrahMos-A, cũng như phiên bản nâng cấp của dòng tên lửa diệt hạm siêu âm này sẽ giúp tăng sức cạnh tranh của nó trên thị trường vũ khí quốc tế. Với khả năng tấn công chính xác cao, uy lực và trang bị trên đa nền tảng chiến đấu.
Ấn Độ tuyên bố sẵn sàng xuất khẩu tên lửa BrahMos tới các quốc gia có nhu cầu, trong đó có khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, chưa có thỏa thuận chính thức nào được ký kết. Giới chuyên gia quân sự quốc tế đánh giá, tên lửa BrahMos rất có tiềm năng với vai trò là dòng tên lửa hành trình tấn công đa dụng, hơn là vai trò của tên lửa diệt hạm đơn thuần.