Tại sao Mỹ không tiếp tục viện trợ tên lửa tầm xa cho Ukraine?
Mỹ sẽ không cung cấp thêm các tên lửa ATACMS cho Ukraine, do lo ngại kho vũ khí quốc gia không còn đủ dùng.
Chính phủ Kiev vẫn đang tiếp tục đề nghị được hỗ trợ thêm các tên lửa tầm xa hơn, và cả vũ khí hạng nặng, bất chấp Nhà Trắng đã phê chuẩn gói viện trợ quân sự trị giá 30 tỷ USD.
Theo thông tin được Politico công bố hôm 13/2, trong cuộc họp mới đây tại thủ đô Washington, các quan chức Ukraine đã được thông báo về việc Mỹ sẽ không còn viện trợ Hệ thống Tên lửa Chiến thuật Lục quân (ATACMS).
Lầu Năm Góc nhận định hoạt động chuyển giao ATACMS sẽ làm “suy giảm kho dự trữ của Mỹ, và gây tổn hại đến khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội Mỹ”.
Hiện không rõ Mỹ còn bao nhiêu ATACMS trong kho dự trữ. Nhưng trong vòng 20 năm qua, tập đoàn sản xuất vũ khí Lockheed Martin chỉ sản xuất khoảng 4.000 tên lửa các loại. Trong đó, khoảng 600 tên lửa đã được quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh vùng Vịnh và chiến tranh Iraq. Nhiều tên lửa ATACMS cũng đã được Mỹ bán cho các đồng minh là Bahrain, Hy Lạp, Ba Lan, Qatar, Romania, Hàn Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ.
Do không thể mua trực tiếp vũ khí của Mỹ, Kiev đang cân nhắc đề nghị trong các quốc gia đồng minh của Washington có thể cung cấp tên lửa ATACMS hay không. Tuy nhiên, vấn đề này cần phải được Mỹ thông qua.
Xung đột ở Ukraine đã khiến kho dự trữ vũ khí của Mỹ bị sụt giảm nhanh. Vào tháng 3/2022, thời điểm Nga mới tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine được vài tuần, Mỹ đã rơi vào tình trạng thiếu hụt tên lửa Javelin và Stinger.
Tính đến ngày 3/2 năm nay, Washington đã viện trợ cho Ukraine ít nhất 1.600 tên lửa Stinger và hơn 8.000 tên lửa Javelin, cùng số lượng lớn các vũ khí khác như máy bay không người lái (UAV), súng cối, lựu pháo, xe chiến đấu bọc thép, và hàng chục hệ thống pháo phản lực phóng loạt HIMARS.
Cũng theo Politico, giới chức Mỹ lo ngại với tầm bắn hơn 300km, các lực lượng Ukraine có thể sử dụng tên lửa ATACMS để “tấn công vào sâu bên trong lãnh thổ Nga”. Dù Nhà Trắng đã phê chuẩn cung cấp một số vũ khí hạng nặng cho Kiev như xe tăng chiến đấu chủ lực M1 Abrams, song Washington cho rằng các cuộc tấn công nhằm vào mục tiêu nằm trong lãnh thổ Nga sẽ vượt "lằn ranh đỏ" mà Moscow đã đặt ra.
Hôm 13/2, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã lên tiếng hối thúc các nước thành viên “đẩy mạnh sản xuất” vũ khí và đạn dược để kịp đáp ứng nhu cầu sử dụng của Kiev.