Tái diễn nạn đổ trộm chất thải rắn cồng kềnh tại Hà Nội: Cần sớm có giải pháp căn cơ
Tình trạng đổ trộm chất thải rắn cồng kềnh như giường, tủ, bàn ghế hỏng… ra vỉa hè, lòng, lề đường gây mất mỹ quan đô thị trên địa bàn Hà Nội đã được các cơ quan báo chí liên tục phản ánh. Các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cũng từng nhiều lần ra quân xử lý…
Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian, vi phạm lại tái diễn, gây nhiều khó khăn cho các đơn vị vệ sinh môi trường. Để giải quyết triệt để tình trạng này, cùng với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ trong xử lý vi phạm của các cấp, ngành, địa phương, thành phố cần sớm ban hành quy định về phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn cồng kềnh.
Vi phạm còn tràn lan
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànôịmới, tại các tuyến đường, phố: Lê Duẩn, Khâm Thiên, Hoàng Cầu, Xã Đàn, Tôn Đức Thắng… (quận Đống Đa) tồn tại nhiều đống chất thải rắn cồng kềnh bị người dân đổ ra vỉa hè, lòng đường. Điểm thường xuyên xảy ra vi phạm nhất phải kể đến khu vực ngõ 1B, phố Khâm Thiên. Đầu giờ sáng 29-11 đã xuất hiện đống chất thải rắn cồng kềnh với khối lượng lớn gây cản trở giao thông, mất mỹ quan đô thị. Gần đó, khu vực trước cửa số 226 đường Lê Duẩn, số 2 phố Xã Đàn… cũng là những điểm người dân thường xuyên đổ chất thải rắn cồng kềnh.
Bà Trịnh Thị Thái, ngõ 1B, phố Khâm Thiên bức xúc: “Người dân trong khu vực đã nhiều lần có ý kiến phản ánh về tệ nạn này. Đơn vị vệ sinh môi trường trên địa bàn quận cũng đã thường xuyên vận chuyển hàng đống rác thải. Song vi phạm vẫn liên tục tái diễn”.
Còn tại quận Thanh Xuân, nhiều tuyến đường, phố như: Thượng Đình, Nguyễn Xiển, Lê Văn Lương, Nhân Hòa, Nguyễn Trãi… cũng liên tục xảy ra tình trạng đổ trộm chất thải rắn cồng kềnh. Dọc vỉa hè phố Thượng Đình sáng 29-11, theo quan sát của phóng viên, có rất nhiều tấm lợp pro xi măng kèm theo bàn ghế hỏng, đệm cũ và nhiều phế thải cồng kềnh khác bị người dân đổ ra.
Cùng ngày 29-11, dọc đường Nguyễn Xiển qua địa phận quận Thanh Xuân cũng xuất hiện nhiều điểm đổ chất thải rắn cồng kềnh ra vỉa hè, lòng, lề đường. Ông Nguyễn Tấn Trường, cán bộ giám sát, Hợp tác xã Thành Công cho biết: “Chất thải rắn cồng kềnh hay phế thải xây dựng bị người dân đổ trộm ra môi trường bất kể giờ nào trong ngày. Rất nhiều lần, nhân viên của Hợp tác xã Thành Công vừa thu gom, vận chuyển sạch sẽ, mà chỉ mấy phút sau quay lại đã thấy cái đệm, hay chiếc ghế sofa hỏng vứt chềnh ềnh ra đường”.
Tăng cường kiểm tra, xử phạt và tháo gỡ về cơ chế
Điểm d, Khoản 2, Điều 25 Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 7-7-2022 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường nêu rõ: Phạt tiền 1-2 triệu đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải trên vỉa hè, lòng đường… Tuy nhiên, do ý thức của người dân còn hạn chế; việc kiểm tra, xử lý vi phạm của chính quyền các cấp chưa được thực hiện nghiêm… nên trên địa bàn Hà Nội vẫn xảy ra tình trạng đổ trộm chất thải rắn cồng kềnh ra môi trường. Trong khi đó, đến nay, Hà Nội vẫn chưa ban hành quy trình, định mức và đơn giá áp dụng đối với chất thải rắn cồng kềnh nên các đơn vị vệ sinh môi trường trên địa bàn rất vất vả trong việc thu gom, vận chuyển đi xử lý vì không được thanh toán chi phí vận chuyển.
Bà Trần Hồng Hạnh, đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Thanh Xuân chia sẻ, hiện nay, mỗi ngày trên địa bàn quận Thanh Xuân phát sinh khoảng 2,3 tấn chất thải rắn cồng kềnh. Tuy nhiên, trong hợp đồng đấu thầu duy trì thu gom rác thải sinh hoạt, không có nội dung về kinh phí xử lý chất thải rắn cồng kềnh. Thực tế, khi xảy ra tình trạng đổ trộm, Hợp tác xã Thành Công vẫn phải là đơn vị thu gom, phân loại, phá dỡ, nghiền và vận chuyển đi xử lý nhưng không được thanh toán kinh phí phá dỡ, phân loại, vận chuyển...
Bà Ngô Thanh Loan, đại diện Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO) cho hay, các đơn vị thuộc URENCO đang thực hiện xử lý chất thải rắn cồng kềnh theo 2 phương thức. Thứ nhất là sử dụng xe tải nhỏ thu gom, vận chuyển về điểm tập kết, sau đó phá dỡ, giảm thể tích, đưa lên xe cuốn ép và vận chuyển đi xử lý. Cách thứ hai là sử dụng xe cuốn ép thu gom rác thải sinh hoạt theo tuyến, quá trình thu gom nếu có chất thải rắn cồng kềnh, công nhân thực hiện phá dỡ, giảm thể tích sơ bộ và đưa lên xe cuốn ép, vận chuyển đi xử lý. Tuy nhiên, do đơn vị sử dụng thiết bị thu gom rác thải thông thường để thu gom, vận chuyển chất thải rắn cồng kềnh nên không phù hợp, thường xuyên gây hỏng hóc, cong vênh bàn ép của xe cuốn ép rác sinh hoạt dẫn đến phát sinh chi phí khá lớn cho việc sửa chữa xe, máy móc, thiết bị.
Về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng cho biết, không riêng Hà Nội mà nhiều tỉnh, thành khác đến nay vẫn chưa ban hành quy trình, định mức và đơn giá áp dụng đối với chất thải rắn cồng kềnh. Vì vậy, tình trạng chung là các địa phương vẫn đang lúng túng trong cách xử lý. Để giải quyết tình trạng này, trước mắt, các ngành, địa phương cần vào cuộc quyết liệt, đồng bộ trong việc kiểm tra, xử lý nạn đổ trộm chất thải rắn cồng kềnh sai quy định; đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nhận thức được tác hại của việc vứt rác bừa bãi. Về lâu dài, Hà Nội cần ban hành quy trình, định mức và đơn giá áp dụng đối với chất thải rắn cồng kềnh, có như vậy mới xử lý triệt để tình trạng đổ trộm như hiện nay.